Đây là tuyên bố của ông Motononi Tsuno, Trưởng Đại diện cao cấp của Cơ quan hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) tại Việt Nam trong buổi họp báo sáng 31-3.
Xin giới thiệu với bạn đọc cuộc trao đổi của phóng viên báo Nhân Dân với ông Motononi Tsuno về các dự án này.
P.V: Ông có thể cho biết rõ hơn về Lễ ký kết Công hàm được thực hiện sau khi nguồn vốn vay ODA của Nhật Bản cho Việt Nam được quyết định nối lại?
Ông Motononi Tsuno: Ngày hôm nay, tại Hà Nội diễn ra Lễ ký kết Công hàm trao đổi giữa đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam Sakaba Matsuo và Bộ trưởng Bộ Kế hoạch đầu tư Võ Hồng Phúc liên quan đến 4 dự án vốn vay ODA với tổng trị giá 83,2 tỷ yên (tương đương 900 triệu USD). Đón nhận sự kiện này, tại Văn phòng chính của JICA tại Tokyo, lễ ký kết 4 dự án này sẽ được tiến hành giữa Chủ tịch Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) Ogata Sadako và Thứ trưởng Bộ tài chính Việt Nam Đỗ Hoàng Anh Tuấn.
Đây là lễ ký kết đầu tiên sau khi nguồn vốn ODA của Nhật Bản cho Việt Nam được nối lại. Tôi vô cùng vui mừng khi nguồn vốn được nối lại.
P.V: Bốn dự án mới vốn vay ODA cho Việt Nam lần này, cụ thể là gì, thưa ông?
Ông Motononi Tsuno: Các dự án vốn vay ODA đựơc ký kết hôm nay cũng là dự án vốn vay đầu tiên của Văn phòng JICA mới cho Việt Nam. Phương châm của JICA mới là phát huy hơn nữa khả năng của mình để tiến hành viện trợ một cách thống nhất thông qua các hoạt động hợp tác kỹ thuật nhằm tăng cường thể chế tổ chức, đào tạo nguồn nhân lực cần thiết để thực hiện các chương trình, dự án.
Đối tượng vốn vay là 4 dự án với tổng trị giá là 83,2 tỷ yên, tương đương 900 triệu USD. Chúng tôi đặc biệt nhấn mạnh tới Dự án đầu tiên xây dựng tuyến đường sắt nội đô thành phố Hà Nội nối Nam Thăng Long với Trung tâm Hà Nội, đoạn đường Trần Hưng Đạo, với trị giá gần 14,7 tỷ yên.
Tại thủ đô Hà Nội, do ảnh hưởng của sự phát triển kinh tế, lưu lượng giao thông đang gia tăng nhanh chóng dẫn đến giao thông ùn tắc, tai nạn giao thông xảy ra thường xuyên và ô nhiễm môi trường trầm trọng. Tình trạng này đòi hỏi phải cải thiện một cách đồng bộ hệ thống giao thông công cộng đô thị.
Cho tới nay, một trong những lĩnh vực ưu tiên của JICA là cải thiện cơ sở hạ tầng tại các địa phương, phát triển ngành điện và giao thông. Do vậy, dự án tín dụng chuyên ngành giao thông nhằm cải thiện mạng lưới đường quốc gia giai đoạn 1 (9,5 tỷ yên) là một trong hoạt động đó. Thông qua các hoạt động sửa chữa và thay thế các cầu được ưu tiên và có tính kinh tế cao tại khu vực nông thôn.
Ngoài ra, hai dự án thoát nước cải thiện môi trường và hỗ trợ chống ngập lụt tại Hà Nội và Hải Phòng.
P.V: Được biết dự án cải thiện môi trường ở Hà Nội lân này là dự án tiếp theo của dự án giai đoạn 1, đã kết thúc vào năm 2005, ông có thể nói rõ hơn kế hoạch của dự án và những mong muốn của JICA cho môi trường thủ đô?
Ông Motononi Tsuno: Đúng vậy. Trong giai đoạn 1 của Dự án thoát nước cải thiện môi trường Hà Nội, JICA đã tiến hành cải tạo một số sông hồ lớn trong thành phố, xây dựng trạm bơm (hồ điều tiết Yên Sở, trạm bơm Yên Sở).
Tuy nhiên, do thiếu hệ thống thoát nước nên mỗi lần mưa lớn là Hà Nội thường xuyên bị thiệt hại do ngập nước. Điều đó là nguyên nhân chính làm cho môi trường sinh hoạt ngày càng xấu đi.
Bản thân tôi sống ở Hà Nội nhiều năm cũng thấy rằng, mức độ và tần suất số lần ngập lụt ở Hà Nội cũng đã giảm đi nhiều so với trước đây. Đáng chú ý là trận ngập vào tháng 10-2008, nếu không có trạm bơm Yên Sở thì thiệt hại cho Hà Nội còn nặng nề hơn.
Dự án lần này sẽ tiến hành cải thiện môi trường lưu vực sông trong thành phố, xây dựng trạm bơm Yên Sở với công suất thoát nước gấp đôi hiện nay, tức là 90m3/giây, nhằm cải thiện tình trạng ngập úng và cải thiện môi trường tại Hà Nội. Hy vọng, đến năm 2013 hoàn thành giai đoạn 2, Hà Nội sẽ không còn bị ngập nữa nếu gặp phải trận mưa lịch sử 10 năm mới có một lần như thế.
Bằng việc xây dựng nhà máy xử lý nước thải quy mô bậc trung tiếp theo nhà máy xử lý nước thải được xây dựng thí điểm trong giai đoạn 1 (3,044 tỷ yên) phục vụ cho thiết kế chi tiết, dự án vốn vay lần này sẽ xây dựng nhà máy xử lý nước thải.
P.V: Thưa ông, vậy, dể các dự án vốn vay ODA này có thể hoàn thành đúng kế hoạch và bảo đảm chất lượng, yêu cầu nào đặt ra đối với phía Việt Nam và có khác so với các dự án trước đây không? Với vai trò giám sát, JICA sẽ làm gì để các dự án này thực hiện đúng tiến độ và hiệu quả?
Ông Motononi Tsuno: Trước hết là tuyển chọn tư vấn, thiết kế chi tiết, đấu thầu, xây dựng dự án. Đối với tiến độ dự án xây dựng tàu điện ngầm đầu tiên ở Hà Nội, Việc giải phóng mặt bằng và chi trả cho người dân tốn thời gian hơn dự tính. Việc giải phóng mặt bằng là rất quan trọng để nhanh chóng hoàn thiện công trình. Việc xây dựng dự án này sẽ kéo dài từ giữa 2011 và hoàn tất vào năm 2014.
Chúng tôi áp dụng kỹ thuật xây dựng tàu điện ngầm ở Nhật Bản vào tuyến đường sắt này. Nhật Bản từng thành công xây dựng tuyến tàu điện ngầm tại Thailand, và hai thành phố Calcutta, New Dehli, Ấn Độ.
"Chương trình thực hiện các dự án này không khác so với trước đây. Việc công khai giúp cho việc nâng cao tính minh bạch trong quá trình tuyển chọn nhà thầu. Việc tuyển chọn tư vấn nhà thầu căn cứ vào tư vấn tuyển chọn do JICA ban hành. Về phía vai trò giám sát của JICA, chúng tôi sẽ rút ra bài học kinh nghiệm, xem xét thủ tục trong quá trình tham gia đấu thầu cho các dự án sắp tới”. Ông Motononi Tsuno. |
Tuy nhiên, sau khi hoàn tất, công trình này sẽ được dùng thử trong một thời gian và chính thức vận hành vào tháng 1-2016. Sau khi xây dựng xong, phải có cơ chế vận hành khai thác thích hợp. Việc lập ra cơ chế vận hành khai thác cũng đặt ra yêu cầu quan trọng đối với thành phố Hà Nội. Trong dự kiến khoảng thời gian 2016-2020, chúng tôi sẽ hỗ trợ vận hành khai thác trong thời gian đầu. Chúng tôi sẽ xem xét hợp tác hỗ trợ kỹ thuật đối với dự án nếu cần thiết.
Tuy nhiên, cần tăng cường giám sát chặt chẽ, tăng cường tính cạnh tranh cao hơn. JICA sẽ giám sát xem các biện pháp thực hiện, kết quả thực hiện có hiệu quả hay không và sẽ đề xuất với phía Việt Nam.
P.V: Ông đánh giá thế nào về những đóng góp của các dự án vốn vay ODA của Nhật Bản trước đây cho sự phát triển kinh tế xã hội ở Việt Nam?
Ông Motononi Tsuno: JICA đã và đang trang bị cơ sở hạ tầng giao thông cho thành phố bằng việc cải tạo các nút giao thông, xây dựng cầu đường, cầu Thanh Trì, cầu Nhật Tân… nhằm trang bị các tuyến đường vành đai cho Hà Nội. Hơn nữa, trong năm 2007, JICA đã bắt đầu thực hiện viện trợ vốn vay cho Dự án xây dựng tuyến đường sắt nội đô thành phố Hà Nội nhằm xây dựng tuyến đường sắt trên cao trong thành phố. Dự án lần này sẽ hỗ trợ xây dựng tuyến đường sắt ngầm đầu tiên tại Hà Nội.
Trong vòng 15 năm qua, Nhật Bản tiến hành cho Việt Nam vay vốn, phần nào đã cải thiện hệ thống giao thông và phát triển kinh tế xã hội ở Việt Nam. Nhiều công trình hoàn thành. Các Bộ Giao thông vận tải, Kế hoạch-Đầu tư có nhiều kinh nghiệm, tiến hành giải ngân nhanh hơn so với trước. Tuy nhiều công trình ở Hà Nội, thành phố Hồ Chí Mính gặp nhiều khó khăn, các công trình tiến triển tương đối chậm.
JICA đề xuất với các Bộ Giao thông vận tải, Bộ Xây dựng, Bộ Kế hoạch-Đầu tư giúp cho các thành phố này về việc xây dựng các công trình nhanh chóng hơn.
Năm tài khóa thường bước đầu vào cuối tháng 4 và kết thúc cuối tháng 3. Mặc dù xảy ra vụ việc PCI nhưng kết quả thực hiện các dự án vốn vay ODA cũng là 67,4 tỷ yên. Con số này gần bằng con số đề ra.Việc phòng chống tham nhũng phải được thực hiện tốt. Việc điều tra, xét xử cũng có ảnh hưởng đối với việc xem xét cho vay vốn của chúng tôi trong tương lai.
P.V: Vậy, mục tiêu hướng tới của các dự án vốn vay ODA của Nhật Bản cho Việt Nam trong tương lai là gì, thưa ông?
Ông Motononi Tsuno: Hiện nay, để vượt qua được ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế toàn cầu và tiếp tục đạt đựơc tăng trưởng kinh tế bền vững, Việt Nam cần phải tăng cường hơn nữa năng lực cạnh tranh kinh tế bằng việc trang bị cơ sở hạ tầng và cải thiện môi trường đầu tư.
Hơn nữa, Việt Nam cũng cần phải tập trung vào việc giải quyết những vấn đề giao thông đô thị, ô nhiễm môi trường và thu hẹp khỏang cách gìau nghèo, mặt trái của tăng trưởng kinh tế.
Việc thực hiện thành công những dự án vốn vay mới được ký kết trong ngày hôm này sẽ góp phần hỗ trợ Việt Nam giải quyết những vấn đề khó khăn trên và giúp tạo công ăn việc làm tại các địa phương.
Với tỷ lệ tăng trưởng kinh tế khoảng 8%/năm cho tới gần đây cùng với sự kiện Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) vào năm 2007 và đầu tư nước ngoài đặc biệt là Nhật Bản ngày càng tăng, Việt Nam là đối tác chiến lược quan trọng của Nhật Bản trong số các nứơc châu Á. Hy vọng các vốn vay cho Việt Nam sẽ được thực hiện nhiều hơn trong quá khứ.
Trong bối cảnh khó khăn của nền kinh tế toàn cầu, việc thúc đẩy các dự án vốn vay ODA góp phần vào việc hỗ trợ phát triển kinh tế địa phương, cải thiện lưu thông hàng hóa và thu hẹp khoảng cách giàu nghèo giữa nông thôn và thành thị.
P.V: Xin chân thành cảm ơn ông.
Dự án đầu tiên xây dựng tuyến đường sắt nội đô thành phố Hà Nội nối Nam Thăng Long với Trung tâm Hà Nội, đoạn đường Trần Hưng Đạo, với trị giá gần 14,7 tỷ yên. Tuyến đường sắt này dài 11,5 km, trong đó có 3 km là tuyến đường sắt trên cao, 8,5 km ngầm dưới mặt đất. Tuyến tàu điện ngầm này là tuyến tàu điện ngầm đầu tiên ở Hà Nội. -------------------------------- Kể từ ngày 1-10-2008, JICA trở thành một tổ chức viện trợ ODA duy nhất cùng một lúc thực hiện cả ba hình thức viện trợ: Hợp tác kỹ thuật, Viện trợ không hoàn lại và Hợp tác vốn vay. JICA mới có nguồn tài chính khoảng 10 tỷ USD trở thành một cơ quan phát triển song phương lớn nhất thế giới với phạm vi hoạt động khoảng 150 quốc gia. |
(Theo: Nhân dân ĐT)