Thứ Hai, 30/9/2024
Nghiệp vụ công tác tuyên giáo
Thứ Tư, 8/4/2009 8:1'(GMT+7)

Triển lãm hình ảnh, hiện vật “Việt Nam-Trung Quốc, biên giới hòa bình hữu nghị”

Lễ ký Hiệp ước biên giới trên đất liền Việt Nam - Trung Quốc ngày 30-12-1999.

Lễ ký Hiệp ước biên giới trên đất liền Việt Nam - Trung Quốc ngày 30-12-1999.

Triển lãm gồm 9 phần với gần 300 tư liệu, hiện vật, hình ảnh về công tác phân giới cắm mốc (PGCM) suốt 8 năm qua kể từ Hiệp ước về biên giới trên đất liền Việt Nam-Trung Quốc năm 1999 cho đến ngày 31-12-2008 hoàn thành công tác PGCM trên toàn tuyến biên giới đất liền Việt Nam-Trung Quốc.

Đó là các chuyên đề về: Khảo sát thực địa của nhóm công tác liên hợp về biên giới lãnh thổ Việt Nam-Trung Quốc trước 1999; hình ảnh mốc cũ do Pháp và nhà Thanh cắm trên biên giới Việt Trung theo Công ước Pháp - Thanh 1887 và 1895; Hình ảnh đàm phán ký kết Hiệp ước biên giới trên bộ Việt Nam-Trung Quốc; Khảo sát thực địa của lãnh đạo Đảng và Nhà nước; Khảo sát thực địa và các hoạt động đàm phán về biên giới và lãnh thổ; Quy trình cắm mốc biên giới theo Hiệp ước biên giới trên bộ 1999; Khảo sát thực địa và hoạt động của đoàn đại biểu Chính phủ đàm phán về biên giới lãnh thổ; Những hình ảnh cắm mốc giới đầu tiên; Hoàn thành công tác phân giới cắm mốc.

Triển lãm đã cho thấy quá trình kiên trì suốt 8 năm đàm phán vừa qua với 13 vòng đàm phán cấp Chính phủ về biên giới lãnh thổ và rất nhiều cuộc gặp hai Trưởng đoàn đàm phán Chính phủ về biên giới lãnh thổ, theo đó là 31 vòng đàm phán cấp Chủ tịch Uỷ ban liên hợp phân giới cắm mốc.

Riêng trong năm 2008, hai bên đã có 6 cuộc gặp giữa hai Trưởng đoàn Đoàn đàm phán Chính phủ về biên giới lãnh thổ, 11 vòng đàm phán cấp Chủ tịch Uỷ ban liên hợp. Vòng ngắn nhất kéo dài 9 ngày, vòng dài nhất kéo dài 23 ngày, phiên họp dài nhất kéo dài liên tục hơn 30 giờ liền.

Cột mốc do Pháp - Thanh cắm trên biên giới
Việt Nam - Trung Quốc theo các Công ước 1887 và 1895.

Đến ngày 31-12-2008, hai bên đã giải quyết xong toàn bộ các vấn đề còn tồn tại, phân giới, cắm mốc xong toàn bộ tuyến biên giới Việt - Trung dài khoảng 1400 km, trong đó có gần 400 km đường biên giới đi theo sông suối. Đã cắm tổng số 1971 cột mốc, trong đó có 1549 cột mốc chính, 422 cột mốc phụ, được xem là đường biên giới đất liền có mức độ cột mốc dày đặc và rõ ràng, được xác định theo phương pháp hiện đại, đảm bảo tính trung thực và bền vững lâu dài.

Lễ khánh thành cột mốc đầu tiên số 1369 (2)
tại Cửa khẩu Móng Cái.

Đặc biệt tại những khu vực hai bên còn có ý kiến khác như Cửa khẩu Hữu Nghị, Khu vực thác Bản Giốc, cửa sông Bắc Luân…hai bên đã phải đàm đàm phán rất nhiều vòng và đến những phút cuối cùng mới đạt được giải pháp hai bên cùng chấp nhận được. Cụ thể như

- Tại cửa khẩu Hữu Nghị: đường biên giới đi qua Km O, mốc 19 cũ Pháp-Thanh và cách điểm nối ray 148 mét về phía Bắc đúng theo Bản Ghi nhận chung giải quyết các khu vực C.

- Tại khu vực Hoành Mô, đường biên giới đi giữa ngầm Hoành Mô theo như thực tế quản lý, không đi theo dòng chảy tại cống thoát nước.

- Tại khu vực Thác Bản Giốc, hai bên đã đi đến giải pháp tổng thể. Theo đó tại khu vực Thác Bản Giốc, đường biên giới đi từ mốc 53 cũ qua cồn Pò Thoong (1/4 cồn Pò Thoong thuộc Việt Nam) đến điểm giữa mặt thác chính (phần thác phụ và ½ thác chính quy thuộc Việt Nam). Hai bên thoả thuận sẽ bàn bạc hợp tác phát triển tiềm năng du lịch tại thác Bản Giốc.

- Tại khu vực cửa sông Bắc Luân, đường biên giới đi trên bãi Tục Lãm và bãi Dậu Gót (3/4 bãi Tục Lãm và 1/3 bãi Dậu Gót thuộc Việt Nam; ¼ bãi Tục Lãm và 2/3 bãi Dậu Gót thuộc Trung Quốc) Hai bên thỏa thuận không xây dựng công trình nhân tạo tại các khu vực Thác Bản Giốc, bãi Tục Lãm, hòn Tài Xẹc, bãi Dậu Gót, nhất trí thiết lập khu giao thông thủy tự do cho dân địa phương hai bên sử dụng các luồng tàu thuyền đi lại hai bên bãi Tục Lãm và Dậu Gót.

- Tại một số cửa khẩu khác, đường biên giới đều đi qua các mốc cũ Pháp - Thanh: tại cửa khẩu Chi Ma, đường biên giới đi qua mốc cũ số 44; tại cửa khẩu Tân Thanh, đường biên giới đi theo một đường thẳng qua mốc cũ số 15; tại cửa khẩu Pò Peo, đường biên giới đi theo tường đá do cư dân biên giới xây dựng qua mốc cũ số 72 và qua một chòi quan sát của Trung Quốc trên đỉnh núi; tại cửa khẩu Trà Lĩnh, đường biên giới đi theo phía Nam con đường của Trung Quốc, Trung Quốc giữ lại hàng cây, tai giữ lại hầu hết đất canh tác, nguồn nước, khu nghĩa địa của dân.

- Đối với hai khu dân cư tại Hà Giang và Lạng Sơn, hai bên nhất trí điều chỉnh đường biên giới trên cơ sở cân bằng diện tích giữ nguyên trạng thái khu dân cư. Việt Nam giữ được nguyên trạng toàn bộ bản Ma Lỳ Sán ở Hà Giang gồm 13 hộ, 65 khẩu; Trung Quốc giữ được 13 nóc nhà (tiếp giáp địa bàn tỉnh Lạng Sơn).

Có thể nói kết quả giải quyết các khu vực nhạy cảm là công bằng, thoả đáng là sự nhân nhượng lẫn nhau của hai bên và cả hai bên đều chấp nhận được tuân theo đúng những nguyên tắc hai bên đã thoả thuận cũng như quy định của Hiệp ước 1999, bảo đảm việc quản lý ổn định, lâu dài và tránh những tranh chấp trong tương lai và hoàn toàn không có chuyện Việt Nam bị “mất đất” như một số thế lực thù địch xuyên tạc, bóp méo.

Nhóm liên hợp phân giới cắm mốc làm việc song phương tại thực địa.

Thông qua Triển lãm, người xem sẽ cảm nhận rõ nét hơn tầm quan trọng của việc hoàn thành toàn bộ công tác PGCM trên biên giới đất liền Việt Nam-Trung Quốc, một sự kiện mà cùng với việc Ký Hiệp định phân định lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa trong Vịnh Bắc Bộ ngày 25-12-2000, chúng ta đã giải quyết dứt điểm được hai trong số ba vấn đề lớn do lịch sử để lại trong quan hệ Việt Trung.

Lần đầu tiên trong lịch sử , hai nước đã xác định được một đường biên giới rõ ràng trên đất liền với một hệ thống mốc giới hiện đại, đặt nền tảng vững chắc cho việc xây dựng đường biên giới hòa bình, hữu nghị, ổn định lâu dài, hợp tác và phát triển giữa hai nước. Đó là sự đóng góp thiết thực với hòa bình, ổn định và phát triển ở khu vực, góp phần khẳng định các nguyên tắc chung của luật pháp quốc tế: giải quyết các vấn đề biên giới lãnh thổ bằng thương lượng hòa bình, không sử dụng vũ lực trong giải quyết tranh chấp quốc tế.

Triển lãm sẽ kéo dài 13-4-2009./.

(Theo: Nhân dân ĐT)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất