Thứ Ba, 15/10/2024
Nghiệp vụ công tác tuyên giáo
Thứ Năm, 12/9/2013 22:22'(GMT+7)

TP. Hồ Chí Minh: Tích cực đổi mới, nâng cao chất lượng đối thoại với nhân dân

Lãnh đạo UBND huyện Bình Chánh - TP. Hồ Chí Minh đối thoại với dân.

Lãnh đạo UBND huyện Bình Chánh - TP. Hồ Chí Minh đối thoại với dân.

Quận 7 tăng cường đưa chủ trương của cấp trên đến với người dân

Quán triệt chủ trương của Ban Thường vụ Thành uỷ TP. Hồ Chí Minh về việc chỉ đạo các cấp ủy, chính quyền địa phương tăng cường gặp gỡ, đối thoại với nhân dân, kịp thời giải quyết những vấn đề nhân dân quan tâm, bức xúc; thời gian qua, cùng với các quận, huyện của thành phố, cấp uỷ và chính quyền quận 7 đã tích cực đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả đối thoại trực tiếp, đưa chủ trương của cấp trên đến với nhân dân trên địa bàn.

Là một quận có tốc độ đô thị hoá cao, bên cạnh những kết quả tích cực, trên địa bàn quận 7 cũng nảy sinh nhiều vấn đề trong quá trình phát triển, trong đó có tư tưởng của một bộ phận nhân dân liên quan đến đền bù giải toả, quy hoạch đất đai đô thị.

Với mục tiêu ổn định tình hình tư tưởng, tạo sự đồng thuận trong nhân dân, với sự tham mưu của Ban Tuyên giáo Quận uỷ, Ban Thường vụ Quận ủy đã ban hành các công văn hướng dẫn, chỉ đạo về việc tăng cường đối thoại trực tiếp với nhân dân, đồng thời thành lập Ban chỉ đạo Tổ chức đối thoại trực tiếp với nhân dân cấp quận (Ban Chỉ đạo).

Ban Chỉ đạo gồm 8 đồng chí, do đồng chí Phó Bí thư Thường trực Quận uỷ làm Trưởng ban, các đồng chí thành viên là Phó Chủ tịch Thường trực UBND, Trưởng Ban Tuyên giáo, Trưởng Ban Dân vận, Chủ tịch Ủy ban MTTQ quận. Ban chỉ đạo có trách nhiệm chỉ đạo, đôn đốc, theo dõi, kiểm tra hoạt động tổ chức đối thoại trực tiếp với dân ở cấp phường; tham mưu cho Quận uỷ kế hoạch tổ chức sơ kết, tổng kết hoạt động đối thoại với nhân dân.

Với sự chỉ đạo sát sao của Ban Thường vụ Quận uỷ, trực tiếp là Ban Chỉ đạo, các đảng bộ cấp phường trên địa bàn đã tích cực triển khai các chủ trương, hướng dẫn của cấp trên và kế hoạch tổ chức thực hiện việc tăng cường gặp gỡ, đối thoại với nhân dân đến các chi bộ trực thuộc; phổ biến rộng rãi trong các đoàn thể, tổ chức...

Trong quá trình triển khai thực hiện, mỗi địa phương đều chọn những vấn đề "nóng" nhất, thu hút sự quan tâm của dư luận trong địa bàn để tổ chức đối thoại Bên cạnh đó, cấp uỷ của 10 phường trong quận đã chỉ đạo Mặt trận Tổ quốc chủ động nắm bắt tình hình, tâm tư và những bức xúc của nhân dân, qua đó tham mưu với Đảng uỷ chọn những nội dung quan trọng nhất để trả lời, giải thích với dân. Sau mỗi chương trình đối thoại trực tiếp, Đảng uỷ các phường đều tổ chức rút kinh nghiệm, đề ra các biện pháp hữu hiệu để giải quyết những thắc mắc, đề nghị chính đáng của nhân dân.

Hầu hết các chương trình đối thoại trực tiếp với nhân dân ở cấp phường đều có sự tham gia của đại diện lãnh đạo Quận uỷ, Ban Tuyên giáo Quận uỷ hoặc thành viên của Ban chỉ đạo Tổ chức đối thoại trực tiếp với nhân dân cấp quận. Những chương trình đối thoại trực tiếp đều thu hút được sự tham gia đông đảo đại diện các hộ gia đình cư trú trong địa bàn với nhiều ý kiến được nêu lên, trong đó phần lớn là tập trung vào những vấn đề như chủ trương hiến đất mở đường, chỉnh trang đô thị của, giải thích những vấn đề liên quan đến chủ trương, chính sách mà nhân dân chưa thấu hiểu...

Tại các cơ quan cấp quận, trên tinh thần chỉ đạo của Thường trực Quận uỷ, các tổ chức đoàn thể như Đoàn Thanh niên, Hội Liên hiệp Phụ nữ... thường xuyên tham mưu, tổ chức đối thoại về các chuyên đề liên quan đến công tác kết nạp đảng; đoàn viên tham gia thực hiện nhiệm vụ chính trị tại địa phương, đơn vị; tâm tư, nguyện vọng của đoàn viên, hội viên...

Quận 2 với chương trình “Nói & Làm”

Tập trung nắm tình hình ở cơ sở để có các biện pháp tuyên truyền hữu hiệu, thuyết phục liên quan đến chủ trương di dời, giải tỏa, đền bù trong Dự án Khu đô thị mới Thủ Thiêm là yêu cầu mà lãnh đạo TP. Hồ Chí Minh giao cho cấp uỷ, chính quyền quận 2 xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện.

Quán triệt tinh thần chỉ đạo của Thành phố, Ban Thường vụ Quận ủy quận 2 đã giao Ban Tuyên giáo và Ban Dân vận Quận ủy xây dựng kế hoạch, chương trình nghiên cứu dư luận xã hội, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, bức xúc của nhân dân tại những địa bàn trọng điểm liên quan đến Dự án Khu đô thị mới Thủ Thiêm, trên cơ sở đó có kế hoạch tuyên truyền, vận động, giải thích với nhân dân, đồng thời đề xuất, tham mưu các giải pháp thực hiện liên quan đến những nguyện vọng chính đáng.

Sau khi cử cán bộ nắm sát tình hình theo những yêu cầu đặt ra, Ban Tuyên giáo và Ban Dân vận Quận ủy quận 2 đã tham mưu, thông qua và triển khai Chương trình “Nói và Làm”. Bước đầu tổ chức thí điểm tại 3 phường (Bình Trưng Đông, Thảo Điền, Bình An) có nhiều hộ gia đình phải di dời giải tỏa 100% đất đai, nhà cửa để thực hiện Dự án.

Thông qua Chương trình "Nói và làm", đã tổ chức các cuộc gặp gỡ, lắng nghe, đối thoại, trao đổi với người dân về những tâm tư, kiến nghị liên quan đến việc cung cấp nước sạch; chống ngập; xử lý môi trường ô nhiễm; giá cả đền bù từng loại nhà, đất; cách thức nhận tiền đền bù bổ sung; thủ tục cấp giấy chủ quyền nơi ở mới sau khi di dời, giải toả... Hầu hết những nội dung này đã được các cơ quan chức năng, chuyên môn của quận giải đáp thoả đáng, đồng thời được cấp có thẩm quyền từng bước thực hiện có hiệu quả theo những kiến nghị, nguyện vọng chính đáng; góp phần tích cực trong định hướng, tạo sự đồng thuận và giải toả tư tưởng của nhân dân.

Đối thoại trực tiếp góp phần thành công vào xây dựng nông thôn mới

Thành công trong quá trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện Củ Chi có sự đóng góp không nhỏ của công tác đối thoại trực tiếp với nhân dân. Thông qua đối thoại - làm công tác tư tưởng - nên những chủ trương của cấp ủy, chính quyền đã được nhân dân trên các địa bàn nông thôn tiếp nhận tích cực, triển khai có hiệu quả.

Chi bộ ấp Hội Thạnh, xã Trung An (Củ Chi) có 15 đảng viên, trong đó đa số là các đồng chí đã nghỉ hưu, một số đồng chí có thời gian công tác lâu năm tại địa bàn xã, ấp nên nhìn chung có nhiều kinh nghiệm trong đối thoại, vận động quần chúng. Chi bộ đã xây dựng các tiêu chí để chỉ đạo các đoàn thể cùng với chính quyền ấp giải quyết những vấn đề nảy sinh; thường xuyên tổ chức các cuộc đối thoại giữa cấp uỷ, Ban Nhân dân ấp với đại diện hộ gia đình để bàn bạc, trao đổi, triển khai những nội dung liên quan đến xây dựng nông thôn mới...

Từ việc trao đổi, đối thoại với nhân dân, ấp Hội Thạnh đã xây dựng được nhiều mô hình xã hội tích cực, qua đó hạn chế được những tiêu cực liên quan đến an ninh trật tự trong ấp. Tiêu biểu  như mô hình Câu lạc bộ nhà trọ - thông qua mô hình này, các chủ nhà trọ đồng thời sẽ là những thành viên tích cực trong việc tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước, quy định của thành phố và địa phương... tới người thuê trọ - chủ yếu là lực lượng công nhân làm việc trong các nhà máy, xí nghiệp, khu công nghiệp.   

Các mô hình như “Ba không, Hai có", "Tổ nhân dân tự quản"... ở ấp Hội Thạnh cũng đều phát huy được tính ưu việt trong đối thoại, vận động, tuyên truyền giữa cấp uỷ, chính quyền với người dân, góp phần xây dựng nông thôn mới, từ những điều liên quan đến chủ trương, chính sách đến những công việc cụ thể hàng ngày như giữ gìn vệ sinh môi trường, bảo vệ sinh thái, cảnh quan, xây dựng nhà trọ văn hoá, đường văn hóa...

Lãnh đạo Thành phố đối thoại với doanh nghiệp

Từ nhiều năm nay, công tác đối thoại giữa Lãnh đạo thành phố với các doanh nghiệp được Thường trực Thành uỷ và Thường trực UBND TP. Hồ Chí Minh duy trì thường xuyên.

Thông qua các chương trình đối thoại, lãnh đạo thành phố và các sở, ngành chức năng đã kịp thời tháo gỡ, giải quyết nhiều vướng mắc liên quan đến quá trình xây dựng, sản xuất, kinh doanh, đầu tư các dự án, thủ tục cấp phép, bán cổ phần... Những vấn đề liên quan đến thẩm quyền thuộc các bộ, ngành Trung ương cũng được lãnh đạo thành phố tiếp nhận và kiến nghị lên trên.

 
Cũng thông qua công tác tiếp xúc, đối thoại với doanh nghiệp, các sở, ban, ngành chức năng của thành phố đã kịp thời tăng cường thông tin về tình hình kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng trên địa bàn thành phố, kịp thời giải quyết, "đả thông" những vấn đề, tư tưởng liên quan đến chính trị - xã hội trong doanh nghiệp.

Những bài học kinh nghiệm

Một là, để công tác tổ chức đối thoại trực tiếp với nhân dân thực sự phát huy hiệu quả, bên cạnh sự chỉ đạo sát sao của Ban Thường vụ Thành uỷ, UBND thành phố và cấp uỷ, chính quyền các cấp thì vai trò tham mưu, vào cuộc của hệ thống tuyên giáo là rất quan trọng. Việc "chọn đúng người, giao đúng việc" trong quá trình cử cán bộ đi tìm hiểu, nắm bắt dư luận sẽ tạo nên chất lượng thực sự cho các chương trình đối thoại.

Hai là, việc lựa chọn các phường, xã, ấp làm điểm trước khi nhân rộng; lựa chọn những vấn đề trọng tâm, trọng điểm, được đại đa số nhân dân quan tâm... để xây dựng chương trình đối thoại sẽ là cơ sở quan trọng cho việc giải quyết có hiệu quả những vấn đề đặt ra thông qua đối thoại, đồng thời tạo điều kiện cho các chương trình tiếp theo không rơi vào hình thức.

Ba là, tăng cường sự phối hợp chặt chẽ giữa các ban, ngành, đoàn thể các cấp trong việc tham mưu, đề xuất và chuẩn bị nội dung đối thoại. Thông qua hệ thống này, thực hiện trước một bước việc tuyên truyền phổ biến các chủ trương, chính sách, quy định của Đảng, Nhà nước và địa phương về những vấn đề người dân, doanh nghiệp quan tâm, đặt ra trong chương trình đối thoại.

Bốn là, nâng cao trách nhiệm, xây dựng cơ chế phản hồi, tiếp nhận ý kiến của người dân, doanh nghiệp sau khi đã giải quyết những vấn đề đặt ra thông qua đối thoại. Qua đó giúp cấp uỷ và chính quyền xác định được tiến độ, chất lượng, hiệu quả giải quyết những vướng mắc, bức xúc để xây dựng kế hoạch đối thoại tiếp theo, đồng thời tạo niềm tin cho người dân và doanh nghiệp./ .                                     

Bá Nhiễu

 


Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất