(TG) - Thời gian qua, Bộ Công
Thương và các bộ, ngành, địa phương đã triển khai thực hiện có hiệu quả
các chính sách về phát triển các vùng khó khăn, bước đầu mang lại những
kết quả tích cực về sản xuất, phân phối và tiêu dùng sản phẩm tại các
địa bàn miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo.
Trong bối cảnh đất nước đổi mới và ngày càng hội nhập sâu rộng với nền kinh tế thế giới, Đảng và Nhà nước luôn dành sự quan tâm lớn cho phát triển nông nghiệp, nông thôn nói chung, khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo, trong đó có sản phẩm của bà con vùng dân tộc thiểu số.
Thời gian qua, dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về phát triển kinh tế các vùng đặc biệt khó khăn, Bộ Công Thương và các Bộ, ngành và địa phương đã triển khai thực hiện có hiệu quả các chính sách về phát triển các vùng khó khăn theo phạm vi quản lý Nhà nước được giao. Các chính sách này bước đầu đã mang lại những kết quả tích cực về sản xuất, phân phối và tiêu dùng trên các địa bàn còn nhiều khó khăn.
Nổi bật là Chương trình phát triển thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo giai đoạn 2015-2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 964/QĐ-TTg ngày 30/6/2015 và tiếp nối là giai đoạn 2021-2025 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1162/QĐ-TTg ngày 13/7/2021. Chương trình được thực hiện tại 287 huyện có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn thuộc 48 tỉnh, thành phố trên cả nước. Đây là chương trình đặc thù, hết sức cần thiết nhằm xây dựng và phát triển hệ thống phân phối sản phẩm hàng hóa, dịch vụ, thu hẹp khoảng cách về phát triển thương mại của khu vực này với các vùng miền khác, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao thu nhập của người dân, đảm bảo an ninh quốc phòng tại khu vực này.
Ngoài ra có thể kể đến các chương trình mục tiêu quốc gia về nông thôn mới, về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, về giảm nghèo. Đặc biệt là Chiến lược khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; cũng như các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt các đề án, chương trình thúc đẩy tiêu thụ các sản phẩm hàng Việt Nam, hàng hóa của miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo,...
Tuy nhiên, hiện nay, tại nhiều địa phương trên cả nước, nhất là khu vực vùng sâu, vùng xa, miền núi, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, việc tiêu thụ sản phẩm hàng hóa của bà con vẫn còn hạn chế do địa bàn chia cắt, đi lại khó khăn. Quy mô sản xuất nhỏ lẻ, sản lượng thấp và chất lượng mẫu mã là những yếu tố bất lợi ảnh hưởng đến việc kết nối, tiêu thụ sản phẩm cho bà con nông dân khu vực này.
Tại Hội nghị “Kết nối sản xuất và tiêu thụ sản phẩm miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo” (Hội nghị) do Bộ Công thương tổ chức ngày 18/11 tại thành phố Hải Phòng, đại diện các ban, bộ ngành Trung ương, lãnh đạo một số Sở, ngành cùng đại diện Hiệp hội ngành hàng, cộng đồng doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh đã chia sẻ nhiều quan điểm lý luận, thực tiễn và những vấn đề đặt ra trong triển khai thực hiện Chương trình phát triển thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo trong giai đoạn 2021-2025, tiếp nối cho giai đoạn 2015-2020.
Hội nghị cũng đã thảo luận các giải pháp về chính sách, hỗ trợ sản xuất, chế biến, kết nối tiêu thụ, xúc tiến thương mại cho các sản phẩm thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo.
Trong khuôn khổ Hội nghị, nhiều đại biểu đã tham gia thảo luận về những giải pháp gia tăng kênh tiêu thụ sản phẩm miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo.
Là một trong những hoạt động của Bộ Công Thương triển khai Chương trình phát triển thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo năm 2023, Hội nghị là cơ hội để các cơ quan, đơn vị, các địa phương và cộng đồng doanh nghiệp thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm về các khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn hoạt động sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo; từ đó đề xuất các giải pháp hỗ trợ, chính sách khuyến khích, ưu đãi nhằm đẩy mạnh sản xuất, tiêu thụ những sản phẩm, mặt hàng là lợi thế của khu vực miền núi và hải đảo, qua đó góp phần thực hiện hiệu quả trong những năm tiếp theo...
Phát biểu tại Hội nghi, đại diện Bộ Công Thương cho biết, thời gian tới Bộ sẽ tiếp tục kiểm tra, giám sát hoạt động liên quan đến hỗ trợ cho đồng bào dân tộc thiểu số, bằng việc rà soát lại những văn bản của Bộ đang triển khai, những nhóm nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước, Chính phủ giao để cập nhật và thúc đẩy việc tiêu thụ sản phẩm hàng hóa cho bà con dân tộc thiểu số. Trong đó có có một số nhiệm vụ cụ thể sau:
Thứ nhất, triển khai tích cực, hiệu quả các giải pháp tuyên truyền, quảng bá đồng thời hướng dẫn các địa phương triển khai tổ chức những hoạt động gắn giữa văn hóa, du lịch với thương mại như các lễ hội, hội chợ để vừa tôn vinh văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo, vừa phát triển và bán được sản phẩm hàng hóa của bà con.
Thứ hai, thúc đẩy triển khai các nhóm giải pháp thông qua lồng ghép các Chương trình và Đề án cùng với việc truyền thông trong triển khai các giải pháp này. Đồng thời xây dựng những mô hình thí điểm phù hợp với điều kiện kinh tế từng vùng, miền, đặc biệt là mô hình thí điểm về hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm, hàng hóa cho đồng bào miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo.
Thứ ba, tăng cường đào tạo nguồn nhân lực về quản lý nhà nước, về kinh doanh cho bà con miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo, và cả các doanh nghiệp hoạt động tại vùng đồng bào miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo để hỗ trợ cho việc tiêu thụ hàng hóa một cách thuận lợi hơn.
Thứ tư, tiếp tục đôn đốc triển khai, kiểm tra, giám sát việc tăng cường đẩy mạnh các Chương trình, Đề án đã có những tác động tích cực cho tiêu thụ sản phẩm đồng bào khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo.../.
Trương Văn Phú - Hoàng Văn Đức