Thứ Tư, 25/9/2024
Nghiệp vụ công tác tuyên giáo
Thứ Bảy, 20/8/2011 22:16'(GMT+7)

Trao đổi về công tác bồi dưỡng nghiệp vụ công tác đảng cho cấp uỷ viên cơ sở

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

 

Để giúp cho cấp ủy khóa mới nắm vững nghiệp vụ công tác, thực hiện tốt nhiệm vụ được giao, thực hiện sự chỉ đạo của Thường trực quận, huyện ủy và tương đương, các Trung tâm bồi dưỡng chính trị (TTBDCT) cấp huyện đã và đang tổ chức các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ công tác đảng cho đội ngũ cấp ủy viên cơ sở (theo công văn hướng dẫn của Ban Tuyên giáo Trung ương về nhiệm vụ công tác giáo dục lý luận chính trị năm 2011). Chương trình "Bồi dưỡng công tác đảng cho bí thư chi bộ và cấp uỷ viên cơ sở", được thực hiện theo Hướng dẫn số 05-HD/BTGTW, ngày 18 tháng 5 năm 2007 của Ban Tuyên giáo Trung ương và tài liệu phát hành năm 2007. Phần phụ lục thực hiện theo bản tái bản năm 2009 của Nhà xuất bản Chính trị quốc gia.

Thực hiện nhiệm vụ trên, hiện nay các TTBDCT cấp huyện đã và đang tổ chức bồi dưỡng cấp ủy viên cơ sở với nhiều hình thức phong phú và đa dạng khác nhau. Cụ thể, có nơi yêu cầu và triệu tập tất cả cấp ủy khóa mới về dự bồi dưỡng học tập cả 6 chuyên đề trong chương trình, theo tài liệu phát hành năm 2007; có nơi tổ chức thành 2 đợt để tiến hành bồi dưỡng, đợt một gồm các cấp ủy mới tham gia lần đầu, nội dung gồm 6 chuyên đề theo hướng dẫn trong tài liệu "Bồi dưỡng công tác đảng cho bí thư chi bộ và cấp uỷ viên cơ sở" phát hành năm 2007, đợt 2 gồm các cấp ủy cũ được tái cử, chỉ nghiên cứu một số chuyên đề và tập trung vào một số nội dung và hướng dẫn mới với lý do tránh được trùng lặp đối với cấp ủy viên được tái cử, còn đối với cấp ủy mới cần nghiên cứu kỹ cả 6 chuyên đề hoặc có nơi chỉ tập trung học tập, nghiên cứu một số chuyên đề, như công tác tư tưởng, công tác tổ chức, công tác kiểm tra và tập trung trao đổi chuyên đề nâng cao chất lượng sinh hoạt ở chi bộ…

Như vậy có thể thấy, công tác bồi dưỡng cấp ủy viên ở cơ sở đã được các địa phương coi trọng và thực hiện với nhiều phương thức rất phong phú và đa dạng, và đã mang lại những kết quả nhất định. Nhưng trong quá trình thực hiện, các Trung tâm bồi dưỡng chính trị (TTBDCT) cấp huyện (quận) cũng gặp phải một số khó khăn, lúng túng, như việc tìm và mời được đội ngũ giảng viên có kinh nghiệm nhằm chuyển tải nội dung có tính nghiệp vụ cũng như phương thức tổ chức thực hiện của chương trình này như thế nào để đạt hiệu quả. Đây là những khó khăn, vướng mắc thực sự của các TTBDCT. Để góp phần nâng cao chất lượng và hiệu quả trong việc giảng dạy, bồi dưỡng nghiệp vụ công tác đảng cho đội ngũ cấp ủy viên cơ sở và tháo gỡ những khó khăn cho các Trung tâm bồi dưỡng chính trị cấp huyện (quận), từ thực tiễn giảng dạy và trao đổi với cơ sở, chúng tôi nêu ra một số vấn đề sau:

Thứ nhất, phòng giáo dục lý luận chính trị cần tham mưu, chuẩn bị và đề xuất với lãnh đạo Ban Tuyên giáo các tỉnh (thành) ủy, tổ chức bồi dưỡng giảng viên có tính chất chuyên sâu cho đội ngũ giảng viên kiêm chức và chuyên trách cấp huyện, để họ hoàn thành tốt nhiệm vụ. Nội dung bồi dưỡng nên đi sâu, nhấn mạnh vào những vấn đề cốt lõi của từng chuyên đề, nhất là làm rõ những vấn đề mới, điểm mới của từng chuyên đề (theo hướng dẫn mới ban hành từ năm 2008 đến nay) trên các lĩnh vực tư tưởng, tổ chức, kiểm tra giám sát, dân vận… Về tài liệu, cần cung cấp cho mỗi học viên một cuốn tài liệu "Bồi dưỡng công tác đảng cho bí thư chi bộ và cấp uỷ viên cơ sở" phát hành mới nhất, cùng với những văn bản, chỉ thị, kết luận của Trung ương mới ban hành để người học tiện theo dõi, nắm vững và chuẩn bị bài giảng (có thể tìm đọc ở tạp chí Tuyên giáo điện tử theo địa chỉ: http://www.tuyengiao.vn.

Thứ hai, trên cơ sở đội ngũ giảng viên kiêm chức đã có, các TTBDCT cần lựa chọn các giảng viên kiêm chức trong các ban xây dựng đảng cấp huyện, cùng với giảng viên của các TTBDCT đưa đi tập huấn để từ đây hình thành đội ngũ giảng viên chuyên trách chuyên giảng chương trình này. Vì đây là chương trình nghiệp vụ đòi hỏi người dạy cần có kiến thức nghiệp vụ chuyên sâu về lý luận và kinh nghiệm làm công tác xây dựng đảng ở cơ sở, nên có đào tạo như vậy thì khi giảng dạy, hướng dẫn thực hiện chương trình mới có kết quả nhằm góp phần nâng cao chất lượng hiệu quả của công tác xây dựng đảng ở cơ sở. Sau Đại hội Đảng XI chắc chắn sẽ có nhiều hướng dẫn mới và trong cả nhiệm kỳ Đại hội XI này cũng sẽ còn nhiều lần cần bồi dưỡng cho cấp ủy viên cơ sở. Đây là sự chuẩn bị cần thiết cho đội ngũ giảng viên, không chỉ phục vụ cho đợt sinh hoạt học tập lần này, mà còn là sự chuẩn bị cho cả nhiệm kỳ, do đó các TTBDCT cần chuẩn bị chu đáo.

Thứ ba, về nội dung, hình thức và phương pháp tổ chức bồi dưỡng cấp ủy đợt này. Trước hết cần quán triệt nguyên tắc: Sau khi kiện toàn, cấp ủy mới cần được bồi dưỡng về nghiệp vụ công tác đảng để giúp cho họ nắm vững và thực hiện tốt nhiệm vụ và công tác được giao. Tuy nhiên, bồi dưỡng như thế nào? Điều này các TTBDCT và các ban xây dựng đảng ở cơ sở cần suy nghĩ, tìm tòi vận dụng cho phù hợp với thực tế để nâng cao chất lượng và đạt hiệu quả cao.

Về nội dung, theo hướng dẫn, Ban Tuyên giáo Trung ương về nhiệm vụ công tác giáo dục lý luận chính trị năm 2011, trong đó đã nêu rõ: Thực hiện các chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ, cụ thể tiếp tục chương trình "Bồi dưỡng công tác đảng cho bí thư chi bộ và cấp uỷ viên cơ sở", thực hiện theo Hướng dẫn số 05-HD/BTGTW, ngày 18 tháng 5 năm 2007 của Ban Tuyên giáo Trung ương và tài liệu phát hành năm 2007. Phần phụ lục thực hiện theo bản tái bản năm 2009 của Nhà xuất bản Chính trị quốc gia.

Về hình thức và phương pháp tổ chức, các TTBDCT nên căn cứ vào tình hình thực tế cụ thể của địa phương, cơ sở, vận dụng linh hoạt, để vừa thực hiện đúng nguyên tắc vừa đáp ứng yêu cầu thực tế đảm bảo chất lượng và hiệu quả. Qua thực tế, giảng dạy và khảo sát trao đổi với một số đơn vị tổ chức vừa qua, chúng tôi xin nêu ra một số ý kiến trao đổi sau.

Một là, theo nguyên tắc, sau khi kiện toàn, cấp ủy mới cần được bồi dưỡng về nghiệp vụ công tác đảng, song thực tế cho thấy cấp ủy mới vừa qua có hơn một nửa được tái cử, chương trình mới chưa có, nếu không cơ cấu lại bài giảng, cấp ủy được tái cử sẽ phải học lại bài cũ, gây ức chế về tâm lý; còn đối với cấp ủy mới được bầu, tuy thấy rất cần thiết và muốn đi sâu, nhưng lại không có điều kiện. Vì vậy, trong đợt bồi dưỡng lần này, nên chia thành hai đợt, đợt một cho số cấp ủy mới và đợt hai cho cấp ủy cũ vừa tái cử. Cách làm này vừa phù hợp với thực tế, bởi lẽ ở cơ sở không có thể cùng một lúc đi học hết tất cả, cần có người ở lại chỉ đạo sản xuất kinh doanh, thực hiện nhiệm vụ chính trị…, vừa có điều kiện để học viên đi sâu, trao đổi kỹ với các đồng chí cấp ủy mới.

Hai là, đối với các đồng chí cấp ủy cũ được tín nhiệm tái cử, khi tham gia lớp bồi dưỡng giảng viên không nên trình bày hết tất cả nội dung trong tài liệu, mà sau khi giới thiệu toàn bộ chương trình, cũng như từng bài một cách khái quát, giảng viên nên giới thiệu những vấn đề mới, những văn bản mới của Bộ Chính trị, Ban Bí thư và hướng dẫn của các Ban xây dựng Đảng ở trung ương. Đặc biệt chú trọng đối thoại, gợi ý những một số tình huống thường gặp, cách giải quyết và kinh nghiệm giải quyết ở cơ sở, để họ có thể vận dụng trong công tác… Ngoài chương trình chung của cả hai đợt (lớp), bồi dưỡng cần tổ chức cho các cấp ủy viên nghiên cứu chỉ thị số 10 – CT/ TW về nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, tọa đàm trao đổi vấn đề cần làm gì? Và làm thế nào? để nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ trong tình hình hiện nay, hoặc nghe báo cáo thực tế của một số tổ chức đảng ở địa phương, cơ sở… Đây là vấn đề rất cần thiết và bổ ích đối với các cấp ủy viên ở cơ sở, hơn nữa sẽ làm cho không khí học tập phong phú hơn.

Để tiến hành tổ chức bồi dưỡng thực hiện chương trình "Bồi dưỡng công tác đảng cho bí thư chi bộ và cấp uỷ viên cơ sở", cần có sự phối hợp chặt chẽ và có sự chuẩn bị công phu giữa các ban xây dựng đảng (trước hết là các ban Tuyên giáo, Tổ chức và Ủy ban kiểm tra) và TTBDCT cấp huyện, quận, dưới chỉ đạo chặt chẽ của Thường trực quận (huyện) ủy, vì có như vậy, mới nâng cao được chất lượng và hiệu quả của công tác bồi dưỡng cấp ủy./.

TS. Vũ Ngọc Am

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất