Thứ Sáu, 22/11/2024
Tuyên giáo các cấp
Thứ Tư, 26/8/2020 14:32'(GMT+7)

Tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về quản lý giáo dục

Các đồng chí chủ trì Hội thảo.

Các đồng chí chủ trì Hội thảo.

Chủ trì Hội thảo khoa học có GS.TS Phùng Hữu Phú - Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương, Chủ tịch Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng Trung ương; Quyền Giám đốc - Tổng Biên tập, Chủ tịch Hội đồng Biên tập - Xuất bản, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật Phạm Chí Thành; GS.TS Phạm Quang Trung - Giám đốc Học viện Quản lý giáo dục.

Hội thảo “Tư tưởng Hồ Chí Minh về quản lý giáo dục”  nhằm tạo ra diễn đàn cho các nhà nghiên cứu khoa học giáo dục, hoạch định chính sách, cán bộ quản lý giáo dục và giáo viên chia sẻ những quan điểm, tư tưởng và vận dụng tư tưởng của Hồ Chí Minh trong giáo dục và quản lý giáo dục. 

Toàn cảnh Hội thảo.

Toàn cảnh Hội thảo.

Tư tưởng Hồ Chí Minh là một hệ thống quan điểm sâu sắc, toàn diện về những vấn đề cơ bản của cách mạng Việt Nam, là sự kế thừa và phát triển các giá trị truyền thống của dân tộc và tinh hoa văn hóa nhân loại, là sự vận dụng và phát triển sáng tạo Chủ nghĩa Mác - Lênin vào điều kiện cụ thể của nước ta.

Trong hệ thống tư tưởng của Người, vấn đề giáo dục, quản lý giáo dục được đề cập sâu sắc và có giá trị thực tiễn lâu bền. Người đánh giá rất cao vai trò của giáo dục đối với sự hưng thịnh của đất nước, với nhiệm vụ nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, là động lực của sự phát triển, đưa nước nhà tiến tới giàu mạnh, dân chủ, văn minh, sánh vai với các cường quốc năm châu.

Thực hiện lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm, chăm lo cho công tác giáo dục, xác định: "Giáo dục là quốc sách hàng đầu"; thực hiện "nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, đổi mới nội dung, phương pháp dạy và học, hệ thống trường lớp và hệ thống quản lý giáo dục"; triển khai "giáo dục cho mọi người", "cả nước thành một xã hội học tập" ...

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Quyền Giám đốc – Tổng Biên tập Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật Phạm Chí Thành nhấn mạnh: Hiện nay, đất nước ta đang bước vào thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Hội nhập quốc tế và cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang tạo ra nhiều thời cơ và cả những thách thức cho đất nước nói chung và cho ngành Giáo dục nói riêng.

Điều này đòi hỏi phải tiến hành đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó việc đẩy mạnh phát triển giáo dục - đào tạo là động lực lớn để thúc đẩy đất nước phát triển nhanh và bền vững. Trong bối cảnh đó, việc nghiên cứu và vận dụng đúng đắn, sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh về quản lý giáo dục vào thực tiễn tổ chức, xây dựng nền giáo dục Việt Nam là vấn đề có ý nghĩa vừa cấp thiết vừa lâu dài.

Đồng chí Phạm Chí Thành phát biểu khai mạc Hội thảo.

Đồng chí Phạm Chí Thành phát biểu khai mạc Hội thảo.

Ban Tổ chức đã nhận được hơn 100 bài viết của các tác giả là các nhà lãnh đạo, quản lý, nhà khoa học, nghiên cứu, cán bộ giảng dạy ở nhiều cơ quan, đơn vị học viện, nhà trường. Mỗi bài viết nghiên cứu về một vấn đề khác nhau dưới các góc độ khác nhau, nhưng tựu trung lại là các vấn đề nội dung tư tưởng Hồ Chí Minh về giáo dục, quản lý giáo dục và việc vận dụng tư tưởng của Người vào thực tiễn công tác quản lý giáo dục ở nước ta hiện nay.

Các tham luận trình bày tại hội thảo đã nêu lên những vấn đề bức thiết trong đổi mới giáo dục và đào tạo ở Việt Nam hiện nay, việc vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về giáo dục, quản lý giáo dục; thể hiện ở những nội dung chủ yếu như sau:

Thứ nhất, phải nhận thức đúng vị trí, vai trò, ý nghĩa và nội dung của tư tưởng Hồ Chí Minh về giáo dục. Có như vậy, mới thực hiện đúng và có hiệu quả vào sự nghiệp đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục ở Việt Nam.

Thứ hai, đề cao đổi mới nội dung giáo dục. 

Thứ ba, đề cao giải pháp giáo dục toàn diện, gồm các mặt như: trí, đức, thể, mỹ, vốn là nội dung giáo dục của nhiều quốc gia, dân tộc ta từ xư đến nay. Cần thay đổi quan niệm cũ về lao động trí óc và lao động chân tay vốn đã ăn sâu vào tâm lý của nhiều tầng lớp nhân dân ta. Trong mục tiêu giáo dục, đức và tài vẫn luôn được xem là nội dung cơ bản.

Tham luận tại Hội thảo, GS.TS Phạm Quang Trung nhấn mạnh, tư tưởng Hồ Chí Minh về quản lý giáo dục là hệ thống quan điểm phong phú, sâu sắc và toàn diện; đã định hướng cho nền giáo dục Việt Nam phát triển suốt hơn nửa thế kỷ qua, đạt được những thành tựu rất quan trọng. Trong thời kỳ đổi mới, với sự nỗ lực của toàn Đảng và toàn dân, quy mô giáo dục tiếp tục phát triển, hoàn thành mục tiêu mở mang dân trí, đào tạo ra thế hệ công dân tốt, cán bộ tốt thừa kế xứng đáng sự nghiệp cách mạng, làm cho đất nước giàu mạnh và văn minh.

GS.TS Phạm Quang Trung tham luận tại Hội thảo.

GS.TS Phạm Quang Trung tham luận tại Hội thảo.

“Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ quan tâm đến vai trò của giáo dục, cách thức, phương pháp, nội dung giáo dục mà Người còn quan tâm đến kết quả của quản lý giáo dục. Nói cách khác, tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh là gắn quản lý giáo dục với xây dựng con người Việt Nam toàn diện, vừa có tri thức chuyên môn giỏi, năng lực đáp ứng yêu cầu công việc, vừa có tâm hồn – tức là người có đạo đức và nhân văn”. - GS.TS Phạm Quang Trung bày tỏ.

Ở một khía cạnh khác, GS.TS Hoàng Chí Bảo, chuyên gia cao cấp, nguyên Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương khẳng định, một người thầy vĩ đại là người thầy có thể truyền cảm hứng cho học sinh của mình và Chủ tịch Hồ Chí Minh chính là người thầy vĩ đại nhất trong nền giáo dục của Việt Nam. Di sản Hồ Chí Minh về giáo dục và quản lý giáo dục thể hiện trong một chỉnh thể, thống nhất hữu cơ giữa tư tưởng, đạo đức và phong cách của Người.  Là một nhà giáo dục lỗi lạc, Bác Hồ chính là bậc thầy về phương pháp và một mẫu mực về văn hóa ứng xử. Nổi bật và nổi trội trong di sản Hồ Chí Minh về giáo dục và quản lý giáo dục là đạo đức và thực hành đạo đức. Đây là nền tảng và hướng đích của giáo dục, đặc biệt là giáo dục trẻ em.

Thu Hằng





Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất