Thứ Ba, 24/9/2024
Nghiệp vụ công tác tuyên giáo
Thứ Bảy, 31/3/2012 15:54'(GMT+7)

Trung tâm Bồi dưỡng chính trị huyện Củ Chi - Hiệu quả từ một cách làm

 Đến với Trung tâm Bồi dưỡng chính trị (TTBDCT) huyện Củ Chi vào những ngày cuối năm 2011, đoàn công tác chúng tôi thật sự ngỡ ngàng trước cơ ngơi khang trang và bề thế trong khuôn viên 1.300m2, với hội trường có sức chứa 500 người, 7 phòng học rộng rãi, khu làm việc được bố trí riêng khá khoa học và hợp lý. Bên cạnh hệ thống phòng học, trong năm qua, Trung tâm đã tập trung trang bị tương đối đầy đủ các tiện nghi giảng dạy như: laptop, đèn chiếu, âm ly, loa, đài, bàn ghế, máy phát điện… đáp ứng yêu cầu giảng dạy và học tập. Theo đồng chí Huỳnh Văn Sơn, Giám đốc Trung tâm, sự quan tâm của huyện ủy, UBND trong việc hỗ trợ đầu tư sửa chữa, nâng cấp cơ sở vật chất đã góp phần tạo nên một bộ mặt mới, mang lại hiệu quả tích cực trong quá trình thực hiện nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng cán bộ đảng viên. 26 lớp với hơn 8.000 học viên tham gia học tập trong năm – con số ấy đã phản ánh rõ nét những nỗ lực không nhỏ của 7 cán bộ, chuyên viên Trung tâm, cùng đội ngũ hơn 30 giảng viên chuyên trách, kiêm chức. Từ chủ trương đúng đắn “đem lớp đến cho đối tượng học”, TTBDCT huyện Củ Chi đã thực sự tạo ra một môi trường học tập, trao đổi, phổ biến kiến thức lý luận một cách gần gũi và hiệu quả.

Một năm của sự cố gắng, nỗ lực

Năm 2011, huyện ủy Củ Chi đã xác định, định hướng hoạt động của TTBDCT, coi công tác giáo dục lý luận chính trị, tư tưởng, đào tạo, nâng cao trình độ nghiệp vụ, chuyên môn, bồi dưỡng lý luận chính trị, tập huấn kỹ năng, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên là nhiệm vụ quan trọng. Từ đó đã có sự quan tâm đặc biệt, chỉ đạo kịp thời việc tổ chức thực hiện đến tất cả các tổ chức cơ sở Đảng trong toàn Đảng bộ huyện, chỉ đạo việc phối hợp giữa TTBDCT với các ban đảng của huyện ủy, các đoàn thể chính trị xã hội của huyện để xây dựng kế hoạch giáo dục chính trị năm.

Một trong những trọng tâm trong công tác cán bộ của huyện là phải thường xuyên chú trọng đào tạo cán bộ, đảng viên, công nhân viên đạt các tiêu chuẩn theo quy định về trình độ lý luận, nghiệp vụ chuyên môn. Mặt khác, việc tập huấn, bồi dưỡng lý luận chính trị, kỹ năng cho cán bộ, hội viên, đoàn viên, nhân dân cũng có vai trò quan trọng. Nắm bắt được đặc điểm ấy, ngay từ quý 4 năm 2010, TTBDCT huyện đã chủ động tham mưu cho Thường trực huyện ủy về kế hoạch hoạt động trong năm 2011; phối hợp chặt chẽ với các ban đảng, đoàn thể chính trị dự kiến chương trình, thời gian, đối tượng dự học; thông báo đến các cơ sở đảng về kế hoạch mở lớp trong năm.

Sự phối hợp hiệu quả ấy đã góp phần đảm bảo mục tiêu “đem lớp đến cho người học” mà Trung tâm đã đặt ra. 11 lớp nhận thức về Đảng với 938 học viên, trong đó đáng chú ý có hai lớp dành cho công nhân; 4 lớp đảng viên mới cho gần 400 học viên (trong đó có một lớp dành cho công nhân); 4 lớp sơ cấp chính trị với 313 học viên là người lao động, công nhân và hội viên hội liên hiệp phụ nữ huyện; ngoài ra còn có các lớp dành cho cán bộ tuyên giáo cơ sở, lớp dành cho đối tượng là chức sắc, chức việc tôn giáo. Nhằm góp phần nâng cao kiến thức chuyên môn cho đội ngũ cán bộ, tiến tới từng bước hoàn chỉnh tiêu chuẩn hóa cán bộ cơ sở, Trung tâm cũng đã phối hợp với Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh, Đại học Luật… mở 5 lớp với trên 500 học viên. Bên cạnh đó, Trung tâm đã tập trung mở các lớp triển khai, quán triệt các nội dung: kết quả Đại hội XI cũng như nghị quyết Đại hội XI của Đảng, kết quả Hội nghị Trung ương lần thứ ba, lần thứ tư; Nghị quyết 11 của Chính phủ; vấn đề Trung Đông, Bắc phi; vấn đề biển Đông; về âm mưu “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch… Trung tâm đặc biệt chú trọng các lớp học này và coi đây là những đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng trong toàn Đảng, toàn dân. Chính vì vậy, Ban thường vụ huyện ủy cũng như hệ thống báo cáo viên tham gia đều được tập huấn khá bài bản về nội dung, trên cơ sở đó góp phần triển khai đến các cơ sở Đảng hiệu quả và thiết thực.

Những kết quả trên là sự nỗ lực của đội ngũ cán bộ, giảng viên Trung tâm, trong đó đặc biệt chú trọng việc thường xuyên đổi mới phương pháp giảng dạy. Cụ thể là:

Thứ nhất, tăng cường lồng ghép các nội dung thực tế như lịch sử Đảng bộ huyện, tình hình kinh tế xã hội và các chương trình, nghị quyết của huyện ủy-UBND huyện hằng năm, nhiệm vụ công tác tại cơ sở; chính sách tôn giáo và dân tộc của Đảng… vào các chương trình lớp nhận thức Đảng, đảng viên mới, sơ cấp chính trị. Điều này đã tác động mạnh mẽ vào nhận thức của học viên.

Thứ hai, đối với các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên môn, chương trình học tập chủ yếu là bồi dưỡng kỹ năng thực hành, như bồi dưỡng công tác kỹ năng sinh hoạt đối với đoàn thể, chương trình kiểm tra giám sát, kiến thức quốc phòng, chính trị hè… tạo cho người học sự hưng phấn khi các kỹ năng ấy gắn liền với thực tiễn công việc họ đang làm.

Thứ ba, tăng thời gian thảo luận tại lớp theo tổ, nhóm, tạo không gian đối thoại hai chiều giữa học viên-giảng viên, giúp học viên có điều kiện trao đổi sự nhận thức sâu sắc về lý luận chính trị.

Thứ tư, thường xuyên xây dựng và phát phiếu điều tra việc dạy và học, việc tổ chức quản lý lớp để học viên góp ý đối với đội ngũ giảng viên, cũng như với Trung tâm. Từ đó rút kinh nghiệm trong công tác giảng dạy và bố trí lớp học.

“Mang lớp đến cho người học” – Cách làm hay cần nhân rộng

Nhấn mạnh về những việc đã làm trong năm 2011, đồng chí Huỳnh Văn Sơn, giám đốc Trung tâm BDCT huyện Củ Chi chia sẻ với chúng tôi: “Điều quan tâm nhất với mỗi cán bộ, giảng viên Trung tâm, đó là phải làm sao mang được lớp học đến cho người học, chứ không phải là tìm học viên để đưa họ vào lớp mà không phù hợp với họ”. Thực tế đã chứng minh, cách làm này là đúng đắn.

Các lớp học của Trung tâm luôn được bố trí, phân chia theo đúng khối ngành, lĩnh vực như: lớp dành cho khối xã, thị trấn; lớp dành cho khối công nhân viên chức khối huyện; lớp dành cho công nhân trong các doanh nghiệp, đội ngũ giáo viên… trên cơ sở đó, có điều kiện đi sâu vào nội dung giảng dạy phù hợp hơn cho các đối tượng dự học.

Ví dụ điển hình nhất là hai lớp nhận thức về Đảng, một lớp đảng viên mới và hàng chục lớp sơ cấp lý luận chính trị dành cho công nhân đều được bố trí học vào ban đêm hoặc thứ bảy, chủ nhật hàng tuần, tạo điều kiện cho họ vừa đảm bảo việc làm vào ban ngày, thậm chí làm ca, kíp, nhưng vẫn theo học được đều đặn. Vừa giảng dạy theo giáo trình của Ban Tuyên giáo Trung ương, giảng viên các lớp vừa bổ sung thêm, lồng ghép thêm nội dung các chuyên đề khác như: chuyên đề chủ nghĩa yêu nước, chuyên đề về lịch sử Đảng bộ huyện, bố trí thời gian thảo luận để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, giải đáp thắc mắc cho học viên. Với cách giảng dạy phù hợp đối tượng, giảng viên tâm huyết, nhiệt tình, thời gian học tập phù hợp nên tỷ lệ nghỉ học của các lớp dành cho công nhân gần như không có. Phó Giám đốc Trung tâm - đồng chí Nguyễn Văn Hưng nói thêm với chúng tôi: “Có hôm lãnh đạo Trung tâm vào lớp kiểm tra đột xuất, thấy anh em còn mặc nguyên quần áo công nhân ngồi nghe chăm chú. Thấy mà mừng rơi nước mắt”.

Không chỉ có vậy, việc duy trì thường xuyên các buổi thời sự chuyên đề, cung cấp thông tin trong nước và quốc tế đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của đội ngũ cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên ở cơ sở. Có những buổi nói chuyện tại hội trường Trung tâm, 500 chỗ ngồi chật cứng, mọi người đến để nắm thông tin, chia sẻ và được nghe giảng viên giải đáp thắc mắc cặn kẽ. Và rồi chính những người nghe ấy lại trở thành những tuyên truyền viên tích cực về phổ biến tại thôn, xóm ấp của mình về những gì đã tiếp thu.

Hồ hởi, phấn khởi chia sẻ với chúng tôi về những kết quả mà Trung tâm đã đạt được trong năm qua, các đồng chí trong Ban lãnh đạo cũng chia sẻ về những băn khoăn trong thời gian tới. Từ việc Trung ương cần hoàn thiện các giáo trình lý luận cho phù hợp với tinh thần Nghị quyết Đại hội lần thứ XI của Đảng đến việc thiếu kinh phí trong tổ chức các chuyến đi khảo sát, trao đổi kinh nghiệm tại các địa phương – tạo vốn “thực tiễn” cho cán bộ, giảng viên kiêm chức của Trung tâm…

Khó khăn phía trước còn nhiều, nhưng chúng tôi cảm nhận được, và tin tưởng với nhiệt huyết, trí tuệ, sự đoàn kết, đồng lòng và quan trọng là với tư duy đúng, hướng đi đúng, TTBDCT huyện Củ Chi sẽ tiếp tục là lá cờ đầu trong công tác giáo dục lý luận chính trị của Thành phố Hồ Chí Minh./.

Minh Huế

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất