Khi nhu cầu học tập và áp lực về sĩ số, trường lớp tại các trường công lập trở nên quá tải, việc hình thành và phát triển của hệ thống giáo dục ngoài công lập (NCL) tại các đô thị lớn là tất yếu. Tuy nhiên, chính sự dễ dãi và lỏng lẻo trong quản lý loại hình giáo dục NCL đã nảy sinh nhiều bất cập. Hệ quả là cơ sở vật chất các trường NCL thiếu thốn, chất lượng giáo dục đi xuống và những kỳ vọng về một môi trường giáo dục chuẩn, phi lợi nhuận ngày một xa vời.
Chất lượng: "cơm chấm cơm"
Mới đây, Bộ Giáo dục và Ðào tạo (GD-ÐT) đã công bố các quyết định đình chỉ tuyển sinh đối với năm ngành đào tạo và một trường cao đẳng năm 2012. Theo đó, Trường CÐ Kinh tế - Kỹ thuật Hà Nội bị đình chỉ tuyển sinh là do chưa có đất để xây dựng cơ sở vật chất riêng (100% cơ sở vật chất của nhà trường là thuê ngắn hạn) và tỷ lệ sinh viên trên giảng viên quá cao. Hay như hai ngành học là Quản trị kinh doanh của Trường ÐH Thành Tây và ngành Công nghệ Kỹ thuật xây dựng của Trường CÐ Kỹ thuật - Công nghiệp (Quảng Ngãi) cũng bị dừng tuyển sinh vì thiếu giảng viên có trình độ thạc sĩ đúng ngành đào tạo so với quy định và tỷ lệ sinh viên trên giảng viên cũng quá cao. Trước đó, Bộ GD-ÐT cũng đã từng quyết định tạm ngừng tuyển sinh đối với năm trường và 12 ngành của các Trường ÐH Ðông Ðô, ÐH Văn Hiến, ÐH Hùng Vương (TP Hồ Chí Minh), CÐ Công nghệ Thông tin (TP Hồ Chí Minh) và CÐ Kỹ thuật - Công nghệ Bách Khoa, cũng không ngoài những lý do như tỷ lệ giảng viên trên sinh viên, các điều kiện bảo đảm cho đào tạo khác đi kèm không đủ.
Thiếu và yếu về đội ngũ là hạn chế đầu tiên các trường ÐH, CÐ ngoài công lập đang phải đối mặt. Là cơ quan quản lý Nhà nước về đào tạo, nhằm hạn chế tình trạng cử nhân dạy cử nhân dân gian thường gọi là "cơm chấm cơm", Bộ GD-ÐT đã buộc các trường phải thực hiện "ba công khai", trong đó có công khai về đội ngũ giảng viên. Ðây là một trong những căn cứ để các trường xây dựng chỉ tiêu tuyển sinh. Nhưng các trường vẫn tìm cách "lách" và nhiều trường bị đình chỉ tuyển sinh là dẫn chứng tiêu biểu cho việc này.
Thực tế cho thấy, đã có những đại học sẵn sàng chịu phạt, tuyển vượt chỉ tiêu được giao, tìm mọi cách lôi kéo sinh viên để cho có người học và có thêm nguồn thu. Việc này mặc nhiên được nhiều trường thừa nhận. Thế nên, tình trạng "trường thuê, thầy mướn, trò mời" là một thực tế đang diễn ra ở nhiều trường ÐH, CÐ ngoài công lập. Ðiều này không chỉ diễn ra ở các trường mới thành lập mà cả những trường đã đi vào hoạt động cả chục năm. Một hệ quả tất yếu đã đến là chất lượng đào tạo ở những trường này được đánh giá là thấp hơn nhiều không chỉ so với các trường công lập mà ngay cả một vài trường ngoài công lập khác. Ðây cũng chính là nguyên nhân cơ bản làm không ít doanh nghiệp, có cả những cơ quan hành chính từ chối việc nhận những lao động tốt nghiệp ở những trường NCL về làm việc.
Những mâu thuẫn nảy sinh
Do chưa có phân định rõ ràng về khái niệm trường dân lập và tư thục, cũng như chưa đưa ra được các chế tài giám sát cho các hoạt động đào tạo nên dẫn đến việc quản lý ở các trường này nảy sinh nhiều vấn đề phức tạp. Một trong những vấn đề phức tạp đó là tình trạng nội bộ các trường mất đoàn kết xảy ra triền miên, việc này xảy ra ở cả ba miền bắc - trung - nam. Ðó là chuyện của Trường ÐHDL Hải Phòng năm 1997, ông Phạm Trọng Hiệp - thành viên HÐQT đã mâu thuẫn và đề nghị cách chức ông Trần Hữu Nghị - Hiệu trưởng. Bài viết này xin không đề cập đến ai đúng, ai sai, nhưng những kiện cáo om xòm của trường này đã dẫn đến thanh tra thường xuyên, từ cấp địa phương đến Trung ương. Cuối cùng cũng người ở lại, kẻ ra đi, nhưng chắc một điều là lòng tin của người học và xã hội cũng ít nhiều đi theo những cuộc kiện tụng, thanh tra đó. Cô Lê Thị Dung, một phụ huynh ở Hưng Yên, bày tỏ băn khoăn: "Bất đắc dĩ tôi mới phải cho cháu vào học dân lập, chứ học ở đây vừa tốn kém vừa lộn xộn, mong sao có được cái bằng".
Vụ việc mâu thuẫn kéo dài giữa nhà đầu tư và hiệu trưởng ở ÐH Hùng Vương (TP Hồ Chí Minh), nhất là khi HÐQT khóa mới (từ tháng 2-2010) đã không thể để Hiệu trưởng Lê Văn Lý từ nhiệm vì trước đó ông Lý đã không báo cáo tài chính và gửi các tài liệu quyết toán để Ðại hội đại cổ đông giám sát các hoạt động của trường. Và cũng lại ở TP Hồ Chí Minh vụ việc của Trường ÐH Hùng Vương còn chưa giải quyết xong thì ÐH Văn Lang lại lùm xùm những bất hợp lý trong bảng lương, những CB-CNV làm việc ở đây cho rằng, bảng lương thể hiện sự không công bằng giữa những người làm cùng công việc, vị trí. Hẳn dư luận còn nhớ chuyện "đại học ba không" ở Phan Thiết, sự việc lình xình trên công luận khiến xã hội không khỏi băn khoăn về chất lượng đào tạo của những trường này.
Một thực tế là cả xã hội và các trường đại học đều thừa nhận mở trường đại học NCL như một nghề kinh doanh, nhưng có vẻ như ngành GD-ÐT lại "dị ứng" với cụm từ "kinh doanh giáo dục" nên chưa có định nghĩa chính xác để từ đó có cơ sở xây dựng chế tài hoạt động của những trường này. Ðây chính là kẽ hở cho việc lợi dụng cơ chế dân lập, tư thục để đưa một trường vào hoạt động, từ đó phục vụ lợi ích cho bản thân và gia đình là chính.
Chủ tịch HÐQT Trường ÐH Ðại Nam TS Lê Ðắc Sơn đã thẳng thắn nói: "Tôi không tin những ai đầu tư mở trường ÐH, CÐ lại nói là vì sự nghiệp giáo dục hay yêu nghề!" Dẫn chứng ngay bản thân mình, ông Sơn nói: "Tôi không đi làm từ thiện, tôi bỏ vốn ra xây trường là kinh doanh, tất nhiên không ngoài mục đích thu lợi nhuận. Vấn đề là thu tiền của người học và trách nhiệm với người ta, chứ thu tiền rồi bỏ rơi sinh viên, muốn học ra sao cũng được, rồi hết năm, hết khóa học cũng ra trường. Làm vậy khác nào mình ăn quỵt của người học."
Thực tế hiện nay đang cho thấy, nguyên nhân sâu xa của các mâu thuẫn trong các nhà trường đều từ HÐQT, những người góp vốn, sau một thời gian "cơm dẻo, canh ngọt" nhưng bất đồng về chia lợi nhuận hoặc tiềm ẩn yếu tố gia đình trị thì các mâu thuẫn bắt đầu nảy sinh, và khiếu kiện từ những nơi này kéo đi khắp nơi, sự đáng kính của các thầy giáo không còn trong mắt người học mà thay vào đó là nỗi buồn của sinh viên. Chị Phạm Thị Oanh (Ninh Bình), từng học một trường dân lập ở Hà Nội buồn rầu: "Hiện tại, mình đã ra trường nhưng không xin được việc, một phần vì điều kiện gia đình, nhưng phần nhiều vì mình không đủ tự tin về chuyên môn".
Vẫn biết trong rất nhiều khó khăn mà các trường ngoài công lập gặp phải, có những khó khăn khách quan như thiếu quỹ đất, tự lực về nguồn vốn, khó dễ trong việc vay ưu đãi... Thì chủ quan lại chính là do các trường này, đó là việc xem nặng về làm kinh tế thu hồi lợi nhuận, đây cũng là một trong nhiều nguyên nhân dẫn đến mất đoàn kết nội bộ, vi phạm quy chế tuyển sinh và hệ quả là chất lượng đào tạo suy giảm, lòng tin của người học - xã hội ngày càng giảm, dẫn đến khó khăn trong tuyển sinh.
* "Tôi không đi làm từ thiện, tôi bỏ vốn ra xây trường là kinh doanh, tất nhiên không ngoài mục đích thu lợi nhuận. Vấn đề là thu tiền của người học và trách nhiệm với người ta, chứ thu tiền rồi bỏ rơi sinh viên, muốn học ra sao cũng được, rồi hết năm, hết khóa học cũng ra trường. Làm vậy khác nào mình ăn quỵt của người học".
Theo Nhân Dân