Thứ Bảy, 23/11/2024
Nghiên cứu trao đổi
Thứ Bảy, 17/1/2009 8:2'(GMT+7)

Trình độ văn hoá của người sáng tác.

(Ảnh minh hoạ)

(Ảnh minh hoạ)

Đã có 1 sự thật: Không thiếu người có bằng cấp cao - ví như tiến sĩ chẳng hạn - một thứ hạng cao nhất về học vị hiện nay - nhưng sự hiểu biết về nhiều lĩnh vực xã hội, thậm chí ngay lĩnh vực chuyên môn làm nên tấm bằng cũng chưa phải đã sâu sắc, thuyết phục được đồng nghiệp. Ngược lại, nhiều người chẳng có bằng cấp gì mà thông thái, sâu sắc khiến đồng nghiệp phải nể phục.

Trong lĩnh vực khoa học xã hội, hẹp hơn là sáng tác văn nghệ, từng đã xuất hiện những tên tuổi đáng là bậc thầy lớn của nhiều thế hệ học trò. Họ không có bằng cấp cao mà vẫn luôn có 1 khoảng cách xa về trí thức với những học trò là thạc sĩ, tiến sĩ. Ví như những học giả hoặc tác giả lớn: Đặng Thai Mai, Vũ Ngọc Phan, Hoài Thanh, Trần Thanh Mại, Xuân Diệu, Huy Cận, Chế Lan Viên, Ngô Tất Tố, Nguyễn Công Hoan, Nguyên Hồng, Nguyễn Huy Tưởng, Nguyễn Đình Thi… Bên cạnh đó, không thể không thấy 1 sự thực đáng buồn: Có những thạc sĩ, tiến sĩ không viết được 1 bài báo chứ không nói công trình nghiên cứu về lĩnh vực chuyên môn của mình, tất nhiên là ngoài bản luận văn làm nên tấm bằng đó. Cần thấy là “công trình” này đã được sự giúp sức rất nhiều của ngưòi hướng dẫn và nhiều nâng đỡ khác.

Nhìn vào tất cả các loại hĩnh văn học, nghệ thuật hiện nay, nhiều ngưòi đều dễ dàng có chung nhận định: Thi thoảng cũng xuất hiện 1 vài tác phẩm đạt chất lượng tốt, song còn chiếm tỉ lệ quá ít so với số lượng tác phẩm ra đời. Trong suốt thập kỷ 90 của thế kỷ trước đến gần hết thập kỷ đầu tiên của thế kỷ XXI - nghĩa là gần 20 năm nay, thử hỏi có được bao nhiêu cuốn tiểu thuyết, tập thơ, vở kịch, bộ phim, bài hát, bản nhạc đặc sắc, hứa hẹn sức sống bất diệt theo thời gian có thể so sánh được về giá trị trường tồn so với những tác phẩm đã ra đời trong quá khứ? Có thể có nhiều nguyên nhân dẫn đến điều này, nhưng không thể không thấy 1 điều: Tài năng của người sáng tác còn bị hạn chế. Nói đến tài năng là nói đến năng khiếu thiên bẩm cộng với sự rèn luyện, lao tâm khổ tứ trong tìm tòi sáng tạo. Một nền tảng vô cùng quan trọng của tài năng là trình độ văn hoá (Hiểu biết - như đã nói).

Tất nhiên không phải cứ có tri thức cao là có tài, là tạo nên tác phẩm hay; nhưng vế ngược lại - tức là tài năng thì phải bao hàm trong đó 1 trình độ văn hoá tương xứng. Trong lịch sử văn nghệ nước ta, cũng có nhưng tác phẩm ít nhiều giá trị được tạo nên bởi những người mà kinh nghiệm chiến đấu, lao động sản xuất nhiều hơn chữ nghĩa tri thức. Đó là một số chiến sĩ, công nhân thậm chí là nông dân cầm bút. Nhưng không đáng kể, chỉ là những trường hợp hy hữu. Cần hiểu đó là những sáng tác nghiệp dư của phong trào văn nghệ quần chúng “cây nhà lá vườn”, nhưng đã có những tác phẩm đứng được. Một nền văn nghệ chính quy, chuyên nghiệp không thể trông cậy vào những tác giả như vậy. Và sự thật cũng dã chứng minh họ không có khả năng tiến xa hơn, gặt hái được nhiều hơn trên chặng đường sáng tác.

Trình độ văn hoá - sự hiểu biết, tri thức - có thể thâu tóm trong ít từ ngữ : Khả năng lĩnh hội, nhận thức thế giới (tự nhiên và xã hội), khả năng khám phá, nắm bắt các quy luật của cuộc sống. Nói một cách cụ thể hơn, đối với người sáng tác văn nghệ, vấn đề không phải là học đến bằng cấp nào, ngồi bao nhiêu năm trên ghế các loại trường… mà là hiểu biết tường tận về tự nhiên xã hội ra sao - đặc biệt là những lĩnh vực của khoa học xã hội. Người cầm bút phải am tường nhiều thứ: Triết học, mĩ học, lịch sử, địa lý, dân tộc. Không chỉ am hiểu dân tộc mình mà còn phải biết về thế giới nữa. Những kiến thức trên đặc biệt cần thiết hơn đối với người sáng tác ở các bộ môn: văn, thơ, sân khấu, điện ảnh. Nhờ trình độ triết học, tác giả sẽ giàu khả năng nhìn nhận phân tích vấn đề sâu sắc biện chứng, phù hợp với lô-gic phát triển của sự vật. Do có trình độ về lịch sử địa lý, dân tộc mà tác phẩm của họ sẽ không xa lạ với công chúng. Người sáng tác mà có trình độ sâu sắc về mĩ học thì trước hết họ sẽ có “gu” thẩm mĩ cao sang, sành, tinh tế, mới mong chuyển tải đến ngưòi thưởng thức cái hay, cái đẹp nhất. Không hiểu biết về mĩ học, người sáng tạo dễ “mô ve gu” (thị hiếu thẩm mỹ tầm thường).

Thực trạng đội ngũ cầm bút sáng tác ở nước ta hiện nay ra sao? Cần dũng cảm nhìn thẳng vào sự thật để thấy: Trình độ tri thức của không ít người còn hạn hẹp, bất cập với yêu cầu vốn dĩ rất cao, khó khăn của công việc. Những tác giả có sự thông thái, uyên thâm về nhiều lĩnh vực như đã đề cập có thể nói là chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Có những ngưòi làm thơ, viết truyện không phân biệt đựơc sự khác biệt giữa châm ngôn, tục ngữ, thành ngữ; không hiểu thấu đáo văn học dân gian là thế nào, họ chỉ nói được 1 cách chung chung: Đó là thứ văn học được lưu truyền từ rất lâu trong lịch sử, không thể rõ nguồn gốc xuất xứ ra đời.

Là người cầm bút mà không rõ văn học thành văn nước ta có từ bao giờ, chữ quốc ngữ bắt đầu hình thành từ khi nào. Không ít người đã từng cầm bút được mấy chục năm, có thơ hoặc truyện in nhiều tập, tên tuổi không đến nỗi xa lạ - được coi là cây bút chuyên nghiệp - mà hiểu rất mơ hồ về văn học thế giới. Họ không rõ BanZắc, StăngĐan, VíchToHuyGô, GiăngPônSác… khác nhau thế nào? Thậm chí có người còn lầm lẫn 2 tác phẩm Những ngưòi khốn khổ của Vich To Huy Gô và Con đưòng đau khổ của ALếch Xây Tôn XTôi. Cả 2 tác phẩm đều thuộc hàng kiệt tác của thế giới, một của văn học Pháp thế kỷ XIX, một của văn học Nga đầu thế kỷ XX mà 1 người mang nhãn hiệu “nhà văn” không rõ thì quả là khó chấp nhận. Lại có ngưòi làm thơ viết văn mà mập mờ giữa 2 văn hào cùng có tên là Tôn-XTôi ở nước Nga. Có thể nhớ được Tôn-XTôi là tác giả Chiến tranh và hoà bình nhưng không rõ còn ông Tôn-XTôi nào nữa, là tác giả tác phẩm nổi tiếng nào! Và vị “nhà thơ, nhà văn” này chỉ biết có 1 ông A STơ Rốp Ski là tác giả Thép đã tôi thế đấy mà không hề biết còn 1 nhà viết kịch người Nga cũng trùng tên, là tác giả vở kịch khá nổi tiếng có tên Đêm giông tố…

Không thể dẫn ra hết những người cầm bút sáng tác mà trình độ hiểu biét đã quá hạn hẹp, đã kìm hãm năng lực sáng tạo mà lẽ ra nếu thông thái và uyên bác, tư duy tìm tòi của họ sẽ được chắp cánh bay cao bay xa. Vậy nên cũng sẽ chẳng có gì đáng ngạc nhiên khi có những người tự cho mình là “đột phá” là “tìm tòi mới lạ” theo hưóng kỳ dị, tạo nên những vần thơ khó hiểu tắc tị - có lẽ chính ngưòi viết cũng không thể giải thích - nhưng thực ra là lặp lại những thứ đã cũ rích mà thế giới người ta đã từng viết từ rất lâu. Ví dụ như những phái đa đa, vị lai, lập thể, hiện đại… đã có ở phương Tây hàng trăm năm về trước, chính những tác giả thuộc những trường phái này đã chán từ lâu. Nay 1 số cây bút ở nước ta bắt chước, đã ngộ nhận là cách tân. Tất nhiên họ chỉ là vô tình. Chính sự "ù cạc" về hiểu biết đã “giảm nhẹ tội” cho họ để chỉ còn là vô tình mà không phải là cố ý.

Điện ảnh là 1 lĩnh vực nghệ thuật dễ bộc lộ trình độ hiểu biết - lĩnh vực ta đang bàn của người sáng tác. Nếu để ý kỹ ngay cả những bộ phim được coi là có chất lượng, khá hơn cả, ta sẽ thấy có 1 đặc điểm: Phim truyện của ta còn quá… “thật thà”, nghĩa là các tác giả - mà vai trò chính là đạo diễn - luôn trình bày rồi giải quyết câu chuyện nằm trong sự phán đoán trước của người xem. Thậm chí ngay cả diễn biến cốt truyện, khán giả cũng hoàn toàn biết. Xô ghế đứng dậy (hoặc rời khỏi màn hình) ai xem phim cũng thấy: Đúng quá, tốt quá, chẳng có gì cần phải suy xét, bàn cãi nữa. Hay là nói theo cách nhiều người vẫn nói: Chẳng còn gì để nói! Rất ít khi người xem phải (hay là được?) trăn trở, day dứt bởi 1 điều gì đó được tác giả đặt ra trong phim. Tác phẩm điện ảnh cứ giống như 1 cô gái hiền lành chất phác thật thà, nghĩ sao nói vậy, không hề biết nói lấp lửng, nói bằng mắt, nói ẩn dụ, nói thế này nhưng lại khiến người nghe hiểu thế khác- sinh động và thú vị- người ta hoàn toàn yên tâm tin tưởng ở cái tốt, cái thật của cô nhưng không một chút thú vị khi tiếp xúc. Mà nghệ thuật hoàn toàn không có chuyện đúng sai tốt xấu; chỉ có chuyện hay, dở có đánh thức được năng lực cảm thụ cái đẹp trong đối tượng thưởng thức hay không mà thôi.

Để trau dồi và nâng cao trình độ hiểu biết, người sáng tác phải nỗ lực ở nhiều phương diện, trong đó không thể thiếu việc học. Tuy nhiên không ai nghĩ chỉ có các trường lớp mới giúp họ điều này. Xin các giáo sư và giảng viên đang dạy ở các trường tha thứ khi người viết nói điều này: Học ở trường cũng cần nhưng khi ra đời chưa giải quyết được việc gì. Tri thức thu được ở trường chỉ là 1/10 tổng tri thức cần có cho 1 con người. Với sáng tác, điều này càng rõ. Những trường viết văn Nguyễn Du, đại học văn khoa (ngành văn học), các trường nghệ thuật cho các loại hình khác (sân khấu, điện ảnh, mĩ thuật, âm nhạc…) chỉ có tác dụng “gây men” ban đầu, không thể tạo ra những nghệ sĩ đích thực. Phải có một bộ óc thông minh cộng với niềm đam mê sáng tạo, cùng khả năng đọc, nhớ rất nhiều tri thức mới có thể giúp người cầm bút cải thiện, nâng cao trình độ hiểu biết. Không có điều này, không thể mong gặt hái được tác phẩm xứng tầm./.

Nguyễn Đình San

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất