Thứ Năm, 3/10/2024
Giáo dục
Thứ Tư, 2/6/2010 6:53'(GMT+7)

Trung Quốc: Thẩm định và thông qua đề cương "Quy hoạch cải cách và phát triển giáo dục trung và dài hạn (2010-2020)"

Trong ảnh: Ở Trường tiểu học Zhongjunlou, vùng nông thôn tỉnh An Huy - Ảnh: AFP-TTXVN

Trong ảnh: Ở Trường tiểu học Zhongjunlou, vùng nông thôn tỉnh An Huy - Ảnh: AFP-TTXVN

Hội nghị chỉ rõ, trong 10 năm tới, Trung Quốc thực thi giai đoạn chiến lược quan trọng "ba bước" xây dựng hiện đại hóa. Ban hành và thực hiện "Quy hoạch cải cách và phát triển giáo dục trung hạn và dài hạn (2010 - 2020)", trong giai đoạn lịch sử mới, việc đẩy nhanh cải cách và phát triển giáo dục mang một ý nghĩa lớn lao đối với việc xây dựng một quốc gia mạnh về nguồn nhân lực, đáp ứng nhu cầu được tiếp nhận một nền giáo dục tốt đẹp của nhân dân, xây dựng toàn diện xã hội khá giả của hơn một tỷ con người. "Đề cương" đã được nghiên cứu biên soạn trong một năm 9 tháng; hai lần công khai lấy ý kiến toàn xã hội, đến nay đã được hoàn thiện.

Hội nghị nhấn mạnh, trong 10 năm tới, cải cách giáo dục của Trung Quốc cần quán triệt phương châm: ưu tiên phát triển bồi dưỡng con người làm gốc; cải cách đổi mới, thúc đẩy công bằng, nâng cao chất lượng.

Thứ nhất, đặt giáo dục vào vị trí ưu tiên của chiến lược phát triển, hoàn thiện hệ thống giáo dục xã hội chủ nghĩa đặc sắc Trung Quốc. Cơ bản phổ cập giáo dục trước đi học, củng cố nâng cao trình độ giáo dục 9 năm bắt buộc, coi trọng thúc đẩy giáo dục nghĩa vụ một cách cân bằng, đẩy nhanh giai đoạn phổ cập giáo dục cao trung (PTTH). Đưa giáo dục dạy nghề đạt vị trí nổi bật hơn nữa. Chú trọng phát triển giáo dục hướng nghiệp cho nông thôn. Nâng cao một cách toàn diện chất lượng giáo dục cao đẳng, ưu hóa cơ cấu giáo dục cao đẳng, đẩy nhanh bước đi xây dựng các trường đại học chất lượng cao và chất lượng hàng đầu thế giới. Đẩy mạnh phát triển giáo dục tiếp tục (giáo dục nâng cao, đào tạo tiếp, đào tạo lại...), coi trọng và giúp đỡ sự nghiệp giáo dục dân tộc thiểu số, quan tâm giúp đỡ giáo dục đặc biệt.

Thứ hai, coi đào tạo bồi dưỡng con người làm gốc là yêu cầu căn bản của công tác giáo dục, tôn trọng quy luật giáo dục và quy luật phát triển cơ thể, tâm lý học sinh. Cần coi học sinh là chủ thể, coi giáo viên là chủ đạo, phát huy đầy đủ tính tích cực, chủ động trong học tập của học sinh; lấy việc thúc đẩy học sinh phát triển thành tài làm xuất phát điểm của hết thảy mọi công việc của nhà trường.

Thứ ba, coi cải cách sáng tạo là động lực to lớn để phát triển giáo dục, kiện toàn thể chế quản lý giáo dục mang sức sống mạnh mẽ, cải cách chế độ đánh giá chất lượng và chế độ thi cử, tuyển sinh; xây dựng chế độ trường học hiện đại đặc sắc Trung Quốc. Tích cực động viên các ngành, doanh nghiệp và các lực lượng xã hội tham gia công tác giáo dục trong các trường công lập; hỗ trợ các trường dân lập phát triển; đáp ứng nhu cầu giáo dục đa dạng hóa, đa tầng lớp của quần chúng. Động viên các địa phương và các trường mạnh dạn tìm tòi, thử nghiệm, mở rộng quyền tự chủ giáo dục. Mở rộng cửa trong giáo dục, thu hút nguồn giáo dục chất lượng cao, nâng cao trình độ hợp tác quốc tế về giáo dục.

Thứ tư, coi thúc đẩy công bằng là chính sách giáo dục quốc gia cơ bản; bảo đảm mọi công dân có cơ hội hưởng một nền giáo dục công bằng theo pháp luật. Kiên trì tính công ích của giáo dục, xây dựng thành một hệ thống dịch vụ giáo dục công cộng cơ bản phủ khắp thành thị và nông thôn, cố gắng đạt tới mỗi một nhà trường dạy tốt mỗi một học sinh. Bố trí hợp lý nguồn tài nguyên giáo dục công, nghiêng về vùng nông thôn, vùng nghèo khó, vùng đồng bào dân tộc; cố gắng thu hẹp khoảng cách giữa nông thôn và thành thị, khoảng cách giữa các vùng miền, khoảng cách với quốc tế. Giúp đỡ những quần thể khó khăn, không để học sinh vì kinh tế gia đình khó khăn mà thất học.

Thứ năm, coi nâng cao chất lượng là nhiệm vụ trung tâm của cải cách phát triển giáo dục; cung cấp nguồn lực giáo dục chất lượng cao phong phú hơn nữa cho quốc dân, đáp ứng tốt hơn nữa nhu cầu tiếp nhận một nền giáo dục chất lượng cao của nhân dân.

Hội nghị nhấn mạnh, để bảo đảm "Đề cương" được thực hiện đúng thời hạn, cần các biện pháp bảo đảm cải cách phát triển giáo dục mạnh hơn một bước. Đặc biệt là tiếp tục tăng cường đầu tư cho giáo dục, từng bước nâng cao kinh phí từ ngân sách quốc gia cho giáo dục, đến năm 2012 đạt 4% GDP toàn quốc. Cần hoàn thiện thể chế, chính sách, không ngừng mở rộng nguồn tài nguyên xã hội đầu tư cho giáo dục. Kiện toàn chế độ quản lý đội ngũ cán bộ giảng dạy, cải thiện chế độ đãi ngộ, địa vị của giáo viên, nâng cao chất lượng giáo viên; chỉ đạo nhà giáo làm giáo dục, động viên những nhân tài ưu tú dạy học lâu dài, dạy học suốt đời, đến dạy ở những vùng nghèo, khó khăn, gian khổ; cố gắng tạo lập một đội ngũ giáo viên chuyên nghiệp hóa, chất lượng tốt, đạo đức cao cả, nghiệp vụ tinh thông, kết cấu hợp lý và đầy sức sống./.

  • Nguyễn Văn Xuân Theo mạng Trung Hoa võng (Bài dịch)
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất