Ngày 13/7, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) và Tổng cục Môi trường đã phối hợp tổ chức tọa đàm “Một số vấn đề cơ bản về bảo vệ môi trường và vai trò của TTXVN” với sự tham gia của Trưởng đại diện các tòa soạn, Trưởng phân xã TTXVN tại 23 tỉnh, thành phố phía Nam.
Phát biểu tại tọa đàm, Tổng Giám đốc TTXVN Nguyễn Đức Lợi khẳng định TTXVN thực hiện chức năng thông tấn Nhà nước trong việc phát hành tin, văn kiện chính thức của Đảng và Nhà nước, cung cấp thông tin phục vụ yêu cầu lãnh đạo của Đảng và quản lý của Nhà nước; thu thập và phổ biến thông tin bằng các loại hình báo chí phục vụ các đối tượng trong và ngoài nước theo quy định của pháp luật.
Trong đó, thông tin của Ban biên tập Tin trong nước, nhất là các phân xã trong nước có vị trí đặc biệt quan trọng, bởi mang tính định hướng cao, tạo sự đồng thuận, ủng hộ trong dư luận, đưa các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước vào cuộc sống, tạo động lực trong thực tiễn quản lý và bảo vệ môi trường bền vững trên địa bàn cả nước.
Tại buổi tọa đàm, các chuyên gia của Tổng cục Môi trường đã trình bày và thảo luận các vấn đề cấp bách về bảo vệ môi trường tại Việt Nam hiện nay, như thực trạng hiệu quả thi hành pháp luật trong lĩnh vực môi trường; chương trình mục tiêu quốc gia khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường; một số vấn đề về làng nghề và môi trường làng nghề hiện nay…
Buổi tọa đàm đã tạo cơ hội để đội ngũ phóng viên, biên tập viên của TTXVN được các nhà quản lý, chuyên gia của Tổng cục Môi trường giải đáp thấu đáo hơn một số vấn đề trọng tâm, trọng điểm trong lĩnh vực môi trường, đồng thời đây cũng là cơ sở quan trọng để TTXVN tuyên truyền sâu rộng và hiệu quả hơn nữa chiến lược, chương trình, kế hoạch về công tác môi trường; các điển hình tiên tiến, nhân tố mới, kinh nghiệm quản lý trên lĩnh vực môi trường, là nguồn tin chính thống cung cấp cho các loại hình báo chí trong và ngoài nước.
Năm 2012, Ban biên tập Tin trong nước, TTXVN đã mở Chuyên mục Môi trường Việt Nam, tập trung vào một số vấn đề chủ yếu như môi trường ở các vùng khai thác khoáng sản; ô nhiễm môi trường tại các khu, cụm công nghiệp, các đô thị, các làng nghề; môi trường nước, bảo vệ rừng đầu nguồn, đa dạng sinh học…/.
(TTXVN)