Thứ Tư, 27/11/2024
Giáo dục
Thứ Năm, 24/5/2012 19:20'(GMT+7)

UNESCO kêu gọi tăng cường các kỹ năng sống

Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet)

Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet)

 

UNESCO nhấn mạnh phát triển giáo dục và đào tạo nghề nghiệp và kỹ thuật (TVET) cần phải là ưu tiên cao nhất để đáp ứng các nhu cầu của phát triển bền vững và phổ quát. Theo UNESCO, các chính phủ và khu vực kinh tế tư nhân trên toàn cầu nhận rõ tầm quan trọng của giáo dục, đào tạo nghề nghiệp và kỹ thuật nên đã thúc đẩy nhiều chính sách nâng cao chất lượng TVET để đáp ứng tốt hơn các nhu cầu kỹ năng nghề nghiệp và kỹ năng sống của các xã hội trong thế kỷ 21.

117 nước trên toàn cầu đã thực hiện các giải pháp tăng cường và nâng cao hiệu quả của TVET trong bối cảnh cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu tạo ra làn sóng thất nghiệp mới. Mặc dù nguyên nhân căn bản của khủng hoảng không xuất phát từ khu vực giáo dục và đào tạo, nhưng thực tế nhiều hệ thống TVET đã không còn thích hợp hoặc không thể đáp ứng các thách thức phát triển bền vững và phổ quát. Vì vậy, UNESCO kêu gọi cải tổ mạnh mẽ và mở rộng các hệ thống TVET, trong đó tăng cường các lĩnh vực hành động để đáp ứng các thách thức này.

Các cải tổ bao gồm tăng cường sự tham gia của các chủ sử dụng lao động vào quản trị các TVET, tăng cường sự tương thích của các TVET, mở rộng tiếp cận và nâng cao chất lượng và tính hợp lý của các TVET, nâng cao trình độ chuyên nghiệp và phát triển các phương thức đa dạng để các TVET có thể cung cấp cho thanh niên các kỹ năng tương ứng với thị trường lao động. Ngoài ra, UNESCO kêu gọi tăng đầu tư vào TVET, đa dạng hóa các nguồn tài chính, làm cho TVET ngày càng hấp dẫn hơn đối với người được đào tạo cũng như chủ sử dụng lao động.

Các nước thành viên UNESCO thừa nhận vai trò lãnh đạo toàn cầu của UNESCO trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo các kỹ năng nghề nghiệp và kỹ năng sống, đồng thời kêu gọi UNESCO tăng cường các quan hệ đối tác với các tổ chức quốc tế khác để khai thác các khả năng thành lập cơ quan quốc tế chuyên phát triển các nguyên tắc chỉ đạo và định hướng phát triển các hệ thống TVET có chất lượng và trình độ chuyên nghiệp cao.

Các nước cũng cho rằng tư duy lại bản chất và vai trò của TVET trong các mô hình phát triển nguồn lực con người bền vững và bình đẳng hơn sẽ giúp chuyển đổi tiêu điểm từ nhu cầu phát triển ngắn hạn sang dài hạn, từ mở rộng các hệ thống TVET sang chuyển đổi về chất lượng và từ góp phần tăng trưởng kinh tế sang góp phần lớn hơn thúc đẩy bình đẳng xã hội./.

(TTXVN)
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất