Thứ Bảy, 21/12/2024
Thế giới
Thứ Bảy, 13/3/2010 11:17'(GMT+7)

Từ đấu tranh quyền lực đến khủng hoảng chính trị

Một cuộc biểu tình của phe "áo đỏ" ủng hộ cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Một cuộc biểu tình của phe "áo đỏ" ủng hộ cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Dự định biểu tình của phe “áo đỏ” hậu thuẫn cựu Thủ tướng Thaksin, chính phủ sử dụng quyền tuyên bố tình trạng khẩn cấp nội địa và việc triển khai tới 50.000 nhân viên an ninh trên khắp đất nước cho thấy, cả phe chống đối lẫn phía chính phủ đều hướng tới trận đối đầu mới, tiếp diễn những gì đã được bắt đầu từ cách đây 4 năm.

Thất bại cả về chính trị lẫn tư pháp của ông Thaksin xem ra đã không làm nản chí lực lượng hậu thuẫn vị thủ tướng bị đảo chính quân sự truất quyền này. Quyền lực nhà nước, lực lượng quân đội và an ninh cũng như phán quyết của tòa án cũng đã không ngăn chặn được sự tồn tại âm ỉ dai dẳng và thỉnh thoảng lại bùng phát những hoạt động chống đối có tổ chức, có động lực và khó bị quy phục ở trong nước. 

Một quá khứ như vậy và thực trạng như thế báo hiệu cả trong thời gian tới, đất nước này vẫn chưa thể có được yên bình trong nội bộ xã hội và chưa thể hết xáo động trên chính trường.

Cuộc đấu tranh quyền lực trong  thời gian qua đã trở thành cuộc khủng hoảng chính trị thực sự ở Thái Lan. Phe chống đối giờ không còn nêu khẩu hiệu và mục đích đấu tranh vì ông Thaksin nữa, mà lần này đòi tiến hành tổng tuyển cử mới. Họ cũng đã ý thức được rằng, nếu để xảy ra bạo động và hỗn loạn thì lần này sẽ chẳng khác gì tự nộp mạng cho phe chính phủ. Chính phủ Thái Lan cũng biết rằng, cần phải răn đe và ngăn chặn ngay từ đầu mới loại trừ được khả năng làn sóng biểu tình được phe “áo đỏ” phát động biến dạng thành một kiểu cách mạng từ nông thôn tràn vào thành thị.

Từ cuộc đấu tranh quyền lực giữa phe ủng hộ với phe chống đối ông Thaksin, tình hình chính trị nội bộ ở Thái Lan đã chuyển sang mang dấu ấn của một cuộc khủng hoảng chính trị thực thụ, thể hiện trên phương diện quyền lực nhà nước và xã hội. Sự phân hóa trên chính trường cũng như trong nội bộ xã hội đã trở nên sâu sắc đến mức khó có thể hóa giải được.

Phe chính phủ cầm quyền được sự hậu thuẫn của giới quân sự, nhưng lại chưa đủ mạnh để trấn áp được các đảng phái chính trị đối lập và đủ uy để trấn an được bộ phận cử tri chống đối. Trong nước chưa có được sự đồng thuận về tính hợp pháp và hợp hiến của chính phủ cầm quyền hiện tại  chính vì thế.

Bên cạnh đó, sự phân cực trong xã hội tiếp tục sâu sắc hơn, phân hóa giữa vùng nông thôn và thành thị, giữa dân nghèo và giới trung lưu. Nó đã có từ thời ông Thaksin cầm quyền và hiện chỉ đảo chiều mà thôi. Lối thoát hiện chưa thấy đâu.

Lư Phổ Ân

(Theo Lao Động online)
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất