Với tiêu đề “Việt Nam, dân tộc hòa bình,” trang mạng AcercandoNaciones
của Argentina đã đăng bài viết của nhà báo Jorge Tuero ca ngợi ý nghĩa
cuộc Cách mạng tháng Tám của dân tộc Việt Nam.
Nhà báo Tuero đồng thời là Giám đốc Tạp chí AcercandoNaciones, chuyên về
đề tài ngoại giao. Ông nhấn mạnh nói tới Việt Nam là nói tới một dân
tộc từng chiến thắng nhiều triều đại phong kiến phương Bắc, thực dân
Pháp và đội quân lê dương, đế quốc Nhật và đế quốc Mỹ.
Là một dân tộc anh hùng đã trải qua thời gian dài của nhiều cuộc chiến
tranh, nhưng điều làm nhà báo Tuero khâm phục nhất đó là dân tộc Việt
Nam luôn giành thắng lợi để bảo vệ quyền chủ quyền. Bởi lý dó đó, nhà
báo Argentina khẳng định Việt Nam là một dân tộc hòa bình.
Nhà báo Tuero đánh giá cuộc Cách mạng tháng Tám đã chấm dứt 80 năm đô hộ
của thực dân Pháp, xóa bỏ chế độ phong kiến và tái khẳng định nền độc
lập của dân tộc Việt Nam. Đây là đòn chí mạng giáng vào chủ nghĩa thực
dân, mở đầu cho phong trào giải phóng dân tộc trên toàn thế giới giành
độc lập dân tộc. Đây là sự kết hợp tài tình giữa đấu tranh chính trị và
đấu tranh vũ trang, bổ trợ qua lại và được ứng dụng uyển chuyển ở vào
từng hoàn cảnh.
Theo nhà báo Tuero, Cách mạng tháng Tám là minh chứng của việc đưa ra
sách lược đúng đắn, cũng như khả năng lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt
Nam và Mặt trận Việt Minh. Nhờ sự lãnh đạo sáng suốt và tài tình, đưa ra
những quyết sách cần thiết vào thời điểm thích hợp, kết hợp với quá
trình chuẩn bị cả về chính trị và quân sự kỹ lưỡng để đảm bảo tính đoàn
kết dân tộc, trên cơ sở khối liên minh công nông đã góp phần làm nên
chiến thắng của dân tộc Việt Nam, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ
Cộng hòa vào ngày 2/9/1945.
Nhà báo Argentina viết ngày nay Việt Nam đang phát triển và lớn mạnh
trên con đường hiện đại hóa đất nước cũng như hội nhập khu vực. Việt Nam
là một trong những thành viên tích cực của Hiệp hội các quốc gia Đông
Nam Á (ASEAN), và người dân Việt Nam với trái tim rộng mở không giữ
trong lòng hận thù chiến tranh.
Bài báo cũng đăng kèm hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn
Độc lập, hình ảnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng nhiều hình ảnh phong
cảnh đất nước và con người Việt Nam ngày nay như Vịnh Hạ Long, hang Sơn
Đoòng và Tam Cốc-Bích Động.
Kết thúc bài viết, nhà báo Tuero nhắc lại lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh
trong bản Tuyên ngôn Độc lập: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc
lập, và sự thật đã thành một nước tự do độc lập. Toàn thể dân tộc Việt
Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ
vững quyền tự do, độc lập ấy."
Trong khi đó, trên trang mạng của Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Xã hội
Argentina (CIEYS), giáo sư Oscar Natalich nhấn mạnh kể từ khi thực dân
Pháp đặt chân lên lãnh thổ nước ta, đã liên tục nổ ra các cuộc khởi
nghĩa của nhân dân Việt Nam chống lại đội quân xâm lược như phong trào
Cần Vương (1885-1889).
Ông Natalich điểm lại từng giai đoạn của cuộc kháng chiến chống thực dân
Pháp với việc Nguyễn Ái Quốc thành lập Hội Việt Nam Cách mạng Thanh
niên năm 1925, tập hợp các thanh niên yêu nước làm nòng cốt thúc đẩy
phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc.
Ngày 3/2/1930, Nguyễn Ái Quốc thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam và đề ra
cương lĩnh chính trị với giai cấp công nhân là đội tiên phong. Nhiệm vụ
của Đảng Cộng sản Việt Nam là lãnh đạo nhân dân đánh đổ chủ nghĩa thực
dân Pháp, chế độ phong kiến và tầng lớp tư sản phản động. Xây dựng chính
phủ của giai cấp công nông, bảo đảm quyền con người, quyền công dân là
được tự do, nam nữ bình quyền, phổ thông giáo dục. Giáo sư Natalich viết
với phương châm đó, Đảng Cộng sản Việt Nam đã lãnh đạo thành công Cách
mạng tháng Tám và ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình, Chủ tịch Hồ
Chí Minh đã đọc bản Tuyên ngôn Độc lập.
Còn trên trang mạng ArgenPress của Argentina, nhà báo Oscar Amado cũng
đăng Biên niên sử Việt Nam giai đoạn 1954-1975. Tác giả mở đầu bài viết
với câu nói nổi tiếng của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Không có gì quý hơn độc
lập, tự do."
Trong bài báo, tác giả Amado đã điểm lại từ giai đoạn đấu tranh chống đế
quốc Mỹ của dân tộc Việt Nam bắt đầu từ chiến thắng lịch sử Điện Biên
Phủ năm 1954, tới việc đất nước bị chia cắt tại vĩ tuyến 17; Mỹ bắt đầu
viện trợ cho chính phủ Việt Nam Cộng hòa và trực tiếp tham chiến; sự ra
đời của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam năm 1960; những cột mốc
quan trọng của cuộc kháng chiến chống Mỹ tới thắng lợi ngày 30/4/1975
của dân tộc, đất nước thống nhất; Sài Gòn được đổi tên thành Thành phố
Hồ Chí Minh./.
Theo TTXVN