Thứ Sáu, 20/9/2024
Dân tộc - Tôn giáo
Thứ Hai, 27/11/2023 9:13'(GMT+7)

Lễ Tẩu sai – nét văn hóa độc đáo của dân tộc Dao Tiền

Khi dự lễ Tẩu sai, đàn ông mặc quần áo truyền thống, đầu đội mũ hình mào gà, váy choàng, thắt lưng bằng dây vải ở hai đầu đính các dải tua rua.

Khi dự lễ Tẩu sai, đàn ông mặc quần áo truyền thống, đầu đội mũ hình mào gà, váy choàng, thắt lưng bằng dây vải ở hai đầu đính các dải tua rua.

Lễ Tẩu sai là nghi lễ lớn nhất trong số các nghi lễ vòng đời của người đàn ông dân tộc Dao Tiền với sự tham gia của tất cả các thành viên trong dòng họ. Để được làm Lễ Tẩu sai, người đàn ông Dao Tiền phải trải qua Lễ Quá tang (Lễ cấp sắc 3 đèn) và Lễ cấp sắc 7 đèn.

Chị Bàn Thị Thanh, xóm Khuổi Hoa, xã Thịnh Vượng, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng cho biết: “Là nghi lễ trọng nhất trong vòng đời của người đàn ông Dao Tiền với rất nhiều thủ tục, nghi thức nên Lễ Tẩu sai có thời gian chuẩn bị kéo dài tới vài tháng, phải chuẩn công phu với rất nhiều thứ, từ quần áo, đồ dùng, tiền, gạo, tiền giấy… Mỗi gia đình phải chi phí hết vài chục triệu đồng. Người được cấp sắc 12 đèn sẽ được cộng đồng trọng vọng nhất, sẽ trở thành thầy cúng cấp cao, đủ uy tín để đứng ra tổ chức các nghi lễ quan trọng cho bản làng”.

 Tranh thờ của người Dao được treo xung quanh nhà.

Trước khi thực hiện lễ, ở ngay ngoài cửa ngôi nhà tổ chức lễ người ta dán những tờ sớ chữ Dao ghi họ tên của những cặp vợ chồng thụ lễ cũng như những lời thỉnh cầu của họ. Một chiếc cầu thang gỗ được bắc ngay cửa nhà để thần thánh, tổ tiên đi trên đó vào nhà. Trong nhà được trang trí rất cầu kỳ. Phía dưới trần nhà là khung dàn treo hồ sơ lý lịch của những người được cấp sắc. Ba phía tường treo các tờ tranh thờ của người Dao theo lệ thức, bên phải treo tranh Tam Thanh của thầy chính, bên trái treo tranh của các thầy phụ, chính giữa treo tranh của dòng họ.

Khi thực hiện Lễ Tẩu sai, người Dao Tiền lập các bàn thờ ở ba mặt trong nhà. Ngoài ra còn có một bàn thờ chính như hình ngôi nhà đặt ở giữa nhà có ý nghĩa là nơi trú ngụ của các binh lính của thần thánh về dự lễ. Trên bàn thờ đặt một con lợn và một con gà luộc. Các bàn thờ còn lại đều có bánh, cơm và một ít thịt.

Hồ sơ lý lịch của những cặp vợ chồng làm lễ được treo ở trần nhà.

Tại Lễ Tẩu sai có tới 14 thầy cúng để viết sớ, mỗi thầy khi đi hành lễ thường mang theo từ 1 - 3 người đệ tử giúp việc. Do có nhiều nghi thức nên Lễ Tẩu sai kéo dài từ 3-5 ngày đêm với nhiều thủ tục, lễ thức như: Lễ dâng lợn cúng tổ tiên và thần thánh; cúng báo thổ công giúp quản lý các đồ vật và tiếp đón pháp sư, binh mã; lễ cúng báo tổ tiên, thần thánh về việc dòng họ bắt đầu thực hiện chay tịnh cho cấp sắc12 đèn; lễ dẫn binh mã của đệ tử ra ngũ đài để tập nhảy múa; lễ cúng và nhảy múa chia vui với binh mã của các đệ tử và các linh hồn xấu số đã được chuộc về đoàn tụ cùng tổ tiên; lễ đưa các đệ tử đi qua sông suối và cúng cho các đệ tử hóa thân thành chim phượng bay lên ngũ đài; cấp ấn tín cho các đệ tử thụ lễ và cúng đưa các bà vợ của 14 đệ tử đi qua sông suối; cúng đón điều tốt cho vợ chồng các đệ tử, giao binh mã của từng đệ tử cho Ngọc Hoàng, báo cáo trời đất về đám tẩu sai đã hoàn thành. Cuối cùng là lễ tiễn các thần thành về chốn cũ, kết thúc Lễ Tẩu sai.

Ngày nay, Lễ Tẩu sai của đồng bào dân tộc Dao Tiền ở Cao Bằng vẫn được gìn giữ, bảo tồn nhưng đã có nhiều đổi mới tích cực, không còn nặng về lễ nghĩa hình thức, thời gian hành lễ được rút ngắn còn 2 - 3 ngày, chi phí cho lễ chỉ ở mức vừa đủ, đáp ứng yêu cầu cần thiết của việc hành lễ mà không gây lãng phí, ảnh hưởng đến kinh tế gia đình. Bên cạnh đó, lễ cấp sắc còn được tổ chức để cầu an, cầu tài, cầu lộc cho gia đình. /.

Đỗ Lan

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất