Thứ Tư, 2/10/2024
Tin hoạt động
Thứ Sáu, 3/12/2010 13:50'(GMT+7)

Triển lãm mỹ thuật toàn quốc 2010: Qui mô lớn, lực lượng trẻ, đề tài gần gũi đời thường

Tác phẩm Mầm đá của Vũ Cương

Tác phẩm Mầm đá của Vũ Cương

Cuộc ra mắt quy mô lớn của giới mỹ thuật Việt

Điều này trước hết thể hiện ở số lượng tác phẩm trưng bày. Hơn 800 tác phẩm mỹ thuật tiêu biểu của 757 tác giả được chọn lựa trong số hơn 5.000 tác phẩm nghệ thuật tạo hình sáng tác trong 5 năm (2006 – 2010) được giới thiệu với công chúng.

Triển lãm mỹ thuật toàn quốc được tổ chức định kỳ 5 năm một lần, nhằm tổng kết, đánh giá về thực trạng của mỹ thuật Việt Nam trong 5 năm. Phát biểu khai mạc triển lãm, Thứ trưởng Bộ Văn hóa- Thể thao và Du lịch Huỳnh Vĩnh Ái nhấn mạnh: Triển lãm mỹ thuật toàn quốc 2010 phản ánh khá toàn diện diện mạo chung của hoạt động mỹ thuật của cả nước 5 năm qua. Các tác phẩm với các hình thức nghệ thuật phong phú, đa dạng, tìm tòi trong ngôn ngữ tạo hình và kỹ thuật thể hiện, nhiều tác phẩm biểu đạt sinh động nghệ thuật tạo hình trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, sự nghiệp công nghiệp hóa, thành tựu trong công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế, cũng như những vấn đề khác của cuộc sống đương đại.

Tại Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc 2010, Ban tổ chức đã trao 3 Huy chương Vàng, 6 Huy chương Bạc, 9 Huy chương Đồng và 30 giải Khuyến khích cho những tác phẩm xuất sắc nhất. Ba tác giả đoạt Huy chương Vàng là: Vũ Cương- Hà Nội với tác phẩm Mầm đá; Nguyễn Trường Linh - Hà Nội với tác phẩm Hà Nội có cầu Long Biên; Nguyễn Quốc Thắng- Thành phố Hồ Chí Minh với tác phẩm điêu khắc Những lá thư thời chiến.

Về tác phẩm đoạt Huy chương Vàng của mình, họa sĩ Vũ Cương cho biết: Tác phẩm Lấy cảm hứng từ cuộc sống nhọc nhằn của vùng cao trên Cao nguyên đá Hà Giang. Hình hài của các em bé người Mông như những mầm sống vươn lên từ những kẽ đá tai bèo lởm chởm, thiên thiên, khí hậu khắc nghiệt, sỏi đá khô cằn cũng không ngăn được sức sống mãnh liệt của một tộc người cũng như một dân tộc. Với những con người lao động cần cù thì sỏi đá khô cằn cũng là những viên ngọc long lanh mà mẹ thiên nhiên đã ban tặng. Những dân tộc dù khó khăn vẫn vươn lên khát khao vươn lên thì dân tộc đó sẽ trường tồn và phát triển. Đó là thông điệp tôi muốn gửi trong tác phẩm. Ở đây mình sử dụng rất giản dị, chỉ vẽ người vùng cao, bản chất thật thà nên bố cục không gượng ép mà ta cảm giác là cuộc sống đúng như thế, chỉ cần đưa nó lên bằng tình yêu và cảm xúc của mình thì nó thể hiện ra trong tranh. Màu sắc tươi tắn vì mình không muốn có sự u tối. Mặc dù cuộc sống rát khó khăn, trẻ con có thể không có quần áo để mặc, nhưng nhìn nét mặt vẫn đầy sức sống, họ vẫn tự tin, muốn vươn lên.

Tác phẩm có một vẻ đẹp hồn nhiên, tươi tắn, như cuộc sống đôn hậu của đồng bào Mông ở cao nguyên đá Đồng Văn- Hà Giang , đồng thời thể hiện sự hòa hợp của con người với thiên nhiên.

Họa sĩ Trần Khánh Chương – Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam nhận xét: Chưa có triển lãm mỹ thuật toàn quốc nào lại có sự ra quân rầm rộ đến vậy. Điều đặc biệt là có tới 4/5 lực lượng tham gia triển lãm năm nay là các họa sĩ thời kỳ đổi mới và tác giả trẻ. Triển lãm này đã cho thấy sự chuyển giao thế hệ rất ngoạn mục của nghệ thuật tạo hình Việt Nam.

Đổi mới trong ngôn ngữ nghệ thuật

Theo đánh giá của Phó G.S, họa sỹ Lê Anh Vân, Chủ tịch Hội đồng nghệ thuật hội họa và đồ họa, chất lượng tác phẩm được tuyển chọn trong triển lãm lần này khá đồng đều. Đề tài của các tác phẩm đa dạng, phong phú. Có những vấn đề có thể quen rồi nhưng lại được các tác giả xử lý bằng ngôn ngữ hiện đại. Đề tài của giới trẻ cũng được thể hiện và nó biểu hiện cuộc sống đương đại hôm nay. Ngay cả việc xử lý kỹ thuật thì có nhiều kỹ thuật truyền thống nhưng được lớp trẻ sử dụng và biến chuyển nó để nói về những vấn đề mới hơn của cuộc sống hôm nay. Tác phẩm của các tác giả trẻ đã tạo nên một luồng sinh khí mới mẻ, trẻ trung về quan niệm, cách nhìn, ý tưởng, cách xử lý chất liệu... góp phần không nhỏ làm nên diện mạo riêng, vào sự thành công của triển lãm.

Theo Nhà phê bình mỹ thuật Lê Quốc Bảo, xu hướng nghệ thuật của các tác phẩm của triển lãm nằm trong dòng chảy sáng tác mỹ thuật trong và ngoài nước. Đề tài tác phẩm mỹ thuật gần với thường nhật hơn. Xu hướng sử dụng chất liệu tổng hợp nhiều hơn, đường biên nghệ thuật rộng hơn.

Triển lãm này cũng cho thấy sự đổi mới trong ngôn ngữ nghệ thuật rất nhiều. Những tranh hiện thực đã được chuyển theo cách nhìn khác. Ngôn ngữ trừu tượng chỉ còn phần nào. Có những tác giả chịu ảnh hưởng nước ngoài nhưng đã được Việt hóa. Nhiều tranh anh em đã xuất phát từ suy nghĩ, từ tâm hồn , từ sự yêu quí cho một đề tài, một vấn đề nào đó như: môi trường, biến đổi khí hậu, bà mẹ trẻ em, kinh tế, về đời sống, văn hóa, xây dựng, kháng chiến, đề tài Bác Hồ, cách mạng.... Thế hệ mới bây giờ sống trong thời đại hòa bình và thế giới rộng mở. Quan trọng nhất là ý thức sáng tạo với tâm hồn dân tộc- Họa sĩ Trần Khánh Chương nhận xét thêm.


Hà Nội có cầu Long Biên của Nguyễn Trường Linh


Là một người đam mê với đề tài vẽ Cầu Long Biên, họa sĩ Nguyễn Trường Linh- Hà Nội cho rằng: Hiện nay các họa sĩ có nhiều cơ hội thể hiện mình vì nghệ thuật VN đang có bước chuyển mạnh mẽ. "Bản sắc chính là sự thay đổi của chính cá nhân mình. Mỗi người có một ngôn ngữ, mình tự bảo vệ mình bằng cách là tạo ra một ngôn ngữ riêng"- hoạ sĩ Nguyễn Trường Linh suy nghĩ.

5 năm một lần, Triển lãm mỹ thuật toàn quốc thực sự là một sân chơi bổ ích với giới mỹ thuật cả nước. Nhà điêu khắc Nguyễn Quốc Thắng rất vui khi từ TPHCM ra Hà Nội nhận Huy chương Vàng trong triển lãm lần này. Ông cho rằng: Triển lãm là sân chơi thú vị , bổ ích làm cho mỗi người phải phấn đấu để có tác phẩm tốt hơn, để cống hiến cho xã hội những tác phẩm có giá trị thẩm mỹ cao.

Với thế hệ các nghệ sĩ tạo hình trẻ, tham gia triển lãm là một cách học hỏi tốt nhất. Nguyễn Đông Giang- sinh viên chuyên ngành điêu khắc- Trường Đại học Mỹ thuật nói: "Triển lãm mỹ thuật toàn quốc là một sân chơi lớn. Chúng em là những nhà điêu khắc trẻ cũng mong muốn được học hỏi thêm những lớp nghệ sĩ đi trước... Làm gì cũng phải yêu nghề mà nghệ thuật là con đường chông gai, nếu mình không tâm huyết và đào sâu thì khó có một tác phẩm đẹp để công chúng tiếp nhận".

Tuy nhiên, do diện tích trưng bày tại Trung tâm Triển lãm Văn hóa- Nghệ thuật Việt Nam chưa đủ rộng cho 800 tác phẩm mỹ thuật, nên tranh vẫn chịu cảnh trưng bày chật chội. Việc chấm ảnh tác phẩm qua ảnh tạo điều kiện thuận lợi cho người tham dự, nhưng theo các thành viên giám khảo cũng như một số tác giả, cách chấm như vậy cũng chưa thực sự hiệu quả. Phải chăng đây là những điều Ban tổ chức nên lưu tâm cho triển lãm mỹ thuật toàn quốc tiếp theo?

Trường Thành

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất