1. Phát triển các ngành, lĩnh vực kinh tế
Sản xuất công nghiệp: Tháng 2 năm 2010 ước giảm 1,3% so với cùng kỳ năm 2009, có nguyên nhân là nghỉ Tết Nguyên đán dài ngày, trong khi Tết Nguyên đán năm trước rơi vào tháng 1. Tính chung 2 tháng đầu năm 2010, giá trị sản xuất công nghiệp tăng 13,6%, trong đó: khu vực kinh tế ngoài Nhà nước tăng 15,1% và khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài tăng 15,4% .
Sản xuất nông nghiệp: Tính đến ngày 15/2/2010 cả nước đã gieo cấy được 2.742,7 nghìn ha lúa đông xuân, giảm 1,1% so với cùng kỳ năm trước, trong đó miền Bắc gieo cấy được 884,9 nghìn ha bằng 94,8% so với cùng kỳ, miền Nam gieo cấy được 1.857,8 nghìn ha, tăng 0,9% so với cùng kỳ.Tình hình sâu bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp trên cả lúa và rau màu ở các tỉnh miền Nam, các bệnh phổ biến là rầy nâu, sâu đục thân, đạo ôn, vàng lùn, lùn xoắn lá trên diện tích lúa đang trong giai đoạn đẻ nhánh, làm đòng,... Tính đến ngày 15/2, diện tích lúa bị nhiễm bệnh rầy nâu, sâu đục thân là 76,6 nghìn ha.
Thuỷ sản: Tổng sản lượng thủy sản tháng 2/2010 ước tăng 2,6% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 2 tháng đầu năm 2010, tổng sản lượng thủy sản ước tăng 3,8% so với cùng kỳ năm 2009, trong đó sản lượng thủy sản nuôi trồng ước tăng 3,6%; sản lượng thủy sản khai thác ước tăng 3,9%.
Lâm nghiệp: Tính chung 2 tháng đầu năm 2010, diện tích rừng trồng tập trung ước tính đạt 20,3 nghìn ha, tăng 5,3% so với cùng kỳ năm trước.
Du lịch: Lượng khách quốc tế đến Việt Nam trong tháng 2 năm 2010 ước tăng 3,5 % so với tháng 1/2010 và tăng 30,2% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung cả 2 tháng đầu năm thì lượng khách quốc tế ước đạt trên 877 nghìn lượt người, tăng 27,4% so với cùng kỳ năm 2009.
Bưu chính - viễn thông: Tổng số thuê bao điện thoại phát triển mới toàn ngành trong tháng 2/2010 ước đạt 4 triệu thuê bao, tăng 6,7% so với tháng trước. Từ đầu năm đến hết tháng 2/2010, tổng số thuê bao điện thoại phát triển mới toàn ngành ước đạt 7,75 triệu thuê bao, tăng 90,8% so với cùng kỳ năm trước. Tổng số thuê bao điện thoại trên toàn mạng đến hết tháng 2/2010 là 138,15 triệu thuê bao, tăng 61,8% so với cùng kỳ năm ngoái (trong đó, thuê bao di động toàn ngành chiếm khoảng 85,7%). Số thuê bao Internet băng rộng đến cuối tháng 2/2010 ước đạt khoảng 3,15 triệu thuê bao, tăng 45% so với cùng kỳ năm 2009.
d) Về phát triển doanh nghiệp Trong 2 tháng đầu năm 2010, cả nước ước tính có khoảng 13 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, tăng 29% so với cùng kỳ năm 2009. Số vốn đăng ký mới ước đạt 46,8 nghìn tỷ đồng, giảm 10% so với cùng kỳ năm ngoái.
2. Về một số cân đối kinh tế vĩ mô
Đầu tư phát triển Vốn đầu tư từ Ngân sách Nhà nước thực hiện tháng 2/2010 ước đạt khoảng 6,09 nghìn tỷ đồng, bằng 4,9% kế hoạch năm. Tính chung 2 tháng đầu năm, vốn đầu tư từ Ngân sách Nhà nước thực hiện ước đạt 13,3 nghìn tỷ đồng, bằng 10,6% kế hoạch năm.
Giải ngân vốn tín dụng đầu tư phát triển của nhà nước 2 tháng đầu năm 2010 đạt thấp, vốn trong nước cho vay đầu tư ước đạt 262 tỷ đồng, bằng 1% kế hoạch năm, vốn ODA cho vay lại ước đạt 195 tỷ đồng, bằng 1,95% kế hoạch năm.
Về thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, trong 2 tháng đầu năm 2010, ước tính các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài đã giải ngân được 1,1 tỷ USD, tăng 10% so với cùng kỳ năm 2009. Tính chung cả vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm trong 02 tháng đầu năm 2010 đạt 1,78 tỷ USD, bằng 27,3% so với cùng kỳ năm 2009. Về vốn ODA, trong 2 tháng đầu năm, có 2 dự án viện trợ không hoàn lại ODA được ký kết với tổng trị giá 42,95 triệu USD. Mức giải ngân trong hai tháng này đạt khoảng 5,2% so với kế hoạch năm 2010.
Về cân đối xuất nhập khẩu: Kim ngạch xuất khẩu tháng 2 năm 2010 ước đạt 3.900 triệu USD, giảm 22,2% so với tháng trước. Tính chung 2 tháng đầu năm, tổng kim ngạch xuất khẩu ước đạt 8.913 triệu USD, chỉ tăng 0,1% so với cùng kỳ năm 2009, trong đó kim ngạch xuất khẩu của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (không kể dầu thô) ước đạt 4.239 triệu USD, tăng 39%.
Kim ngạch nhập khẩu tháng 2 năm 2010 ước đạt 4.700 triệu USD, giảm 21,1% so với tháng trước. Tính chung 2 tháng đầu năm 2010, tổng kim ngạch nhập khẩu ước đạt 10.658 triệu USD, tăng 39,6% so với cùng kỳ năm 2009; trong đó nhập khẩu của các doanh nghiệp FDI ước đạt 4.294 triệu USD, tăng 51,2%.
Giá cả nhiều mặt hàng nhập khẩu tăng mạnh so với cùng kỳ là một trong những nguyên nhân khiến kim ngạch nhập khẩu tăng cao trong hai tháng đầu năm. Tính riêng yếu tố tăng giá đã làm tăng kim ngạch nhập khẩu trên 600 triệu USD. Nhập siêu 2 tháng đầu năm ước đạt 1.745 triệu USD, bằng 19,6% so với tổng kim ngạch xuất khẩu.
Chỉ số giá tiêu dùng Chỉ số giá tiêu dùng tháng 2 năm 2010 tăng 1,96% so với tháng 1 năm 2010, trong đó: nhóm hàng ăn uống và dịch vụ tăng 3,09%; đồ uống và thuốc lá tăng 2,27%; may mặc, mũ nón, giầy dép tăng 1,39%; nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 1,75%; thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,93%; thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,42%; giao thông tăng 1,45%; bưu chính viễn thông giảm 1,23%; giáo dục tăng 0,12%; văn hóa, giải trí và du lịch tăng 1,22%; hàng hóa và dịch vụ khác tăng 2,52%.
So với tháng 12/2009, chỉ số giá tiêu dùng tháng 2/2010 tăng 3,35% và so với cùng kỳ năm 2009 tăng 8,46%. Chỉ số giá 2 tháng đầu năm 2010 tăng 8,04% so với cùng kỳ năm 2009. So với tháng 1/2010, chỉ số giá vàng tháng 2/2010 giảm 2,03%, chỉ số giá đô la Mỹ tăng 0,33%. So với tháng 12 năm 2009, chỉ số giá vàng giảm 4,91% và chỉ số giá đô la Mỹ tăng 0,22%. Tính chung 2 tháng đầu năm 2010 so với cùng kỳ năm 2009, chỉ số giá vàng tăng 48,12% và chỉ số giá đô la Mỹ tăng 8,65%.
Về an sinh xã hội, y tế, văn hóa và các lĩnh vực xã hội khác Về lao động - việc làm: Ước tạo việc làm tháng 2/2010 đạt khoảng 78.000 người, trong đó xuất khẩu lao động đạt 8.000 người. Ước tính hai tháng đầu năm 2010, tạo việc làm đạt 214.000 người, trong đó xuất khẩu lao động đạt 15.568 người.
Về tình hình một số dịch bệnh: Trong tháng, có 73 trường hợp mắc mới cúm A (H1N1), trong đó có 05 trường hợp tử vong. Hiện nay, cả nước còn 7 tỉnh có dịch cúm gia cầm là Nghệ An, Cà Mau, Điện Biên, Sóc Trăng, Kon Tum, Quảng Trị và Nam Định.
Về vệ sinh an toàn thực phẩm: Theo số liệu báo cáo của 41 địa phương và của Bộ Y tế (tính đến ngày 11/2/2010), đã kiểm tra 46.741 cơ sở kinh doanh thực phẩm, phát hiện 12.948 cơ sở vi phạm (chiếm 27,7%); số cơ sở vi phạm bị xử lý là 2.353 cơ sở; số cơ sở có sản phẩm bị tiêu huỷ là 489.
Về an toàn giao thông: Trong tháng 1/2010, cả nước xảy ra 4.340 vụ tai nạn giao thông, làm chết 977 người và làm bị thương 3.791 người. So với tháng cùng kỳ năm 2009, số vụ tai nạn giao thông giảm 10,5%, số người tử vong giảm 19,7%, số người bị thương giảm 19,6%. So với tháng 12/2009, số vụ tai nạn giao thông tăng 4,3%, số tử vong giảm 6,3% và số người bị thương tăng 5,8%.
Về văn hóa, thông tin: Tập trung tổ chức các hoạt động văn hóa, thông tin, tuyên truyền các sự kiện chính trị xã hội trên toàn quốc như: kỷ niệm 80 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam; các hoạt động đón Tết cổ truyền Canh Dần; tổ chức thành công Hội Báo xuân Canh Dần; ngành thể dục - thể thao đã tổ chức các vòng đấu đầu tiên của Giải bóng đá chuyên nghiệp quốc gia năm 2010.
Tết Canh Dần 2010 đã được tổ chức vui chơi, lành mạnh, an toàn và tiết kiệm. Tình hình an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội đã được bảo đảm. Công tác vệ sinh an toàn thực phẩm đã được kiểm soát tốt, dịch bệnh được khống chế. Các địa phương đã chăm lo tổ chức Tết tốt hơn cho các tầng lớp nhân dân, nhất là các gia đình chính sách, các hộ nghèo, đồng bào vùng bị thiệt hại do thiên tai và không để người dân nào thiếu đói trong dịp Tết. Công tác chuẩn bị hàng hóa phục vụ Tết khá tốt, chủng loại phong phú, đa dạng, sức mua tăng khá cao, đáp ứng tốt nhu cầu tiêu dùng thiết yếu của nhân dân, không để xảy ra thiếu hàng. Tuy nhiên, tình hình tai nạn giao thông còn tăng cao hơn Tết năm trước, giá cả một số hàng hóa, dịch vụ sau Tết còn ở mức cao./.
PV (Nguồn: Bộ Kế hoạch và Đầu tư )