Căng thẳng giữa Mỹ và Iran vẫn tiếp tục là chủ đề nóng bỏng, khuấy động dư luận quốc tế và khu vực Trung Đông trong mấy ngày qua. Những diễn biến khó lường liên tục nảy sinh cũng khiến giới chuyên gia lo ngại về khả năng xảy ra một cuộc xung đột nếu không có sự kiềm chế kịp thời của các bên liên quan.
Giữa lúc căng thẳng với Iran chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, mới đây lại
xuất hiện thông tin cho rằng, Lầu Năm Góc đã lên kế hoạch điều động một
lượng lớn binh sĩ đến Trung Đông. Tờ Washington Post dẫn lời các quan
chức giấu tên của Mỹ cho biết, trong hôm nay (24/5, theo giờ Việt Nam),
Lầu Năm Góc sẽ trình lên Nhà Trắng kế hoạch triển khai bổ sung 10.000
binh sĩ đến Trung Đông.
Dù chưa rõ kế hoạch nói trên có được Nhà Trắng chấp thuận hay không,
song các quan chức của Mỹ khẳng định việc điều động binh sĩ bổ sung là
nhằm mục đích phòng thủ và chống lại các mối đe dọa tiềm tàng từ Iran.
Tờ Washington Post cho rằng, đây không phải lần đầu tiên Mỹ xây dựng kế
hoạch quân sự nhằm đối phó với Iran. Trước đây, Lầu Năm Góc từng dự
định triển khai tới 120.000 binh sĩ nếu xung đột nổ ra và để huy động
lực lượng này có thể cần tới vài tuần, thậm chí vài tháng.
Hãng tin Reuters cũng cho biết thời gian gần đây, Mỹ đã triển khai lực
lượng quân sự lớn gồm các máy bay ném bom, tàu sân bay và tổ hợp tên lửa
phòng không Patriot tới Trung Đông nhằm đối phó với cái mà Washington
gọi là "mối đe dọa từ Tehran". Cùng với đó, Mỹ cũng rút các nhân viên
ngoại giao không làm nhiệm vụ khẩn cấp khỏi Đại sứ quán Mỹ tại thủ đô
Baghdad của Iraq.
Trước những động thái nêu trên, trong thông điệp đăng trên mạng xã
hội Twitter ngày 22-5 để gửi tới Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo, một cố vấn
của Tổng thống Iran Hassan Rouhani cho rằng, hành động triển khai quân
sự của Mỹ tới khu vực Trung Đông là sự "khiêu khích có chủ ý".
Mặc dù vậy, đến nay cả Mỹ và Iran đều đưa ra những tuyên bố được cho là
nhằm xoa dịu tình hình và tránh xảy ra một cuộc xung đột quân sự giữa
hai nước. Quyền Bộ trưởng Quốc phòng Patrick Shanahan và Ngoại trưởng Mỹ
Mike Pompeo mới đây khẳng định, Washington chỉ tìm cách ngăn chặn và
răn đe Iran chứ không muốn khơi mào chiến tranh. "Đây là việc ngăn chặn
chứ không phải là chiến tranh. Chúng tôi không muốn đi đến chiến tranh",
ông Patrick Shanahan nói.
Quyền Bộ trưởng Quốc phòng Patrick Shanahan cũng khẳng định vấn đề tập
trung nhất lúc này của Mỹ là phòng ngừa sự tính toán sai lầm từ phía
Iran và Washington không muốn làm tình hình thêm căng thẳng.
Tương tự, dù khẳng định Iran sẽ không đàm phán nếu không nhận được sự
tôn trọng từ phía Mỹ, Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif gần đây
cũng nói rằng sự leo thang căng thẳng giữa hai nước "sẽ để lại hậu quả
đau thương" và Tehran không muốn điều đó xảy ra.
Tuy nhiên, trong con mắt của giới chuyên gia, những căng thẳng gần đây
giữa Mỹ và Iran vẫn đang đặt ra mối nguy hiểm tiềm tàng đối với khu vực.
Liên minh Nghị viện Arab ngày 22/5 đã đưa ra cảnh báo về những hậu quả
to lớn từ việc leo thang quân sự trong khu vực.
Theo ông Atef Tarawneh,
người đứng đầu Liên minh Nghị viện Arab, leo thang quân sự giữa Mỹ và
Iran sẽ tác động tiêu cực đến hòa bình, ổn định của toàn bộ khu vực
Trung Đông, cũng như các nước Arab. Do đó, ông kêu gọi các nước Arab cần
có lập trường thống nhất và khẳng định các nước Arab và vùng Vịnh sẽ
đoàn kết để duy trì an ninh, quyết tâm thông qua các nỗ lực ngoại giao
nhằm ngăn chặn khủng hoảng.
Trong khi đó, một số chuyên gia ở Trung Đông nhận định Iran hiện là một
quốc gia không dễ bị khuất phục và chính sách của Mỹ nhằm vào Tehran có
thể biến Trung Đông trở thành “thùng thuốc súng”. Chuyên gia phân tích
chính trị Kaveh Afrasiabi cho rằng, Iran chắc chắn sẽ đưa ra những biện
pháp đáp trả tương xứng với Washington và căng thẳng giữa hai quốc gia
này có thể sẽ biến Trung Đông trở thành “thùng thuốc súng”, thậm chí nổ
ra cuộc chiến tranh lan rộng trên toàn khu vực./.
Anh Vũ (qdnd.vn)