Thứ Năm, 19/9/2024
Đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống
Thứ Ba, 10/9/2019 14:11'(GMT+7)

Chủ động, trách nhiệm tổ chức triển khai Nghị quyết 50-NQ/TW

Công nhân làm việc tại Nhà máy sản xuất linh kiện điện tử Foster (Khu công nghiệp Tịnh Phong, Quảng Ngãi). (Ảnh minh họa)

Công nhân làm việc tại Nhà máy sản xuất linh kiện điện tử Foster (Khu công nghiệp Tịnh Phong, Quảng Ngãi). (Ảnh minh họa)

Tháng 12-1987, Quốc hội thông qua Luật ÐTNN tại Việt Nam. Ðây là sản phẩm đầu tiên của công cuộc đổi mới và cũng là đạo luật đầu tiên cho hoạt động thu hút và sử dụng nguồn vốn ÐTNN trên nguyên tắc cơ bản của kinh tế thị trường và nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền, tuân thủ pháp luật Việt Nam, bình đẳng và các bên cùng có lợi.

Ngay tại thời điểm đó, Luật đã điều chỉnh không chỉ những vấn đề có liên quan đến hình thức, lĩnh vực, địa bàn đầu tư, chính sách áp dụng đối với ÐTNN, mà còn quy định cả việc thành lập, tổ chức và quản lý hoạt động của các doanh nghiệp có vốn ÐTNN. Luật ÐTNN năm 1987 liên tục được sửa đổi, bổ sung ở các mức độ khác nhau vào các năm 1990, 1992, 1996, 2000 và được Quốc hội ban hành, trở thành Luật Ðầu tư năm 2005.

Những nội dung của Luật ÐTNN trước đây và Luật Ðầu tư hiện nay luôn là sự thể chế hóa đường lối, quan điểm đổi mới của Ðảng về kinh tế đối ngoại và hợp tác đầu tư với nước ngoài. Theo đó, tư tưởng chỉ đạo nhất quán là thông qua việc xây dựng và hoàn thiện Luật Ðầu tư để tạo dựng khung pháp lý ngày một rõ ràng, thông thoáng, thuận lợi hơn cho đầu tư và kinh doanh, tăng cường sự liên kết giữa kinh tế có vốn ÐTNN với kinh tế trong nước, xây dựng một khung pháp lý thống nhất, phù hợp với thông lệ quốc tế và các cam kết quốc tế của Việt Nam, tiếp tục được thực hiện trên nguyên tắc bình đẳng, cùng có lợi, và nhất thiết phải phù hợp với từng giai đoạn phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam, cũng như bối cảnh quốc tế và thực trạng ÐTNN tại Việt Nam.

Nhìn lại hơn 30 năm thu hút và sử dụng ÐTNN kể từ tháng 12-1987 đến nay, có thể khẳng định, Việt Nam rất thành công trong thu hút và sử dụng ÐTNN. Nhưng bên cạnh các thành công đó, việc thu hút, quản lý hoạt động ÐTNN của Việt Nam vẫn còn những hạn chế, yếu kém và phát sinh những vấn đề mới phức tạp liên quan đến chất lượng, hiệu quả, đến quốc phòng - an ninh… bởi tính hai mặt của dòng vốn ÐTNN và do hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về ÐTNN còn hạn chế.

Các hạn chế, bất cập đã được chỉ ra nhiều năm qua nhưng chưa khắc phục được hết do nhiều nguyên nhân, trong đó nguyên nhân chủ quan được xác định là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến thể chế, chính sách về ÐTNN chưa theo kịp yêu cầu phát triển. Nếu không được hoàn thiện sớm, sẽ làm chệch định hướng thu hút ÐTNN, cũng như không thể có được dòng vốn ÐTNN chất lượng, hiệu quả cao như chúng ta mong muốn khi thực hiện chiến lược phát triển bền vững của Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020 và những năm sau đó.

Trước diễn biến khó lường của kinh tế chính trị thế giới, cùng với nhu cầu rất cao về vốn ÐTNN cho phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn đến năm 2030, Việt Nam nhận thức rất rõ việc phải nâng cao chất lượng và hiệu quả ÐTNN, ngăn chặn được các dự án xấu, các nhà đầu tư không thiện chí và phải loại bỏ các hạn chế, yếu kém của ÐTNN, sử dụng các đòn bẩy chính sách để hướng ÐTNN vào các lĩnh vực mà Việt Nam mong muốn, tạo nên giá trị gia tăng, năng suất cao hơn, tăng cường liên kết với doanh nghiệp trong nước, bảo đảm ÐTNN sẽ góp phần phát triển bao trùm và bền vững đối với nền kinh tế nhưng Việt Nam vẫn giữ vững tính độc lập và tự chủ của nền kinh tế.

Trong bối cảnh đó, Nghị quyết 50-NQ/TW của Bộ Chính trị được ban hành vào đúng thời điểm cần thiết và có tầm quan trọng đối với tiến trình đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế và hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa của nước ta trong thời kỳ mới, cũng như để cộng đồng quốc tế thấy rõ sự nhất quán trong chính sách thu hút ÐTNN của Ðảng và Nhà nước ta và Việt Nam tiếp tục là điểm đến tin cậy của các nhà ÐTNN.

Nghị quyết 50-NQ/TW của Bộ Chính trị đặt ra đòi hỏi rất cao đối với bộ máy quản lý nhà nước về ÐTNN cũng như đối với tất cả các bộ, ngành liên quan và các địa phương trong việc hoàn thiện thể chế, chính sách nâng cao chất lượng, hiệu quả ÐTNN trong giai đoạn tới.

Nghị quyết đã xác định mục tiêu tổng quát là tạo lập môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh thuộc nhóm ASEAN 4 trước năm 2021; thuộc nhóm ASEAN 3 trước năm 2030; mục tiêu cụ thể là vốn đăng ký giai đoạn 2021 - 2025: 150 đến 200 tỷ USD (30 đến 40 tỷ USD/năm); giai đoạn 2026 - 2030: 200 đến 300 tỷ USD/năm (40 đến 50 tỷ USD/năm); vốn thực hiện giai đoạn 2021 - 2025: 100 đến 150 tỷ USD/năm (20 đến 30 tỷ USD/năm); giai đoạn 2026 - 2030: 150 đến 200 tỷ USD/năm (30 đến 40 tỷ USD/năm)…

Để thực hiện được các mục tiêu cao như vậy, trong đó có nhiều mục tiêu có thời gian thực hiện rất ngắn, cần hoàn thành trước năm 2021, Nghị quyết 50-NQ/TW đã đề ra năm quan điểm chỉ đạo và bảy nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu, trong đó có ba quan điểm chỉ đạo có tính chất đặc biệt quan trọng so với cách đặt vấn đề trước đây: Chủ động thu hút, hợp tác ÐTNN có chọn lọc, lấy chất lượng, hiệu quả, công nghệ và bảo vệ môi trường là tiêu chí đánh giá chủ yếu; Ða phương hóa, đa dạng hóa đối tác, hình thức đầu tư,… bảo đảm quốc phòng, an ninh,…nâng cao tính độc lập tự chủ của nền kinh tế; Tăng cường sự lãnh đạo của Ðảng, hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước…

Trong bảy nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu nêu trong Nghị quyết 50-NQ/TW, cũng như từ thực trạng bất cập, hạn chế, yếu kém của ÐTNN đến nay, cho thấy trước mắt cần tập trung vào bốn nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu sau: Hoàn thiện thể chế, chính sách thu hút đầu tư; Hoàn thiện thể chế, chính sách quản lý, giám sát đầu tư; Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về ÐTNN; Tăng cường sự lãnh đạo của Ðảng. Trên cơ sở các quan điểm chỉ đạo và nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu tại Nghị quyết 50-NQ/TW, cần tiếp tục nghiên cứu sâu để xác định được các đề án cụ thể tương ứng với từng nhiệm vụ, giải pháp nhằm có thể tổ chức thực hiện Nghị quyết này phù hợp với quan điểm chỉ đạo và thời hạn hoàn thành đặt ra.

Ðể Nghị quyết 50-NQ/TW nhanh chóng đi vào cuộc sống, đòi hỏi các cơ quan quản lý nhà nước về ÐTNN, các bộ, ngành liên quan, các địa phương phải chủ động với tinh thần trách nhiệm cao. Bên cạnh đó, cần chú ý tuyên truyền, phổ biến một cách dễ hiểu, thiết thực về nội dung, ý nghĩa của Nghị quyết đến cộng đồng doanh nghiệp trong nước và nước ngoài, đến người lao động trong các doanh nghiệp có vốn ÐTNN nói riêng và xã hội nói chung nhằm nâng cao nhận thức đúng, đầy đủ và nhất quán về vị trí, vai trò của ÐTNN đối với nền kinh tế Việt Nam. Như vậy sẽ tăng cường được sự giám sát của xã hội đối với hoạt động ÐTNN tại Việt Nam, góp phần vào nâng cao chất lượng, hiệu quả ÐTNN./.

TS. Phan Hữu Thắng (nhandan.com.vn)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất