Tư tưởng là nhận thức và khát vọng của con người, hiểu rộng hơn là thế giới quan, là một lập trường xã hội nhất định. Tư tưởng thể hiện ở các mối quan hệ giữa chủ thể và khách thể, qua đó biểu thị một tâm trạng, một thái độ trước hiện tượng đời sống. Trước một hành vi cao thượng người ta thấy khâm phục, muốn noi theo; trước một sự việc tha hóa người ta thấy khinh bỉ, ghê tởm, muốn xa lánh…
Tư tưởng là thuộc tính của con người, vấn đề là tư tưởng nào,
tiên tiến, hiện đại, đổi mới… hay ngược lại. Vì vận động theo quy luật
của tình cảm nên văn học nghệ thuật càng phải cần đến tư tưởng để định
hướng bạn đọc vươn lên, hướng về phía chân - thiện - mĩ. Hẳn nhiên đó
phải là tư tưởng thẩm mĩ. Thẩm mĩ là cái đẹp, cái lý tưởng, nhưng phải
đặc sắc, độc đáo, khác lạ.
Tư tưởng thẩm mĩ là sự nhận thức, là quan niệm riêng của người nghệ
sĩ trước đời sống, mà thiếu nó thì tác phẩm sẽ nhạt nhẽo vì không có cái
riêng, không có bản sắc. Đó là điểm nhìn nghệ thuật, là điểm tựa hình
tượng, là nguyên tắc cắt nghĩa về thế giới nội dung cũng như hình thức.
Tầm cỡ của nhà văn đồng nghĩa với tầm cỡ của tư tưởng.
Nhà văn nào cũng viết về cuộc sống và con người, nhưng nhà văn có tư
tưởng tích cực, tiến bộ thì tác phẩm sẽ đậm tinh thần nhân văn, sâu nặng
giá trị nhân bản, yêu thương, trân trọng, quý mến con người. Tục ngữ
Việt có câu thật hay: “Người ta là hoa đất”. Hoa là tinh túy của đất
trời, là vẻ đẹp của tạo hóa. Hoa luôn thơm ngát, ấm áp và thiêng liêng.
Hoa có sắc màu, trong trắng, quý phái và vương giả. Hoa còn là sứ giả
của tình người đến với tình người, của lòng chân thành đến với những
miền tâm linh thanh khiết. Thế nên trong tình yêu, hôn nhân, trên bàn
thờ, trên giáo đường… không thể thiếu hoa. So sánh con người với hoa,
hơn nữa, với “hoa đất” thì người Việt đã có một triết lý cực kỳ quý
trọng con người, coi con người là giá trị hơn tất cả.
Càng là nhà văn lớn càng giàu có về tư tưởng. Không ngẫu nhiên ở
nhiều ngôn ngữ đều lấy hình tượng cây đại thụ để chỉ các đại văn hào.
Vì giống như cây đại thụ mạnh mẽ cắm sâu rễ vào mảnh đất truyền thống
dân tộc và nhân loại, để hút dinh dưỡng văn hoá rồi vươn cao cành lá
quang hợp ánh sáng lý tưởng tiên tiến nhất của thời đại.
Quả ngọt tư tưởng của các đại thụ luôn được nhiều người mong muốn
thưởng thức. Nhưng để có tư tưởng thì không hề dễ dàng, phải sống cho đã
đầy, phải thương yêu căm thù cho hết mực, phải đọc cho thật nhiều sách,
phải thật sâu sắc văn hoá nước nhà, phải nhập vào nhiều nền văn hoá thế
giới. Nhà thơ vĩ đại Đỗ Phủ từng nói, phải đọc vạn quyển sách thì khi
hạ bút con chữ mới có “thần”.
Có lẽ nên hiểu câu của Nam Cao “Sống đã rồi hãy viết” là một cuộc tạo
vốn và tích vốn, vốn ở đây cần được hiểu rộng rãi hơn, là vốn sống, vốn
văn hoá, vốn tri thức, vốn tình cảm,… Với số ít người trẻ cứ chăm chăm
hô to cái “tư tưởng” của mình trong “tác phẩm”, nhưng người đọc chẳng
thấy tư tưởng đâu. Khổ thế. Vì họ ít vốn quá.
Nhân vật, hình tượng, chi tiết là cơ thể thì tư tưởng là máu. Ít máu
thì nhân vật không sinh khí, dật dờ… Máu là tinh chất của cuộc sống, nhà
văn phải đồng hoá và chuyển hoá cái tinh chất của cuộc đời vào trang
sách.
Tư tưởng thẩm mĩ không biểu hiện riêng lẻ, độc lập mà luôn hòa tan
vào hình tượng, chi tiết. Không phải cứ lớn tiếng nói yêu nói ghét là
thể hiện được tình cảm, mà phải biểu hiện một cách tự nhiên, không lộ
liễu, không tô vẽ qua hình tượng. Phải đọc kỹ, đọc sâu để hệ thống, chọn
lọc để tìm ra các hằng số, các tín hiệu lặp lại, các hình ảnh, các biểu
trưng đa nghĩa...
Tư tưởng biểu hiện chủ yếu và rõ nhất qua nhân vật. Người ta vẫn nói
truyện ngắn "Chí Phèo" của Nam Cao là “bi kịch bị cự tuyệt quyền làm
người”, trong khi đó, sống trong xã hội cũ thì những người dân nghèo bị
áp bức đều chịu chung bi kịch này. Thời đó là đàn ông thì ai cũng bị
đánh thuế thân, thứ thuế đánh vào người đang sống, ai sống thì phải nộp
thuế. Những anh Dậu, anh Pha, Chí Phèo… đều bị thế cả. Nên nói như trên
là chưa nói được sâu sắc giá trị cơ bản của tác phẩm.
Mở đầu thiên truyện là hình ảnh Chí vừa đi vừa chửi, Chí chửi trời,
chửi đời, chửi cả làng Vũ Đại, chửi cha mẹ đứa nào đã đẻ ra Chí… Tức là
Chí khát khao một sự đối thoại. Nhưng chẳng ai thèm đối thoại, vì tất cả
đã coi Chí ở hàng thú vật. Thành ra chỉ có mấy con chó “chửi” nhau với
Chí. Như vậy Nam Cao đã đi trước thời đại mà gián tiếp nêu ra tư tưởng
lớn: bản chất con người là đối thoại; chỉ con người mới có thể đối thoại
được với nhau…
Cả làng Vũ Đại không hiểu cái khát khao ở Chí muốn đối thoại bình
đẳng để làm hòa với mọi người, không hiểu cái mầm lương thiện đang ấp ủ
trong một hình hài thú vật… Cho nên bi kịch xót xa của Chí là bi kịch bị
cự tuyệt quyền đối thoại, mà như thế có nghĩa là chết còn hơn sống…
Chúng ta nhớ một truyện ngắn của M. Gorky kể về sự trừng phạt khủng
khiếp nhất của bộ lạc nọ đối với một kẻ có tội là đuổi vào rừng, để kẻ
đó phải trở về loài thú vật và chết trong lạc loài cô độc!
Tư tưởng còn biểu hiện qua cách miêu tả. Hoàng Cầm có câu thơ: “Những
cô hàng xén răng đen/ Cười như mùa thu tỏa nắng” (Bên kia sông Đuống).
Một hình ảnh cô gái quê chân chất, mộc mạc tưởng chẳng có gì mới mẻ, đặc
sắc. Nhưng nhờ có một trái tim nóng bỏng yêu thương trân trọng con
người nên đã giúp nhà thơ có một so sánh đắt, tinh tế, ví cái cười của
những cô hàng xén kia như nắng mùa thu. Mà nắng thì luôn tỏa sáng, tỏa
ấm. Nắng đem lại sức sống, hy vọng, niềm ham sống tới con người. Thế là
những cô gái quê kia không còn là những con người bình thường nữa, dưới
cái nhìn chiêm bái ngưỡng vọng của nhà thơ, họ đã trở thành cả một vũ
trụ vĩ đại lớn lao nuôi dưỡng vạn vật sinh sôi nảy nở!
Với quan niệm con người không chịu khuất phục cái bạo lực phi nhân
tính, bởi ở con người luôn tiềm tàng một tâm hồn nghệ sỹ nên Tô Hoài đã
để nhân vật Mỵ (Vợ chồng A Phủ) chỉ chịu bị trói về thân xác chứ không
chịu trói buộc về tinh thần. Có bị trói chặt hơn thế nữa thì Mỵ vẫn cứ
thả hồn theo tiếng sáo “lửng lơ bay” trong đêm tình mùa xuân. Tiếng sáo
là cái hồn của tác phẩm, trở thành “máu” của nhân vật, mà giả sử cắt bỏ
cái âm thanh vừa thực vừa ảo ấy đi thì nhân vật sẽ chết.
Logic của hình tượng là một quan hệ nhân quả, biện chứng nên dứt
khoát nhân vật ấy phải tự cắt dây trói giải thoát cho đời mình. Không
đơn thuần chỉ là cắt dây trói mà còn là cắt đi, là phá tan sự đè nén nô
lệ đã hàng trăm năm của cường quyền, thần quyền và tục quyền mà chế độ
phong kiến phản động miền núi đã trói buộc những cuộc đời khốn khổ như
cô Mỵ.
Thì ra trong văn chương kỹ thuật rất quan trọng nhưng chỉ là thứ yếu,
cái quyết định, cái chi phối kỹ thuật chính là tư tưởng, là quan niệm.
Đó cũng là cái chìa khoá để người đọc bước vào thế giới nghệ thuật của
nhà văn./.
Nguyễn Thanh Tú
(Nguồn: cand.com.vn)