Thứ Hai, 23/9/2024
Nghiệp vụ công tác tuyên giáo
Chủ Nhật, 1/7/2012 17:46'(GMT+7)

Xử lý tốt mối quan hệ giữa thông tin đối nội và thông tin đối ngoại: trách nhiệm của cơ quan báo chí và người cầm bút

PGS.TS Phạm Văn Linh- Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương. Ảnh tư liệu

PGS.TS Phạm Văn Linh- Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương. Ảnh tư liệu

1. Về quan hệ giữa thông tin đối nội và thông tin đối ngoại thông qua hệ thống các cơ quan thông tấn, báo chí

Trong thời đại ngày nay, mỗi quốc gia, dân tộc tạo dựng hình ảnh của mình bằng nhiều phương thức khác nhau, trong đó hệ thống các cơ quan thông tấn, báo chí là một kênh quan trọng. Với sự phát triển nhanh chóng của khoa học, công nghệ, loại hình thông tin này không ngừng mở rộng về phạm vi, tốc độ, hình thức và phương tiện truyền tải thông tin. Hình thức báo viết, báo nói truyền thống được bổ sung nhiều loại hình mới như báo hình, báo điện tử…với công nghệ ngày càng hiện đại. Mỗi người dân, mỗi đối tượng tiếp nhận thông tin có thể tìm kiếm những vấn đề mình quan tâm, trên các phương tiện thông tin đại chúng với nhiều sự lựa chọn khác nhau. Nhờ đó, giúp họ nâng cao nhận thức, điều chỉnh hành vi, bày tỏ quan điểm, chính kiến đối với các vấn đề, sự kiện đang diễn ra ở trong nước và thế giới, đây cũng là phương thức giải trí hiệu quả đối với mỗi người dân. Các cơ quan thông tấn, báo chí khi làm tốt chức năng, tôn chỉ của mình, chính là cầu nối thông tin của mỗi cá nhân, tập thể, Nhà nước và các quốc gia, là kênh quan trọng quảng bá hình ảnh, thúc đẩy sự phát triển kinh tế, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, gìn giữ truyền thống và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, đồng thời tiếp thu những tinh hoa văn hóa của nhân loại…

Về nguyên tắc, mỗi cơ quan thông tấn, báo chí đều có tôn chỉ, mục đích và đối tượng độc giả chính, song do sự khác nhau về lịch sử, chất lượng và các điều kiện khác mà quy mô, phạm vi ảnh hưởng, đối tượng quan tâm lại rất khác nhau. Trên thực tế, không ít những cơ quan truyền thông, báo chí có quy mô, phạm vi mở rộng không chỉ trong một nước mà nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ, nhiều đối tượng độc giả quan tâm. Xét về nội dung, có loại hình báo chí chuyên sâu từng mảng, từng lĩnh vực như chính trị, kinh tế, văn hóa, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, thể thao, giải trí… hoặc theo lứa tuổi, giới tính, thành phần, như thanh thiếu niên, phụ nữ, người cao tuổi, công nhân, nông dân, trí thức, thông tin trong nước, thông tin quốc tế… tạo nên bức tranh đa sắc mầu của hệ thống các cơ quan thông tấn, báo chí trong cả nước. Tuy nhiên, có loại hình báo chí, đặc biệt là các cơ quan thông tấn lại thông tin tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Mặt khác, xét theo thời gian, có loại báo chí phát hành theo ngày, theo tuần, theo tháng, thậm chí theo quý, xong có loại thì cập nhật thường xuyên từng giờ, từng phút nhất là các loại báo điện tử, blog, báo nói, báo hình…Hiện tượng đưa tin lại những thông tin đã sử dụng cũng diễn ra khá phổ biến. Có những thông tin các báo trong nước lấy lại của nhau, hoặc lấy lại của các hãng thông tấn, báo chí lớn của các quốc gia khác. Có những thông tin, các cơ quan báo chí bên ngoài đưa lại thông tin đã được sử dụng từ các cơ quan thông tấn, báo chí trong nước. Vì thế trong điều kiện khoa học, công nghệ phát triển mạnh mẽ như hiện nay, ranh giới giữa thông tin đối nội và thông tin đối ngoại (TTĐN) chỉ là tương đối.

Đối với mỗi quốc gia, TTĐN là việc giới thiệu, quảng bá hình ảnh của một quốc gia ra bên ngoài, qua đó làm cho bạn bè quốc tế hiểu rõ hơn về trong nước nhằm tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ từ bên ngoài, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền của đất nước. Do đó, TTĐN là những thông tin khách quan, trung thực, có chọn lọc, phù hợp từng đối tượng để giúp bạn bè quốc tế hiểu đúng, đầy đủ về tình hình đất nước, những hướng ưu tiên, những vấn đề cần quan tâm để tránh bị xuyên tạc, lợi dụng…

Thông tin đối nội là thông tin cho nhân dân mình, trong quốc gia, lãnh thổ mỗi nước, đó là bức tranh toàn cảnh về mọi mặt của đời sống xã hội hàng ngày, hàng giờ đang diễn ra. Thông tin đối nội tốt cũng trực tiếp bổ sung cho TTĐN. Trên thực tế, do tính chất thương mại hóa, một số người cầm bút, một số tờ báo chỉ thấy lợi ích trước mắt, “lợi ích nhóm” nên chỉ chú trọng khai thác những thông tin giật gân, câu khách, thông tin thỏa mãn sự hiếu kỳ của một nhóm đối tượng, v.v.. miễn sao gây được chú ý để nhiều người quan tâm, bán được nhiều báo, nhiều quảng cáo, thu được nhiều lợi nhuận, trong khi đó nhiều thông tin gương người tốt, việc tốt, thông tin chính luận, khách quan về sự phát triển mọi mặt của đất nước lại ít được khai thác. Cách tuyên truyền như vậy sẽ làm méo mó hiện thực, không có lợi cho việc giới thiệu, quảng bá hình ảnh đất nước, nhất là TTĐN.

2. Một số đánh giá về kết quả công tác TTĐN thời gian qua

Việt Nam là một đất nước đi lên từ sau hàng chục năm kháng chiến giành độc lập. Vết thương chiến tranh, sự chống phá từ một số lực lượng thù địch, cơ hội cùng với điểm xuất phát thấp là những khó khăn trong quá trình phát triển, điều đó đòi hỏi phải tăng cường hơn nữa công tác TTĐN. Từ khi đất nước thực hiện công cuộc đổi mới sâu sắc và toàn diện đến nay đã hơn 25 năm. Nhờ phát huy được sức mạnh tổng hợp của cả dân tộc và được sự đồng tình, ủng hộ to lớn từ quốc tế, nền kinh tế Việt Nam liên tục giữ được mức tăng trưởng khá, đất nước đã ra khỏi tình trạng nước nghèo và kém phát triển, xã hội ổn định, an ninh, quốc phòng được giữ vững, vị thế quốc tế không ngừng được nâng lên. Trong thành tựu chung này có một phần đóng góp tích cực của công tác TTĐN, trong đó các cơ quan thông tấn, báo chí giữ vị trí quan trọng. Nội dung cơ bản của TTĐN nước ta những năm vừa qua là: Thông tin về những chủ trương, đường lối đối mới của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước trên các lĩnh vực; thông tin về những thành tựu đã đạt được, những tiềm năng, thế mạnh của đất nước; về đất nước, con người, truyền thống lịch sử, văn hóa Việt Nam; thông tin cho cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài và thông tin phản bác các quan điểm sai trái, thù địch.

Thực tiễn công cuộc đổi mới, phát triển kinh tế- xã hội ở nước ta từ Đại hội X đến Đại hội XI cho thấy, công tác TTĐN đã góp phần to lớn vào việc xây dựng hình ảnh Việt Nam ở các quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới, đặc biệt là các địa bàn trọng điểm, nhờ đó đẩy mạnh quá trình hội nhập quốc tế của đất nước. Tại cuộc điều tra dư luận xã hội do Viện nghiên cứu dư luận xã hội, thuộc Ban Tuyên giáo Trung ương tiến hành trong năm 2009, tập trung vào các nhóm đối tượng làm công tác TTĐN ở Trung ương và một số địa phương trọng điểm, cho thấy: Nhóm vấn đề về sự nhìn nhận, đánh giá của dư luận quốc tế về tình hình Việt Nam, được tiếp cận ở 20 lĩnh vực, trong đó có 3 lĩnh vực được báo chí và dư luận quốc tế đánh giá tốt, đó là “Sự ổn định chính trị của Việt Nam”. Có 75% số ý kiến được hỏi đồng tình; “Về đường lối đổi mới và kết quả thực hiện” (61%); “Về quan hệ đối ngoại của Việt Nam” (56%).

Đánh giá về những nỗ lực của công tác TTĐN trong việc thông tin, tuyên truyền về một số chủ trương, đường lối đổi mới của Đảng, Nhà nước, qua các số liệu điều tra cho thấy, có 59% số ý kiến đồng tình và đánh giá cao, cho rằng: “Đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa, sẵn sàng là bạn, là đối tác tin cậy, là thành viên có trách nhiệm với cộng đồng quốc tế”, chủ trương “Chủ động, tích cực hội nhập quốc tế và mở rộng hợp tác quốc tế trên các lĩnh vực”; chủ trương “Khép lại quá khứ, hướng tới tương lai”; chủ trương “Đại đoàn kết toàn dân tộc”, đã được thông tin nhiều với bạn bè quốc tế.

Đánh giá về nỗ lực của công tác TTĐN trong việc thông tin về lập trường kiên quyết bảo vệ sự toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ, không phận, biển, đảo của Đảng, Nhà nước ta, có 58% số người được hỏi cho rằng, TTĐN đã làm tốt vấn đề này. Bên cạnh đó, khi đánh giá về việc phát huy lợi thế của các lực lượng, nhân tố để chuyển tải, cung cấp cho thế giới những thông tin trung thực, chính thống về tình hình Việt Nam, trong số 15 loại hình thông tin chủ yếu, thì các cơ quan thông tấn, báo chí chủ lực được 45% số người được hỏi xếp loại tốt, tức là đứng thứ 2 trong số các loại hình này.

Những thành tựu chủ yếu của công tác TTĐN có thể khái quát ở những điểm chính như sau:

Nội dung thông tin phong phú hơn, phương thức hoạt động đã có sự đổi mới, linh hoạt hơn, bước đầu áp dụng các công nghệ hiện đại trong công tác TTĐN; các lực lượng tham gia công tác TTĐN được tăng cường, ngày càng đông đảo, đa dạng, hoạt động hiệu quả hơn; đối tượng, địa bàn hoạt động TTĐN được mở rộng. Thông tin chính thống từ Việt Nam đến với bạn bè quốc tế và cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài phát triển nhanh chóng, đa dạng hơn về nội dung và hình thức. Kết quả nói trên đã góp phần quan trọng vào việc đẩy mạnh quá trình hội nhập quốc tế của đất nước, nâng cao vị thế và uy tín của Việt Nam trên thế giới; từng bước làm thất bại những âm mưu phá hoại của các thế lực cơ hội, thù địch, giữ vững ổn định chính trị, bảo vệ vững chắc chủ quyền, biên giới lãnh thổ; củng cố và mở rộng quan hệ hợp tác với các nước và tổ chức quốc tế, đẩy mạnh quan hệ kinh tế-thương mại, thu hút đầu tư nước ngoài, khách du lịch quốc tế, khuyến khích, động viên đồng bào ta ở nước ngoài gắn bó với quê hương; đóng góp tích cực vào những thành tựu chung của công cuộc đổi mới đất nước. Những kết quả này có sự đóng góp không nhỏ của các cơ quan thống tấn, báo chí và những người làm báo ở Việt Nam.

3. Những vấn đề đặt ra và yêu cầu mới đối với các cơ quan thông tấn, báo chí hiện nay trong xử lý mối quan hệ giữa thông tin đối nội và TTĐN

Về những vấn đề đặt ra:

Một là, thách thức của quá trình hội nhập quốc tế đối với hoạt động TTĐN của các cơ quan thông tấn, báo chí. Đại hội XI của Đảng đã đề ra chủ trương chủ động và tích cực hội nhập quốc tế, đây là yêu cầu, là vấn đề đặt ra đối với các cơ quan thông tấn, báo chí trước tình hình mới. Hội nhập đòi hỏi thông tin phải đa dạng về nội dung và phong phú về hình thức, thể loại; đối tượng tiếp nhận mở rộng hơn, các vấn đề được dư luận trong và ngoài nước quan tâm về hình ảnh Việt Nam cũng nhiều hơn, do vậy, từ tình hình hiện nay của các cơ quan thông tấn, báo chí trong hoạt động TTĐN, chắc chắn sẽ đặt ra nhiều vấn đề cần giải quyết. Tính đa dạng của thông tin cũng là yếu tố thuận lợi, nhưng cũng là môi trường phức tạp, khó kiểm soát trong việc khai thác thông tin, dễ bị lợi dụng, bị xuyên tạc, nhất là với những phần tử cơ hội, thù địch.

Hai là, mối quan hệ giữa cơ quan thông tấn, báo chí hiện có với yêu cầu xây dựng, phát triển một số cơ quan chuyên trách TTĐN trong thời gian tới. Cho đến nay, căn cứ vào Chỉ thị 11 của Ban Bí thư (khóa VII) và Chỉ thị 26 của Ban Bí thư (khóa X), Kết luận số 16- KL/TW ngày 14-2-2012 của Bộ Chính trị (khóa XI) về “Chiến lược phát triển thông tin đối ngoại giai đoạn 2011-2020”, lực lượng chủ yếu làm công tác TTĐN hiện nay vẫn là một số cơ quan thông tấn, báo chí hiện có. So với quy mô, phạm vi trong nước thì đây là các cơ quan báo chí lớn, nhưng so với khu vực và thế giới, nhất là về TTĐN, về mức độ chuyên sâu, số lượng ngôn ngữ sử dụng thì còn quá nhỏ. Bởi vậy, vấn đề đặt ra là xây dựng, phát triển mới chuyên sâu hay sử dụng các cơ quan báo chí hiện có, cả thông tin đối nội và đối ngoại. Cần có cơ chế chỉ đạo thông tin như thế nào để đảm bảo định hướng, hiệu quả, xử lý tốt mối quan hệ giữa thông tin đối nội và TTĐN, đề cao trách nhiệm của mỗi người cầm bút trong vấn đề này?

Ba là, hiện nay và những năm tiếp theo, tình hình kinh tế - xã hội nước ta vẫn còn nhiều khó khăn. Những hạn chế, yếu kém nội tại của nền kinh tế trong phát triển tiếp tục bộc lộ, tệ quan liêu, tham nhũng, hối lộ, sự suy thoái về đạo đức, lối sống; vấn đề giao thông và ô nhiễm môi trường chưa được khắc phục, đẩy lùi như mong muốn. Một số bức xúc trong đời sống xã hội của người dân vẫn diễn biến phức tạp, điều này là những hạn chế trong việc quảng bá hình ảnh của Việt Nam ra bên ngoài. Thực tế cho thấy, đây là vấn đề rất dễ bị lợi dụng. Ở nước ta hiện nay, những yếu kém trên là có thật, là những hạn chế, thiếu sót trong quá trình phát triển, song Đảng, Nhà nước Việt Nam luôn cố gắng, nỗ lực để từng bước khắc phục. Điều đó thể hiện rõ nét sự quyết tâm của Đảng ta trong Nghị quyết Trung ương 4, khóa XI “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”. Song, bên cạnh đó, để có được sự phát triển hôm nay, những kết quả đạt được, những gương người tốt, việc tốt cũng rất nhiều. Người cầm bút, và cơ quan báo chí cần nêu cao trách nhiệm, cần khách quan, vì lợi ích của đất nước, dân tộc, cần thông tin trung thực, tránh bị lợi dụng, ảnh hưởng đến TTĐN.

Bốn là, sự chống phá quyết liệt của các thế lực cơ hội, thù địch vẫn diễn biến phức tạp, tinh vi, thâm độc hơn. Bên cạnh đó, những diễn biến mới về tình hình an ninh truyền thống, an ninh phi truyền thống, các xung đột trong khu vực và một số nơi trên thế giới, đặc biệt là vấn đề Biển Đông… đòi hỏi TTĐN và thông tin đối nội phải thực sự linh hoạt, xử lý đúng đắn vấn đề đối tượng, đối tác; vấn đề lợi ích, chủ quyền dân tộc với tạo dựng hình ảnh trong tuyên truyền…

Những yêu cầu mới đối với cơ quan thông tấn, báo chí trong xử lý giữa thông tin đối nội và TTĐN thời gian tới là:

Thứ nhất, phải phục vụ đắc lực và hiệu quả cho việc triển khai chính sách đối ngoại rộng mở, đa phương hóa, đa dạng hóa các quan hệ quốc tế trên tinh thần Việt Nam là bạn, đối tác tin cậy, là thành viên có trách nhiệm của các nước trong cộng đồng quốc tế, tham gia tích cực vào tiến trình hợp tác quốc tế và khu vực. Thông tin đối nội và TTĐN phải chủ động ứng phó với những tình huống phức tạp nảy sinh, xử lý thỏa đáng mối quan hệ giữa hợp tác và đấu tranh, tạo được sự đồng thuận trong nước và tranh thủ được sự ủng hộ của quốc tế, giữ vững độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của đất nước và môi trường hòa bình, ổn định cho phát triển đất nước.

Thứ hai, phải tham gia tích cực và hiệu quả nhất vào việc nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế, phải làm cho bạn bè thế giới hiểu sâu, hiểu đúng về các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước, về đất nước, lịch sử, con người và văn hóa Việt Nam nhằm tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ của dư luận trong nước và quốc tế đối với công cuộc đổi mới của đất nước ta, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Đây là vấn đề đòi hỏi thông tin đối nội phải luôn bám sát định hướng, vì lợi ích to lớn, lâu dài của đất nước, tạo sự thống nhất cao ở trong nước, là cở sở để TTĐN được thuận lợi hơn.

Thứ ba, tập trung xây dựng và tiếp tục quảng bá hình ảnh một Việt Nam hòa bình, hữu nghị, đổi mới và hội nhập thành công. Trong bối cảnh mới, hình ảnh của Việt Nam cần được xây dựng từ thành tựu của hơn 25 năm đổi mới; trên nền tảng văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc; tinh thần độc lập tự chủ, ý chí quật cường vươn lên, sự hòa hiếu, thủy chung của con người Việt Nam; gắn với những đóng góp tích cực, có trách nhiệm của Việt Nam ở khu vực và trên thế giới vào cuộc đấu tranh chung vì hòa bình, độc lập, dân chủ và tiến bộ xã hội; gắn với sức sống năng động, tiềm năng hợp tác của đất nước, là mục tiêu và yêu cầu thông tin đối nội và TTĐN cần hướng tới, giới thiệu hình ảnh một Việt Nam “ổn định, năng động, nhiều tiềm năng và có trách nhiệm với cộng đồng quốc tế”.

Thứ tư, là lực lượng nòng cốt trong xây dựng nội dung, lập luận để kiên quyết đấu tranh, phản bác các thông tin sai trái, làm thất bại mọi âm mưu của các thế lực thù địch sử dụng mặt trận thông tin để chống phá Việt Nam. Đây cũng là yêu cầu và trách nhiệm với mỗi cơ quan báo chí và người cầm bút ở nước ta. Làm tốt vấn đề này đòi hỏi thông tin phải trung thực, cách tiếp cận sự kiện, cách nêu vấn đề phải đứng trên lợi ích lâu dài của đất nước, dân tộc; thông tin mang tính chất xây dựng, nói cái xấu để khắc phục, nêu cái tốt để khuyến khích phát triển./.

PGS.TS. Phạm Văn Linh
Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất