(TG)- Hàng nghìn cuốn sách, công trình Lịch sử Đảng được biên soạn, xuất bản đã làm phong phú, ngày càng hoàn thiện hơn Lịch sử Đảng ta, làm sáng rõ hơn những vấn đề và những bài học kinh nghiệm quý báu của cách mạng Việt Nam.
Sáng 24/3, tại Hà Nội, với tư cách là cơ quan được Trung ương Đảng giao nhiệm vụ chủ trì về chuyên môn của hệ thống nghiên cứu, biên soạn, giáo dục về Lịch sử Đảng của cả nước, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác Lịch sử Đảng năm 2013-2015 và triển khai phương hướng, nhiệm vụ năm 2016-2017.
Với vị trí, vai trò hết sức quan trọng của khoa học Lịch sử Đảng, Đảng ta đã không ngừng quan tâm, chỉ đạo hoạt động nghiên cứu, biên soạn lịch sử toàn Đảng cũng như lịch sử tổ chức Đảng của các bộ, ban, ngành, đoàn thể Trung ương và lịch sử tổ chức, hoạt động của Đảng ở các địa phương đạt được nhiều thành tựu to lớn, có ý nghĩa nhiều mặt. Hàng vạn tư liệu được sưu tầm, thẩm định, lưu trữ và khai thác sử dụng. Hàng nghìn cuốn sách, công trình Lịch sử Đảng được biên soạn, xuất bản đã làm phong phú, ngày càng hoàn thiện hơn Lịch sử Đảng ta, làm sáng rõ hơn những vấn đề và những bài học kinh nghiệm quý báu của cách mạng Việt Nam. Nhiều hoạt động thông tin tư liệu, hội thảo khoa học, tuyên truyền giáo dục Lịch sử Đảng, truyền thống cách mạng, nhiều hội nghị tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ nghiên cứu, biên soạn Lịch sử Đảng được tổ chức ở các tỉnh, thành phố trong cả nước. Đội ngũ cán bộ nghiên cứu, biên soạn, giảng dạy, tuyên truyền Lịch sử Đảng không ngừng được tăng cường về số lượng và nâng cao trình độ...
Tại Hội nghị, các đại biểu đã tham luận, đóng góp về thành tựu, hạn chế và đúc rút kinh nghiệm của toàn Ngành Lịch sử Đảng trong 3 năm qua. Căn cứ vào tình hình thực tiễn, xuất phát từ nhiệm vụ của Đảng, yêu cầu của công cuộc xây dựng, phát triển đất nước, từ nhiệm vụ chính trị của từng địa phương, từng đơn vị, các đại biểu thảo luận thống nhất phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp chung cho công tác Lịch sử Đảng trong hai năm (2016-2017). Các đại biểu nhấn mạnh cần tiếp tục quán triệt, cụ thể hóa Chỉ thị 15-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương về “Tăng cường và nâng cao chất lượng nghiên cứu, biên soạn Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam trong tình hình mới; ổn định tổ chức và nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ chức trong ngành Lịch sử Đảng; tăng cường sự phối hợp giữa các ban, ngành Trung ương và các địa phương với Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, giữa Viện Lịch sử Đảng với các phòng Lịch sử Đảng thuộc Ban Tuyên giáo các tỉnh/thành ủy...
Các tham luận nhấn mạnh: Công cuộc đổi mới xây dựng và bảo vệ đất nước đã và đang bước vào thời kỳ mới - thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, do vậy đặt ra nhiều vấn đề về lý luận và thực tiễn đòi hỏi phải nghiên cứu sâu sắc để làm sáng rõ hơn. Công việc trọng tâm hiện nay của toàn Đảng, toàn dân là triển khai thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh. Song, các thế lực phản động trong nước và ngoài nước vẫn đang tuyên truyền xuyên tạc chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, Lịch sử Đảng và nhiều sự thật lịch sử dân tộc... Tình hình đó phải được quán triệt trong việc xác định phương hướng, nhiệm vụ lâu dài của ngành Lịch sử Đảng. Trong hai năm tới, ngành Lịch sử Đảng thực hiện đồng bộ và có hiệu quả các mặt công tác: Nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục Lịch sử Đảng; đổi mới tổ chức bộ máy, sắp xếp lực lượng cán bộ; tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng về tư tưởng, nội dung và các điều kiện bảo đảm cho công tác Lịch sử Đảng hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị to lớn, góp phần thực hiện mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”./.
TG