Thứ Hai, 23/9/2024
Tuyên truyền
Chủ Nhật, 13/10/2013 16:10'(GMT+7)

“Tư lệnh của các tư lệnh, Chính ủy của các Chính ủy”

Trung tướng Phạm Hồng Cư (Ảnh: Thu Hằng)

Trung tướng Phạm Hồng Cư (Ảnh: Thu Hằng)

Theo Trung tướng Phạm Hồng Cư, thành công của Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp trong hơn 30 năm cầm quân, với tư tưởng đại đoàn kết “lấy đại nghĩa để thắng hung tàn”, nên ông được toàn quân tin yêu, toàn dân quý mến và kính trọng, được cả thế giới hâm mộ. Thượng tướng Trần Văn Trà đã phát biểu về Đại tướng: “Võ Nguyên Giáp là Tư lệnh của các Tư lệnh, Chính ủy của các Chính ủy”. Nhưng Đại tướng luôn coi chiến công của quân đội là chiến công của toàn dân “bất kỳ vị tướng nào, dù có công lao đến đâu cũng chỉ là giọt nước trong biển cả”. Đại tướng đã xây dựng quân đội một cách toàn diện, trong đó lấy chính trị làm cơ sở, để xây dựng phẩm chất của Bộ đội Cụ Hồ - phẩm chất “vì nhân dân mà chiến đấu”.

 “Vì Đại tướng chú trọng xây dựng quân đội về nhiều mặt, quân sự, chính trị, hậu cần, kỹ thuật…, nhưng lấy  xây dựng về chính trị làm cơ sở, làm gốc để xây dựng các mặt khác. Nếu một con người có tài năng và đạo đức, Đại tướng quan tâm, lấy đạo đức làm gốc. Nếu trong quân đội có con người và vũ khí, Đại tướng lấy con người làm gốc. Nhờ vậy, Đại tướng đã xây dựng một "đội quân chân đất" chiến thắng các thế lực thù địch lớn mạnh”. - Trung tướng Phạm Hồng Cư chia sẻ.

 Có thể khẳng định, quan điểm ấy của Đại tướng đã làm cho quân đội ta trưởng thành, từ đội quân chân đất, trở thành binh đoàn hùng mạnh, đánh thắng thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, làm nên sự nghiệp huyền thoại trong thế kỷ 20. Có lẽ bởi vậy, Tướng Anh Peter Mc Donald đã phát biểu về Đại tướng là: “Võ Nguyên Giáp là một trong 21 vị danh tướng của thế giới trong 25 thế kỷ qua, từ thời Alexandre Đại đế đến Hannibal rồi đến thời cận hiện đại với Kutuzov, Jukov… những người đã có chiến công tạo nên bước ngoặt của nghệ thuật chiến tranh”.

Điều khiến Trung tướng Phạm Hồng Cư ấn tượng và bị xúc động mạnh mẽ nhất là hai lần được Đại tướng giao lệnh. Với ông, những mệnh lệnh đó không còn đơn thuần là mệnh lệnh nữa. Nó đã trở thành lời hịch của Tổ quốc thân yêu.

Lần thứ nhất, chiến dịch Việt Bắc năm 1947, khi đó giặc Pháp nhảy dù vào, dùng hai gọng kìm để tiêu diệt ở ATK. Lúc ấy, tiểu đoàn của tôi là tiểu đoàn Bình Ca có nhiệm vụ trấn giữ phía Tây của an toàn khu, của Thủ đô gió ngàn. Một hôm, buổi trưa, có một chiến sỹ đi ngựa đến, cứ ngồi trên ngựa và gọi rất to: “Chính trị Phạm Hồng Cư, ra nhận lệnh”.

Và người chiến sỹ đưa cho tôi một phong bì. Mở ra, đó là mệnh lệnh viết tay. Đọc chữ ký ở dưới là Văn, tôi đã rất xúc động. Nhưng câu “Tiểu đoàn Bình Ca sống chết với con đường Thái Nguyên” dường như lúc này không phải là mệnh lệnh quân sự nữa. Nó là một lời hịch. Tôi đã bàn với anh Vũ Phương là anh đi kiểm tra trận địa, tôi đi kiểm tra bộ đội, động viên tinh thần anh em. Tới các lán, các anh em nằm la liệt, đắp chăn run cầm cập.  Vì họ sống ở Thủ đô, lên chiến khu bị sốt rét hết.

Khi tôi nói to: “Chú ý, nghe lệnh của anh Văn”. Tất cả đều ngồi dậy, tung chăn. Tôi đọc mệnh lệnh. Đọc xong, các chiến sỹ, cứ thế đứng dậy hết, run lẩy bẩy, cầm súng đi ra trận địa. Từ hôm đó, đã xuất hiện tứ thơ của Chính Hữu:

“Đêm nay rừng hoang sương muối

Ngồi cạnh bên nhau chờ giặc tới

Đầu súng trăng treo”.

Đó là những câu thơ nói về chúng tôi.

 
 

Lần thứ hai, tôi nhận lệnh đúng ngày 7-4. Đó là: "Thần tốc, thần tốc hơn nữa. Táo bạo, táo bạo hơn nữa. Tranh thủ từng phút, từng giờ...". Lúc đó tôi đã báo cáo anh Lê Quang Hòa và anh Lê Trọng Tấn. Các anh ấy chỉ thị phổ biến ngay tới các đại đội. Tôi cùng đồng chí chính ủy của Quân đoàn 2 đi phổ biến ngay trong tối hôm đó. Có thể nói, trong cuộc đời của tôi đi làm chính ủy, chính trị viên, chưa bao giờ  tôi nhận được lệnh động viên chiến trường mang nhiều sức mạnh như thế.

Khi xe chuẩn bị chạy, chúng tôi đọc mệnh lệnh. Lúc thì đọc loa, lúc lại đọc đồng thanh. Đọc mệnh lệnh ấy, tất cả anh em chiến sỹ, không ai bảo ai, đều đứng dậy, hô to: Quyết chiến, quyết thắng. Xông lên mặt trận. Giải phóng miền Nam… Và hoan hô Đại tướng rầm trời. Chưa bao giờ trong các mặt trận, tôi chứng kiến được những cảnh như vậy”.

“Tôi có những ân tình và sự biết ơn đối với Đại tướng”

Trung tướng Phạm Hồng Cư nhớ lại, trong công việc, Đại tướng là người rất dân chủ.

Tôi có ý kiến gì, tôi đều nói thẳng thắn.  Anh Văn thì chú ý lắng nghe.

Tôi còn nhớ khi mình được đọc những hồi ức rất nổi tiếng của Đại tướng, tôi đã có cảm xúc rất sâu sắc ở chỗ, đây không phải là hồi ức của một cá nhân. Đây là hồi ức của một dân tộc, hồi ức của hai cuộc kháng chiến.  Nó là hồi ức rất có giá trị về mặt lịch sử, đồng thời cũng bộc lộ nên tư cách của người cầm quân, biết giành thắng lợi trong những điều kiện có thể nói khó khăn nhất, giành thắng lợi lớn nhất mà thương vong ít nhất. Đó chính là phẩm chất quan trọng nhất của một vị tướng. Điều này đã được chứng minh ở trận Điện Biên Phủ. Sau này, lại diễn ra trong Đại thắng mùa xuân 1975. Có thể nói, nếu Đại tướng không thay đổi cách đánh ở Điện Biên Phủ, thế hệ chúng tôi đã nằm lại ở cánh đồng Mường Thanh.

Trong tình cảm của tôi có những ân tình, có sự biết ơn đối với quyết định sáng suốt của người anh Cả của quân đội. Thế hệ chúng tôi may mắn được trưởng thành dưới sự lãnh đạo của Đảng, của Bác Hồ, với sự lãnh đạo trực tiếp của Đại tướng Võ Nguyên Giáp chỉ huy và rèn luyện”.  

Trung tướng Phạm Hồng Cư cũng nhấn mạnh, hiện nay, toàn Đảng, toàn dân ta đang đẩy mạnh tiếp tục học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh và thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay.Theo ông, việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh sẽ làm cho những con người vì chủ nghĩa cá nhân sẽ phải chống lại và thoát khỏi chủ nghĩa cá nhân.

Dĩ công vi thượng.  Đây là lời dạy của Bác Hồ mà Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã suốt đời làm theo.

Bên cạnh đó, phải phát huy trách nhiệm cá nhân người đứng đầu, đồng thời phải có tính Đảng, tôn trọng sự lãnh đạo của tập thể. Điều này thể hiện ở trận đánh Điện Biên  Phủ. Đại tướng thấy ý kiến của tập thể là đánh nhanh, thắng nhanh không chắc thắng. Sau 11 ngày đêm suy nghĩ, phát huy trách nhiệm của cá nhân người đứng đầu, Đại tướng đã nghĩ phải thay đổi cách đánh. Nhưng Đại tướng đã đề nghị họp Đảng ủy để cùng nhau bàn bạc và quyết định, thay đổi cách đánh một cách tập thể, giữ được đoàn kết và nêu được tấm gương thế nào là phát huy trách nhiệm cá nhân, đi đôi với tập thể lãnh đạo”.

Chắc chắn, đây là một bài học lịch sử nhưng vẫn còn vẹn nguyên giá trị!

Là tác giả của cuốn sách “Đại tướng Võ Nguyên Giáp thời trẻ”, điều mà Trung tướng Phạm Hồng Cư luôn đau đáu, là làm thế nào để thế hệ trẻ ngày nay tiếp tục học hỏi và rèn luyện, phát huy những phẩm chất cao đẹp của Đại tướng.

“Thế hệ trẻ ngày nay đã và đang coi Đại tướng là một tấm gương để phấn đấu. Đại tướng tham gia cách mạng từ năm 15 tuổi, nêu một tấm gương sáng về tự học, tự hoàn thiện mình. Đại tướng đã nhận một nhiệm vụ với Bác Hồ và hoàn thành nhiệm vụ mà Bác Hồ giao. Một nhiệm vụ phi thường như các nhà báo phương Tây họ hay bình luận: “Vị danh tướng của mọi thời đại mà không trải qua một trường lớp quân sự  nào”. Thế hệ trẻ ngày nay phải mang trong mình một tình yêu quê hương đất nước tha thiết, một hoài bão lớn. Phải biết vì lợi ích của đất nước, lợi ích của dân tộc, dám tìm tòi, dám sáng tạo, dám tiến lên những đỉnh cao về khoa học, để giải phóng đất nước khỏi tình trạng nghèo nàn lạc hậu”.

Thu Hằng


Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất