(TCTG)- Trung Quốc đang từng bước thâm nhập vùng biển xung quanh Ấn Độ. Cách thức tiến hành của nước Cộng hoà nhân dân này là thiết lập một mạng lưới liên minh thương mại và hàng hải xung quanh Ấn Độ, đối thủ lâu đời của Bắc Kinh. Đây là một minh chứng về sức mạnh của cường quốc Trung Quốc trên tất cả các mặt trận.
Rất nhiều nhà quan sát Ấn Độ lo ngại kể từ khi Trung Quốc chứng minh mình là một cường quốc kinh tế và hải quân trong khu vực của các nước láng giềng với Ấn Độ, nơi Trung Quốc đã gia tăng các dự án xây dựng và hiện đại hoá nhiều bến cảng. Các dự án trên hiện không ngừng phát triển. Vào thời kỳ của Tổng thống George W. Bush, các nhà chiến lược Mỹ đã đưa ra nhận định nổi tiếng: Trung Quốc đang xâu một chuỗi “vòng ngọc trai” thực sự trong khu vực có tầm ảnh hưởng của Ấn Độ”.
Ông Jean Pierre Cabestan, giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Hồng Kông giải thích: “chiếc vòng cổ trên nằm trong chiến lược gián tiếp nhằm bao vây Ấn Độ vào một mạng nhện để hạn chế những chọn lựa của Ấn Độ trong trường hợp khủng hoảng”. Mục đích mà Bắc Kinh đưa ra hoàn toàn mang tính thương mại. Nhưng dự định ngấm ngầm của người Trung Quốc có thể là nhằm sử dụng các căn cứ trên vào mục đích quân sự. Một khi cuộc khủng hoảng trong khu vực nổ ra: chính Ấn Độ Dương là con đường vận chuyển năng lượng của nước Cộng hoà nhân dân. Trong bối cảnh trên, chiến lược của Trung Quốc mang một dấu ấn khác.
Tại Pakistan, một trong những công trình của Trung Quốc đang làm những người Ấn Độ lo ngại nhất là việc xây dựng cảng Gwadar tại tỉnh Baloutchistan. Dự án này do Trung Quốc hỗ trợ, có thể trở thành một trong những căn cứ hải quân quan trọng nhất của Trung Quốc.
Tại Myanmar, đồng minh của Bắc Kinh, người Trung Quốc tham gia xây dựng các bến cảng: Sittwe, Mergui, Dawei. Tại Sri Lanka, người Trung Quốc đang giúp xây dựng cảng Hambantota và tăng cường hiện diện tại nước này: Bắc Kinh đã tài trợ một phần trong cuộc chiến của Chính phủ Sri Lanka chống Những con hổ giải phóng Tamoul. Phong trào li khai này đã bị tiêu diệt năm ngoái. Ngân hàng xuất nhập khẩu Trung Quốc đã tài trợ 85% kinh phí cho việc quy hoạch cảng trên mà giá thành của nó ước tính lên tới 1 tỷ đô la (700 triệu euro). Tại Bangladesh, Trung Quốc đang tham gia hiện đại hoá cảng nước sâu Chittagong để có thể trở thành một trung tâm chứa công-ten-nơ quan trọng.
“Viên ngọc trai” cuối cùng của “vòng ngọc” là một nước không tiếp giáp với biển nhưng vị trí của nó theo Bắc Kinh đóng vai trò rất quan trọng: Nepal. Nước này có truyền thống “thân thiện” và phụ thuộc hoàn toàn về mặt thương mại và năng lượng vào Ấn Độ. Nepal đang được nước láng giềng Trung Quốc dòm ngó. Từ các cuộc nổi dậy tại Lhassa (Tây Tạng) vào mùa xuân năm 2008, dưới sức ép của Trung Quốc, người Nepal đã tăng cường kiểm soát biên giới của mình với Tây Tạng và trấn áp tàn nhẫn các cuộc biểu tình của các tu sĩ Phật giáo tại Katmandou.
Theo báo chí Trung Quốc, chuyến thăm Bắc Kinh tháng 2/2010 của phái đoàn Nepal do Thủ tướng Madhav Kumar dẫn đầu đã đạt được thoả thuận liên quan “an ninh tại biên giới giữa Trung Quốc và Nepal”. Theo ông Kunda Dixit, Tổng biên tập tạp chí Nepali Times tại Katmandou, “từ nhiều tháng nay, Chính phủ Nepal đã triển khai các lực lượng bán quân sự tại các quận Mustang và Manar. Theo một số phương tiện thông tin đại chúng Nepal, người Trung Quốc đã đề xuất đào tạo “miễn phí” lực lượng trên. Cách đây 25 năm, Ấn Độ và Trung Quốc đã cùng nhau chia sẻ ảnh hưởng tại khu vực: phía Nam dãy Hymalaya là do Ấn Độ kiểm soát, đổi lại Ấn Độ công nhận chủ quyền của Trung Quốc tại Tây Tạng. Nhưng sau khi xảy ra các cuộc nổi loạn tại Lhassa, Bắc Kinh đánh giá Nepal có thể sẽ được người Tây Tạng sử dụng làm căn cứ quân sự để chống lại Trung Quốc”.
Chiến lược gia tăng ảnh hưởng tại các nước láng giềng của Ấn Độ, mà nước này thường xuyên có quan hệ phức tạp lẫn thù địch “không phải là một mối lo ngại” như bài xã luận tiếng Anh của nhật báo Trung Quốc Global Times đăng tải ngày 24/2. Bài báo nhận định “Trung Quốc quan tâm tới Ấn Độ Dương bởi nguồn dầu lửa mà Trung Quốc mua từ Trung Dông và châu Phi đi qua đây. Nhưng những người Ấn Độ cảnh báo việc Trung Quốc tham gia vào một cuộc cạnh tranh ảnh hưởng tại đại dương này”.
Liệu mối đe doạ quân sự bởi “chiếc vòng” trên có bị thổi phồng quá hay không? Ông Jean Pierre Cabestan nêu rõ: “Các cảng sẽ có thể tiếp tục hỗ trợ cho công tác hậu cần của hải quân Trung Quốc, ví dụ khi nước này cần di tản các công dân của họ bị đe doạ tại một nước châu Phi hay Trung Đông. Nhưng trong trường hợp chiến tranh, mọi điều có thể phức tạp hơn rất nhiều và không gì có thể bảo đảm rằng các nước (mà Trung Quốc đang xây dựng các căn cứ) sẽ luôn sẵn sàng hợp tác với nước này. Và điều này sẽ phụ thuộc vào nước có xung đột với Trung Quốc: Ấn Độ hay Mỹ?”.
Theo báo LEMONDE.fr (Bài dịch)