Gần 50 vị khách nước ngoài là những người bạn của VN từ thời kháng chiến chống Mỹ đã cùng gặp gỡ với Liên hiệp các Tổ chức hữu nghị VN sáng 28.4 tại Hà Nội. Những tấm lòng bè bạn dành cho VN từ thời chiến tranh vẫn nguyên vẹn đến tận bây giờ.
Chúng tôi đã gặp gỡ và trò chuyện nhanh với một vài người.
Ông Ryszard Fijalkowski - Trưởng đoàn Ba Lan tại Uỷ ban Giám sát quốc tế về thi hành Hiệp định Paris ở Sài Gòn năm 1974: Chứng kiến niềm vui của người dân Sài Gòn ngày 30.4.
“Cuối năm 1974, đầu năm 1975, phái đoàn Ba Lan cũng như các phái đoàn quốc tế khác đã giảm bớt số lượng nhân viên, vì hoạt động quân sự của Việt Nam lúc đó rất mạnh. Các đoàn Iran, Indonesia đã rút trước, chỉ còn lại đoàn của Hungary và Ba Lan. Chúng tôi thường liên hệ với phái đoàn của miền Bắc và của Mặt trận Dân tộc giải phóng. Lúc đó, chúng tôi đóng ở sân bay Tân Sơn Nhất. Qua phân tích tình hình lúc đó, chúng tôi đi đến thống nhất là phải có giải pháp quân sự thì mới kết thúc được cuộc chiến tranh, bởi vì Mỹ và chính quyền Sài Gòn đã phản bội, không thi hành Hiệp định Paris.
Thời điểm đó rất căng thẳng. Các nhân viên trong phái đoàn Hungary và Ba Lan chúng tôi cũng chuẩn bị vũ khí để tự vệ. Thành viên của phái đoàn chúng tôi đóng từ vĩ tuyến 17 trở vào, nhưng đến lúc đó, chúng tôi phải gọi họ về hết Sài Gòn. Công việc của chúng tôi hầu như ngừng trệ.
|
Ông Ryszard Fijalkowski (giữa). |
Đêm 28 ngày 29.4, chúng tôi đã thấy những đơn vị đầu tiên của quân giải phóng tiến vào Sài Gòn, cả xe tăng và bộ binh. Tôi đã chứng kiến những gương mặt rạng rỡ của người dân Sài Gòn chào đón quân giải phóng, họ ùa ra đường vẫy chào, trên các đường phố, các toà nhà cắm rất nhiều cờ giải phóng.
Chiều 30.4, tướng Trần Văn Trà - Tư lệnh Quân quản - tiếp đại diện các đoàn Iran, Indonesia, Hungary và Ba Lan. Chúng tôi bắt tay chúc mừng tướng Trần Văn Trà và thắng lợi của Việt Nam, tướng Trà cảm ơn sự hỗ trợ của chúng tôi trong việc thi hành Hiệp định Paris. Sau cuộc gặp, lực lượng của quân giải phóng hộ tống chúng tôi về tận sân bay Tân Sơn Nhất và kiểm tra mức độ an toàn của hai đoàn Ba Lan và Hungary.
Ngày 1.5, chúng tôi tham gia cuộc míttinh chào mừng Ngày Quốc tế Lao động đầu tiên của người dân Sài Gòn sau ngày giải phóng.
Giờ đây, trở lại Việt Nam lần đầu tiên sau 35 năm, chúng tôi rất ngạc nhiên và vui mừng vì những thành tựu lớn Việt Nam đã đạt được. Chúng tôi rất hiểu Việt Nam đã phải làm lại như thế nào. Nhưng giờ đây, không thể nhận ra một Việt Nam của thời kỳ trước nữa, xin chúc mừng các bạn. Việt Nam đã trở thành đất nước có vị trí quan trọng trên trường quốc tế”.
Bà Helen Luc - Chủ tịch Hội Hữu nghị Pháp - Việt: Vận động xây dựng phòng thí nghiệm về bệnh tật do dioxin
Có chồng là Thị trưởng thành phố Choisy-le-Roi - nơi diễn ra Hội nghị Paris về Việt Nam những năm 1968 - 1973 - bà đã cùng người dân thành phố ủng hộ Việt Nam kháng chiến chống Mỹ và đàm phán thành công Hiệp định Paris, vận động bằng nhiều hình thức để giúp đỡ nhân dân Việt Nam khắc phục hậu quả chiến tranh. Gia đình bà đã đón các nhà lãnh đạo của Việt Nam như: Phạm Văn Đồng, Nguyễn Thị Bình, Lê Đức Thọ và vẫn lưu giữ nhiều kỷ vật của thời kỳ đàm phán. Hiện giờ bà cùng với Hội Hữu nghị Pháp - Việt vẫn tiếp tục vận động Thượng viện Pháp để ủng hộ công cuộc đổi mới của Việt Nam.
|
Bà Helen Luc. |
Bà cho biết: “Gần đây tôi đã gặp 140 doanh nghiệp Pháp đang hoạt động tại Việt Nam với mong muốn thúc đẩy hợp tác kinh tế giữa hai nước. Chúng tôi cũng giúp đỡ Việt Nam rất mạnh mẽ trong việc khắc phục hậu quả chất độc da cam/dioxin bằng cách tổ chức các hoạt động tăng cường nhận thức, quyên góp tài trợ.
Cho đến giờ, ảnh hưởng của dioxin đã tới thế hệ thứ ba ở Việt Nam. Một mình nước Pháp không làm được tất cả, nên chúng tôi mong muốn liên kết với các hội hữu nghị với Việt Nam ở 7 nước Châu Âu khác, vận động có tiếng nói để Châu Âu giúp đỡ xây dựng ở Việt Nam một phòng thí nghiệm nghiên cứu các bệnh tật liên quan đến dioxin.
Chúng tôi cũng rất quan tâm đến các dịch cúm gà, cúm lợn ở Việt Nam và mong muốn quyên góp tiền giúp đỡ nông dân Việt Nam. Tôi rất vinh dự được mời sang dự lễ kỷ niệm 35 năm kết thúc chiến tranh và đó thực sự là một món quà đối với tôi”.
Bà Hyun Soon-Hye - vợ của nhà văn Nhật Bản Makoto Oda: Tình yêu Việt Nam là văn hoá gia đình
Tháng 5.1965, ngay sau khi quân đội Mỹ tiến hành chiến tranh xâm lược Việt Nam, nhà văn Makoto Oda đã tham gia thành lập Liên hiệp Nhân dân vì hoà bình cho Việt Nam. Phong trào có lúc huy động hàng chục nghìn người tuần hành trên các thành phố lớn của Nhật, có tiếng vang và ảnh hưởng tới chính sách của Chính phủ Nhật trong hợp tác cung cấp nhu yếu phẩm cho quân đội Mỹ ở miền Nam Việt Nam.
|
Bà Hyun Soon-Hye. |
Bà kể: “Chồng tôi đã viết khoảng 10 cuốn sách về chiến tranh Việt Nam, cả văn học và tiểu luận. Lần này sang đây tôi mang theo cuốn đầu tiên của ông ấy, cuốn “Chuyến đi của trách nhiệm” xuất bản năm 1966. Cuốn gần nhất ông ấy viết về Việt Nam có tựa đề “Chuyến đi không kết thúc” ra mắt năm 2006 - một năm trước khi ông ấy mất. Ông đặc biệt nổi tiếng với cuốn tiểu thuyết dài “Rời xa Việt Nam” được xuất bản năm 1991, gồm 3 tập, dày tới 7.000 trang và được ông ấy kỳ công viết trong 10 năm, là một trong những tập sách bán chạy nhất ở Nhật Bản thời bấy giờ.
Chồng tôi rất yêu mến Hồ Chí Minh và thơ Hồ Chí Minh. Ông đã sang Việt Nam nhiều lần, từ lần đầu tiên năm 1969. Năm 1996, tôi và con gái chúng tôi lần đầu tiên sang Việt Nam cùng với ông ấy. Mùa thu này, con gái tôi sẽ theo học tại Đại học Hà Nội, ngành tiếng Việt và lịch sử. Con gái tôi đã yêu mến Việt Nam ngay từ lần đầu tiên sang đây và muốn tiếp nối tình yêu đó, bởi đó là di sản, là văn hoá gia đình chúng tôi”./.
(Theo Lao Động online)