Ông Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng Thành phố Hồ Chí Minh đề nghị cần sử dụng các biện pháp mạnh tay để người dân, doanh nghiệp, tổ chức có ý thức hơn trong việc giữ gìn vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh Zika
Theo dự báo của Sở Y tế Thành phố, số ca bệnh sẽ tiếp tục tăng trong
thời gian tới. Điều này cho thấy công tác phòng chống dịch của Thành phố
Hồ Chí Minh chưa mang lại hiệu quả như mong đợi.
Cần sự hợp tác của người dân
Quận Bình Thạnh là địa phương có số ca nhiễm virus Zika cao nhất thành
phố hiện nay, với 14 ca bệnh, và tiếp tục có dấu hiệu tăng thêm. Tuy
nhiên, báo cáo tại buổi giám sát về ứng phó dịch bệnh sốt xuất huyết và
virus Zika của Ban Văn hóa xã hội-Hội đồng Nhân dân Thành phố Hồ Chí
Minh, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân quận Bình Thạnh Thái Hồng Nga phản
ánh địa phương gặp khó khi người dân không hợp tác trong hoạt động phòng
chống dịch. Cụ thể, nhiều người dân không mở cửa khi đoàn kiểm tra đến
xử lý vệ sinh môi trường cũng như hướng dẫn cách diệt muỗi.
Bên cạnh đó, một số hộ gia đình không đồng ý cho nhân viên y tế phun xịt hóa chất chống muỗi.
"Họ lo ngại việc phun hóa chất diệt muỗi ảnh hưởng đến sức khỏe của gia
đình, nhất là trẻ nhỏ. Vì thế, một số hộ cự tuyệt không cho phun hóa
chất, một số hộ khác chỉ cho phun xịt khu vực xung quanh nhà," bà Nga
nói.
Tại quận Tân Phú, địa phương hiện có 7 ca nhiễm virus Zika, công tác
phòng chống dịch cũng gặp khó khi địa bàn quận có nhiều công trình xây
dựng đang dang dở. Số liệu từ Phòng Kinh tế quận, hiện có khoảng 700
công trình lớn nhỏ đang thi công trên địa bàn. Đây chính là các điểm
nguy cơ cao, có khả năng trở thành ổ dịch.
Mặc dù đã nhiều lần nhắc nhở, làm việc với các chủ đầu tư dự án xây dựng
nhưng bác sỹ Nguyễn Văn Tiến, Giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng quận Tân
Phú thừa nhận có đến 50% công trình có xuất hiện lăng quăng khi tái
kiểm tra.
"Cái khó là chúng tôi đã làm việc nhiều lần, thậm chí là xử phạt theo
Nghị định 176, tuy nhiên do mức xử phạt chỉ từ 1-4 triệu đồng, quá thấp
nên các đơn vị thi công lại bỏ bê ngay sau khi chúng tôi rời đi," bác sỹ
Tiến lo ngại.
Bên cạnh đó, bác sỹ Tiến cũng cho hay trên địa bàn quận còn nhiều đình,
chùa, miếu sử dụng lu chứa nước, bình bông, bát hương ngoài trời dễ phát
sinh lăng quăng. Tuy nhiên, các sư, sãi trong chùa không tiến hành diệt
muỗi, diệt lăng quăng bởi vì đạo lý nhà Phật không được sát sinh. Đây
cũng là những điểm nguy cơ cao có khả năng khởi phát ổ dịch.
Các khu nhà trọ của công nhân lao động lại là những khu vực mà Quận 12
gặp khó khăn khi thực hiện công tác phòng chống dịch. Địa bàn khu phố 4,
phường Hiệp Thành, nơi phát sinh 4 ca bệnh do virus Zika, có nhiều khu
vực nhà trọ. Hầu hết các hộ gia đình ở đây là công nhân, lao động phổ
thông. Đa phần ban ngày người dân tại đây đóng cửa đi làm, vì thế ngành y
tế không thể tiếp cận vận động, tuyên truyền hiệu quả được.
Mặt khác, điều kiện vệ sinh môi trường sống trong nhà và khu dân cư chưa
tốt, còn tình trạng chứa nước trong lu, chậu, khu vực máng thức ăn chăn
nuôi gia cầm...
Áp dụng các biện pháp mạnh
Theo phó giáo sư, tiến sỹ Phan Trọng Lân, Viện trưởng Viện Pasteur Thành
phố Hồ Chí Minh, thành phố hiện có quá nhiều điểm nguy cơ. Các khu vực
đất trống, bãi hoang đọng nước mất vệ sinh môi trường có thể phát sinh
lăng quăng, muỗi vằn. Để phòng chống dịch hiệu quả, trước hết phải giải
quyết được các điểm nguy cơ này.
Tuy nhiên, thực tế mặc dù đã có những nỗ lực nhưng các địa phương không
thể xóa hết được các điểm nguy cơ tồn tại đã lâu. Tại quận Tân Phú, dù
lực lượng chức năng đã xóa bỏ được hơn 1.000 điểm nguy cơ nhưng vẫn còn
130 điểm không thể xóa được.
Đơn cử như tại phường Hòa Phú, quận Tân Phú, nơi có 4 ca bệnh do virus
Zika mới phát hiện vừa qua, có một bãi đất trống trồng chuối nhiều năm.
Đây là vùng đất trũng nên nước đọng quanh năm, phát sinh nhiều ổ lăng
quăng.
Bà Lương Thụy Thanh Vân, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường cho biết
đơn vị đã vận động người dân chặt chuối, đặt máy bơm nhưng khi trời mưa,
nơi đây lại ngập nước và phát sinh lăng quăng, muỗi vằn.
Còn tại quận Bình Thạnh, hệ thống rạch Xuyên Tâm, rạch Lăng, rạch Bà
Láng... là những điểm nguy cơ tồn tại nhức nhối nhiều năm nay.
Ông Nguyễn Hữu Hưng, Phó Giám đốc Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh nhận xét
các cuộc giám sát thực tế cho thấy địa phương vẫn chưa có chiến lược cụ
thể trong công tác phòng chống dịch. Mặc dù địa phương đã huy động gần
như toàn bộ các tổ chức, đoàn thể vào cuộc để tuyên truyền phòng, chống
dịch bệnh virus Zika nhưng địa phương lại chưa có cơ chế kiểm tra, chế
tài xử lý.
"Địa phương giao cho khá nhiều tổ chức, đoàn thể tham gia vào công tác
phòng, chống dịch bệnh do virus Zika nhưng khi một khu phố phát sinh ổ
dịch thì không có ai chịu trách nhiệm. Chúng ta đã phân công thì phải
phân công cụ thể đơn vị nào phụ trách khu vực nào, nếu vẫn để xảy ra
dịch bệnh thì cần phải xử lý, có chế tài và đơn vị chịu trách nhiệm,"
ông Hưng chỉ rõ.
Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thị Thu cũng
thừa nhận mặc dù thành phố đã chỉ đạo rất quyết liệt nhưng các địa
phương, đặc biệt là cấp phường, xã vẫn còn tồn tại nhiều yếu kém như lơ
là trong việc phòng chống dịch, không thực hiện dọn vệ sinh môi trường,
không tuyên truyền, đốc thúc người dân diệt muỗi, diệt lăng quăng trong
khu vực mình sinh sống...
Bà Nguyễn Thị Thu yêu cầu các Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã, phường phải
chịu trách nhiệm trước thành phố nếu để phát sinh dịch bệnh tại địa
phương mình quản lý.
Bên cạnh đó, mặc dù Nghị định 176 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành
chính trong lĩnh vực y tế đã có hiệu lực từ lâu nhưng số địa phương thực
hiện mới chỉ đếm trên đầu ngón tay. Hiện quận Tân Phú xử phạt 10 trường
hợp vi phạm vệ sinh môi trường, để phát sinh ổ lăng quăng; còn các địa
phương khác như Bình Thạnh, Quận 2, Quận 12... mới chỉ xử phạt được 1-2
trường hợp.
"Chúng ta cần sử dụng các biện pháp mạnh tay để người dân, doanh nghiệp,
tổ chức có ý thức hơn trong việc giữ gìn vệ sinh môi trường, phòng
chống dịch bệnh," ông Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng
Thành phố Hồ Chí Minh yêu cầu./.
PV (theo TTXVN)