Đảng bộ tỉnh Quảng Trị hiện có 50 đồng chí
trong Ban Chấp hành, trong đó có 12 đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh
ủy. Hằng năm, trong cuộc họp tổng kết công tác xây dựng Đảng, Ban Thường
vụ dành một thời gian nhất định để đánh giá, chấm điểm cán bộ. Trong
nhiệm kỳ này, lần đầu các ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh trực tiếp
đánh giá và chấm điểm đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, các đồng chí trong Thường
trực Tỉnh ủy. Ban Thường vụ Tỉnh ủy nghiên cứu kết quả chấm điểm của
Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh gắn với kiểm điểm cá nhân để bỏ phiếu chấm
điểm, xếp loại các đồng chí trong Thường trực Tỉnh ủy. Việc chuẩn bị bản
tự kiểm điểm của các đồng chí trong Thường trực Tỉnh ủy là nghiêm túc,
đánh giá sát các mặt: phẩm chất đạo đức, lối sống; năng lực công tác;
những hạn chế, khuyết điểm và giải pháp khắc phục.
Mặt khác, những ý kiến đóng góp của các đồng chí trong Ban Chấp hành
Đảng bộ tỉnh đối với các đồng chí trong Thường trực Tỉnh ủy là đúng mực,
chân thành, từ nhận xét về mặt ưu điểm cũng như khuyết điểm, hạn chế.
Trong quá trình thảo luận, không khí sôi nổi và nghiêm túc, có những ý
kiến góp ý thẳng thắn, kể cả góp ý về phong cách điều hành, chỉ đạo công
việc cụ thể hằng ngày, cũng có ý kiến trao đổi về mặt cá tính của mỗi
đồng chí trong Thường trực Tỉnh ủy; nhưng khi chấm điểm cho mỗi đồng chí
thì rất tập trung. Từ số phiếu được công bố tại cuộc họp, mỗi đồng chí
trong Thường trực Tỉnh ủy có thể đối chiếu kết quả tự chấm điểm với kết
quả chấm điểm của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh…
Để đánh giá tổng thể hiệu quả việc Thường trực Tỉnh ủy kiểm điểm trực
tiếp hằng năm trước Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh có thể phải chờ đến dịp
tổng kết vào cuối nhiệm kỳ. Nhưng qua kết quả ban đầu, chúng tôi nhận
thấy, đây là việc làm thể hiện bản lĩnh của người đứng đầu cấp ủy địa
phương, của tập thể Thường trực Tỉnh ủy, dám nghĩ, dám làm, dám chịu
trách nhiệm và chịu sự giám sát của tập thể, trước hết là Ban Chấp hành
Đảng bộ tỉnh. Mặt khác, qua việc tự phê bình và phê bình, mỗi đồng chí
trong Thường trực Tỉnh ủy có thể tự điều chỉnh bản thân, hoàn thiện
chương trình công tác để làm tròn nhiệm vụ được giao. Những ưu, khuyết
điểm của các đồng chí trong Thường trực Tỉnh ủy được công khai hằng năm
trong cuộc họp tổng kết công tác xây dựng Đảng, thể hiện trách nhiệm nêu
gương, góp phần xây dựng tình đoàn kết, thống nhất trong Thường trực
Tỉnh ủy, từ đó có tác dụng tạo sự đoàn kết, thống nhất trong Ban Chấp
hành Đảng bộ và trong toàn thể Đảng bộ tỉnh…
Cùng với việc kiểm điểm trực tiếp trước Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh,
việc đánh giá hoạt động lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của Ban Thường vụ
Tỉnh ủy, của Thường trực Tỉnh ủy còn được thể hiện qua kênh thăm dò dư
luận xã hội, do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy thực hiện. Kết quả điều tra dư
luận xã hội trong các năm 2017, 2018 cho thấy, phần lớn các nhiệm vụ mà
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 16 đề ra đều được các tầng lớp
nhân dân đánh giá có chuyển biến tốt. Trong công tác xây dựng Đảng, chỉ
số đánh giá cao do nhân dân bình chọn năm 2017 đạt tỷ lệ 67,2%, năm 2018
đạt tỷ lệ 70%.
Cũng ngay từ đầu nhiệm kỳ 2015-2020, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Trị
quan tâm xây dựng Quy chế đánh giá cán bộ, công chức diện Ban Thường vụ
Tỉnh ủy quản lý và Bộ tiêu chí đánh giá cán bộ đối với các chức danh do
Ban Thường vụ Tỉnh ủy trực tiếp nhận xét, đánh giá. Quy chế và Bộ tiêu
chí xác định rõ tiêu chuẩn, tiêu chí đánh giá cán bộ kèm theo các thang
điểm cụ thể; kết hợp cả phương pháp đánh giá theo nhận xét với phương
pháp đánh giá theo tiêu chuẩn và cho điểm, mở rộng thành phần tham gia ý
kiến, cho nên việc đánh giá cán bộ được đúng và sát hơn, khắc phục tình
trạng chung chung.
Nét nổi bật của việc thực hiện Quy chế và Bộ tiêu chí đánh giá cán bộ
là đẩy mạnh phân cấp thẩm quyền đánh giá cán bộ cho các đảng đoàn, ban
cán sự đảng, tập thể lãnh đạo địa phương, đơn vị. Nếu như trước đây Ban
Thường vụ Tỉnh ủy phải kết luận nhận xét, đánh giá đối với hơn 420
trường hợp thì sau khi triển khai Quy chế chỉ kết luận, nhận xét, đánh
giá 90 trường hợp, giảm 78,57%; số cán bộ còn lại giao cho huyện ủy, thị
ủy, thành ủy, đảng đoàn, ban cán sự đảng đánh giá và chấm điểm. Quy
trình đánh giá được thực hiện dân chủ, công khai, minh bạch, thể hiện
một cấp độ cao hơn.
Các cơ quan, đơn vị, địa phương tổ chức thực hiện Quy chế đánh giá
cán bộ công khai, đúng đối tượng, nguyên tắc, yêu cầu. Đánh giá cán bộ
theo Bộ tiêu chí bước đầu phản ánh được năng lực, mức độ tín nhiệm cán
bộ được đánh giá, góp phần khắc phục tình trạng chung chung trong việc
nhận xét, đánh giá và xác định cụ thể mối liên hệ giữa kết quả của tập
thể và trách nhiệm của cá nhân.
Các kết luận và phân loại cán bộ đúng và
sát hơn nhờ việc kết hợp cả phương pháp đánh giá theo nhận xét với
phương pháp đánh giá theo tiêu chí và cho điểm. Nếu như trước đây, hầu
hết cán bộ diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý được xếp loại hoàn thành
xuất sắc nhiệm vụ thì đến nay, khi thực hiện quy chế đánh giá cán bộ, số
cán bộ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ giảm; năm 2018, tỷ lệ hoàn thành
xuất sắc nhiệm vụ trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy là 2 trong số 13 đồng chí
(tỷ lệ 15,3%); cấp huyện cũng giảm tương tự như cấp tỉnh. Không có
trường hợp nào đơn vị không hoàn thành nhiệm vụ mà có cá nhân người đứng
đầu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Đây cũng là kênh quan trọng để có cơ
sở áp dụng chế tài đối với đảng viên có mức độ tín nhiệm thấp và được
đánh giá thấp.
Trên cơ sở làm tốt công tác đánh giá cán bộ, trong hơn nửa nhiệm kỳ
qua, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Trị đã tập trung chỉ đạo hoàn thành
việc điều chỉnh, bổ sung quy hoạch cán bộ cấp tỉnh, cấp huyện giai đoạn
2015-2020; hoàn thành xây dựng quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp
tỉnh, cấp huyện, các sở, ngành nhiệm kỳ 2020-2025; chỉ đạo các địa
phương, cơ quan, đơn vị thường xuyên điều chỉnh, bổ sung quy hoạch những
nhân tố mới, cán bộ trẻ có triển vọng, cán bộ nữ, cán bộ dân tộc thiểu
số.
Công tác bổ nhiệm, bố trí, điều động, luân chuyển cán bộ được thực
hiện đúng quy trình, công khai, minh bạch, dân chủ; khắc phục tình trạng
khép kín trong công tác cán bộ. Ban Thường vụ Tỉnh ủy và các cấp ủy
đảng thực hiện có hiệu quả chủ trương bố trí các chức danh chủ chốt cấp
huyện không là người địa phương; làm tốt công tác quản lý cán bộ, chấn
chỉnh các sai sót, vi phạm; chủ động hơn trong đánh giá, bố trí, sử dụng
cán bộ./.