Thứ Tư, 27/11/2024
Giáo dục
Thứ Năm, 22/3/2012 22:51'(GMT+7)

Tuyển sinh 2012: Những lưu ý khi làm hồ sơ

Đã một tuần tính từ thời điểm nộp hồ sơ tại các Sở GD&ĐT song số lượng hồ sơ nộp chưa nhiều do thí sinh đang khá thận trọng. Bởi, xu hướng chọn ngành gì, hợp lý hay không là một yếu tố đặc biệt quan trọng quyết định sự thành bại vào ĐH.

Lưu ý sự thay đổi mã ngành


Do có một số thay đổi cơ bản về quy chế tuyển sinh, Bộ GD&ĐT khuyến cáo thí sinh khi làm hồ sơ tuyển sinh cần tham khảo kỹ các hướng dẫn, quy định. Trong quá trình làm hồ sơ, thí sinh bỏ qua mục số 1, chỉ ghi từ mục 2 đến mục 16 trong hồ sơ (tại phiếu số 1, phiếu số 2 và mặt trước của túi hồ sơ); ghi cả phần chữ và phần số tương ứng. Hồ sơ không được phép tẩy xoá, không ký hiệu bằng chữ số La Mã.

Riêng mã ngành, năm nay không còn ký hiệu 2 hoặc 3 chữ số như các năm trước mà tăng lên đến 6 chữ số và 1 chữ cái. Năm nay cả nước có 141 trường ĐH-CĐ không tổ chức thi, mà chỉ xét tuyển theo đề thi chung của Bộ GD&ĐT. Nếu thí sinh có nguyện vọng (NV) tham gia xét tuyển vào các trường ĐH-CĐ không tổ chức thi hoặc vào hệ CĐ của trường ĐH đó thì sau khi đã khai mục 2 trong phiếu đăng ký dự thi, cần khai đầy đủ mục 3 (tên trường có NV học, ký hiệu trường, khối thi và mã ngành). Thí sinh có NV1 học tại trường có tổ chức thi tuyển sinh chỉ khai mục 2 mà không khai mục 3. Tại mục 14 sẽ là ký hiệu cụm thi, nếu ghi sai sẽ bị thất lạc địa điểm.

Năm nay, Bộ GD&ĐT cũng áp dụng trở lại hình thức miễn thi, xét thẳng vào ĐH-CĐ đối tượng học sinh giỏi quốc gia, học sinh lớp 12 được Bộ triệu tập tham gia thi chọn đội tuyển quốc gia dự thi Olympic quốc tế; cuộc thi khu vực; được tuyển chọn tham gia các cuộc thi quốc tế hoặc khu vực về TDTT, văn hóa văn nghệ; học sinh khiếm thị. Những đối tượng này sẽ nộp hồ sơ xét tuyển thẳng ĐH- CĐ trước ngày 20-6. Còn đối với những thí sinh tham dự thi ĐH-CĐ, sẽ nộp hồ sơ tại các Sở GD&ĐT từ ngày 15-3 đến 16-4; thời gian nộp hồ sơ trực tiếp tại các trường ĐH-CĐ tổ chức thi từ ngày 17 đến 23-4.

Chọn ngành: không thể vội vàng


Năm nay Bộ đã từng bước giao quyền tự chủ cho các trường tự chủ động lên phương án tuyển sinh, đồng thời mở thêm khối A1 (Toán, Lý, Anh) nhằm tăng cơ hội đậu cho thí sinh và đáp ứng một số ngành nghề đặc thù.

Áp dụng điều này, nhiều trường ĐH đã mở thêm các ngành nghề mới, phần lớn thuộc lĩnh vực kinh tế, kỹ thuật, tài chính. Cụ thể, trường ĐH Quốc tế (ĐH Quốc gia TP.HCM) đã mở thêm ngành "Kỹ thuật tài chính và quản trị rủi ro” khá mới lạ. Các trường thành viên ĐH Đà Nẵng thì dành 650/11.530 chỉ tiêu cho các ngành khối A1. Tại khu vực TP. HCM, nhiều ngành nghề mới được mở liên quan đến các lĩnh vực xây dựng, công trình, kỹ thuật điện-điện tử. Khu vực Đồng bằng sông Cửu Long cũng mở thêm nhiều ngành, chuyên ngành mới lĩnh vực nông nghiệp, y dược, thuỷ sản. Khu vực miền Bắc cũng xuất hiện nhiều ngành mới như đạo diễn sự kiện, biểu diễn âm nhạc và hướng dẫn viên du lịch quốc tế (ĐH Văn hóa Hà Nội); quản lý nhà nước và công tác xã hội (Học viện Báo chí tuyên truyền); luật kinh tế tuyển sinh khối C, luật thương mại quốc tế tuyển khối D1 (ĐH Luật Hà Nội).

Tại các cuộc tư vấn tuyển sinh, các chuyên gia đầu ngành và lãnh đạo Bộ GD&ĐT đều chú trọng lưu ý với các thí sinh sự quan trọng của việc lựa chọn ngành nghề. Sự hướng nghiệp ngay từ ban đầu này có tác dụng rất lớn ảnh hưởng đến thất bại hay thành công trong thi cử hoặc thuận lợi hay khó khăn khi sinh viên ra trường đi xin việc. Nhiều thí sinh chạy đua theo những ngành nghề "hot”, ngành nghề có viễn cảnh tươi sáng khi ra trường, nhưng năng lực và sở trường bản thân không phù hợp thì xác xuất trượt ĐH rất cao. Nếu có đậu, thí sinh sẽ gặp nhiều khó khăn vì trái ngành nghề, trái sở trường. Một số khác chọn lựa ngành nghề mà không tham khảo kỹ các thông tin tuyển sinh vùng miền, không nắm bắt nhu cầu xã hội cũng như sự thích ứng ngành nghề ấy đối với từng địa phương, cũng sẽ gặp nhiều thất bại.

Nhằm cung cấp thông tin về kỳ thi tuyển sinh ĐH-CĐ hệ chính quy năm 2012 một cách rộng rãi, ngày 21-3 Bộ GD&ĐT đã có công văn gửi các trường ĐH-CĐ, Học viện trên cả nước yêu cầu công bố thông tin kịp thời trên website nhà trường. Nội dung này phải thống nhất so với các thông tin đã đăng tải trong cuốn "Những điều cần biết về tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2012”. Riêng đối với các trường ĐH-CĐ ngoài công lập phải thông báo về mức học phí của từng ngành trên website của trường và báo cáo về Vụ Giáo dục Đại học trước ngày 25-3-2012 để đăng tải trên website của Bộ GD&ĐT./.

Theo GDVN

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất