Trong giao ban đánh giá hoạt động xuất bản tại TPHCM, Sở Thông tin và Truyền thông (TT-TT) TP đã đưa ra một khái niệm lạ “in lậu hợp pháp” để nói về tình trạng nhiều nhà xuất bản (NXB) nhắm mắt ký bừa giấy phép xuất bản cho những tác phẩm không bản quyền, nội dung sai trái, thậm chí có trường hợp 4, 5 NXB cùng ký giấy phép cho một cuốn sách!
Liên kết nhiều, doanh thu ít
Tại TPHCM, trong 6 tháng đầu năm 2012 đã có khoảng 9 triệu bản sách được xuất bản, trong đó sách liên kết (SLK) xuất bản chiếm 51%. Tuy nhiên, doanh thu từ SLK chỉ chiếm khoảng 5% trong tổng doanh thu của các NXB.
Giải thích sự mâu thuẫn giữa lượng sách và doanh thu này, giám đốc một NXB đã cho biết, SLK xuất bản hiện nay hầu hết đều do đối tác đảm nhiệm hết mọi khâu, NXB chỉ thu được từ quản lý phí vài phần trăm nên dù lượng sách nhiều nhưng doanh thu thực sự từ liên kết xuất bản của các NXB không bao nhiêu.
Thế nhưng, dù không bao nhiêu thì liên kết xuất bản vẫn là nguồn sống của nhiều NXB trong nước hiện nay, đặc biệt trong tình trạng nhiều NXB không được cơ quan chủ quản cấp vốn lưu động hoặc cấp vốn cầm chừng không đủ hoạt động. NXB phải trông chờ vào các khoản thu kiếm được, dù ít ỏi như phí cấp phép xuất bản.
Với 60 NXB trên cả nước, con số những NXB không mặn mà với liên kết xuất bản chỉ đếm chưa hết đầu ngón tay, hầu hết là những tên tuổi lớn như Kim Đồng, Công an nhân dân, Chính trị Quốc gia… Còn ở các NXB khác, mức liên kết xuất bản trung bình khoảng trên 70%, cá biệt nhiều đơn vị có mức liên kết xuất bản cao như NXB Thanh Hóa, NXB Văn hóa thông tin, NXB Hồng Đức, NXB Thanh niên…
Để tồn tại, nhiều NXB đã phải tăng cường tính “cạnh tranh” bằng đủ mọi cách, các quy trình xuất bản SLK đặc biệt là khâu đọc duyệt hầu như bị bỏ qua nhằm giúp đối tác thoải mái nhất trong việc xuất bản. Kết quả của việc “thoải mái” này là bạn đọc phải ca thán về hàng loạt ấn phẩm có nội dung xấu tràn ra thị trường.
Cấp phép nhưng thiếu trách nhiệm
Trong những ngày giữa năm 2012, bạn đọc cả nước xôn xao trước sự kiện một số cuốn sách dịch của Công ty Văn hóa Truyền thông Nhã Nam gặp sai sót nghiêm trọng. Điều đáng nói ở sự kiện này là hầu như người ta chỉ nói đến Nhã Nam chứ chẳng ai nhớ các cuốn sách do NXB nào xuất bản. Sau đó, cũng chỉ có Nhã Nam đứng ra xin lỗi, bồi thường cho bạn đọc, còn NXB vẫn im hơi lặng tiếng, cứ như cấp giấy phép xuất bản xong thì mọi việc do đối tác lo, NXB hết trách nhiệm.
Đó là một thực tế hiện nay, nhiều NXB chỉ làm mỗi chuyện cấp phép xuất bản, sách có vấn đề, sách sai sót… NXB hầu như chẳng cần biết, để mặc đối tác tự xử lý. Dần dần, nhiều thương hiệu NXB mất dần uy tín với bạn đọc trong nước.
Trong khi đó, nhiều đối tác làm sách đã vất vả xây dựng hình ảnh của mình trong lòng bạn đọc. Thương hiệu của nhiều đơn vị làm sách như Phương Nam Books, Nhã Nam, ĐôngA… đã trở nên quen thuộc và trở thành bảo chứng cho chất lượng của sách. Chính vì thế, vai trò của nhiều NXB chỉ còn là cấp giấy phép, bạn đọc chỉ quan tâm đến thương hiệu đối tác liên kết chứ không quan tâm đến tên NXB. Kết quả, các NXB trở nên mất giá, không chỉ với bạn đọc mà với cả đối tác. Đối tác có thể chọn bất cứ NXB nào để làm sách trong khi một số NXB phải bám đối tác để tồn tại.
Sáp nhập hoặc ngưng hoạt động?
Về cơ bản, liên kết xuất bản phải là mối quan hệ bình đẳng giữa hai bên, một bên có giấy phép, có phương tiện xuất bản, có lực lượng biên tập; một bên có vốn, có năng lực kinh doanh, có hệ thống phát hành. Sự kết hợp đó sẽ đem lại lợi ích không chỉ cho cả hai mà còn cho cả bạn đọc. Thế nhưng, thực tế hiện nay đó lại là mối quan hệ không bình đẳng.
Chính vì thế, nhiều ý kiến cho rằng để ổn định thị trường xuất bản hiện nay cần có sự siết chặt quản lý với các NXB. Những NXB quá yếu kém về năng lực, không đạt những tiêu chí cần thiết về đội ngũ biên tập cần phải ngừng hoạt động hay sáp nhập với nhau để tồn tại.
Mặt khác, quá trình tiền kiểm, hậu kiểm cũng cần có sự chuẩn hóa, chế tài phù hợp, nghiêm khắc hơn. Nhiều NXB sách của mình đến tay bạn đọc, bị phản ánh mới biết sách có sai sót như trường hợp cuốn Thành ngữ sành điệu bằng tranh của NXB Mỹ Thuật, Những chặng đường Nam bộ kháng chiến của NXB Lao Động... Nếu khâu đọc duyệt được thực hiện tốt thì những ấn phẩm sai sót đó khó có cơ hội xuất hiện.
Quy định một đàng, thực tế một nẻo!
Để xin được giấy phép thành lập NXB, cơ quan chủ quản phải cung cấp cho Bộ TT-TT đầy đủ các loại giấy tờ, trong đó có liệt kê giám đốc, tổng biên tập, danh sách biên tập viên, trụ sở và vốn (nhưng lại không ghi rõ số vốn cần thiết). Tuy nhiên, giám đốc một NXB cho rằng, ước tính để một NXB hoạt động thực tế cần có ít nhất 10 đến 15 tỷ đồng. Nhưng thống kê cho thấy hiện nay khoảng 70% NXB có vốn chỉ ở mức 2 tỷ đồng, thậm chí có đến 20 NXB còn không được cấp vốn hoạt động. |
SGGP