Chủ Nhật, 22/9/2024
Đời sống
Thứ Hai, 10/12/2012 22:41'(GMT+7)

Ưu tiên xây dựng công trình nước sạch, vệ sinh môi trường vùng khó khăn

Công trình nước sạch của người dân làng Ho thuộc xã Kim Thủy (Lệ Thủy, Quảng Bình).  ( Ảnh: DƯƠNG NGỌC )

Công trình nước sạch của người dân làng Ho thuộc xã Kim Thủy (Lệ Thủy, Quảng Bình). ( Ảnh: DƯƠNG NGỌC )

Tuy nhiên, hiện nay do việc sử dụng nguồn nước kém chất lượng, thiếu các công trình nhà tiêu hợp vệ sinh là một trong những nguyên nhân làm gia tăng các bệnh, dịch, tỷ lệ SDD trẻ em ở một số vùng, miền, nhất là đối với vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số ở nước ta.

Tỷ lệ SDD trẻ em dưới năm tuổi ở nước ta đã giảm từ 44% (năm 1994) xuống còn 17,5% (năm 2010). Với kết quả đó, Việt Nam được Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc đánh giá là một trong những nước có mức giảm tỷ lệ SDD nhanh nhất khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Tuy nhiên, tỷ lệ SDD thể thấp, còi trẻ em dưới năm tuổi ở nước ta còn chiếm gần 30%, cũng như sự chênh lệch giữa các vùng, miền trong cả nước. Theo các chuyên gia trong lĩnh vực này, có hai nguyên nhân dẫn đến tình trạng SDD trẻ em dưới năm tuổi ở Việt Nam còn cao, là do dinh dưỡng trong khẩu phần ăn vào không đủ và bệnh tật, nhất là các bệnh truyền nhiễm, được coi là nguyên nhân trực tiếp. Nguyên nhân gián tiếp, bao gồm cả vấn đề an ninh lương thực, sự bất cập trong chăm sóc bà mẹ trẻ em, các dịch vụ y tế, vệ sinh môi trường như nguồn nước không hợp vệ sinh, môi trường bị ô nhiễm...

Kết quả nghiên cứu "Mối liên quan giữa vệ sinh môi trường, nguồn nước hộ gia đình và hành vi chăm sóc trẻ của bà mẹ với tình trạng dinh dưỡng của trẻ dưới năm tuổi tại Việt Nam" tại một số tỉnh do Cục Quản lý Môi trường Y tế (Bộ Y tế) thực hiện cho thấy: Tại sáu địa phương nghiên cứu, tỷ lệ SDD thể thấp còi là 35,4%; tỷ lệ SDD thể nhẹ cân là 21,3%, đều cao hơn mức trung bình của cả nước (31,9% và 18,9%). Số hộ gia đình có nhà tiêu hợp vệ sinh theo tiêu chuẩn của Bộ Y tế ban hành mới đạt 30,9%. Nguồn nước sử dụng trong ăn uống, sinh hoạt hiện vẫn còn 30,4% hộ gia đình có nguồn nước chính không hợp vệ sinh, điều đáng lo ngại là hiện nay vẫn còn 15,1% số hộ gia đình đang sử dụng nước sông, suối, ao, hồ là nguồn nước chính cho ăn uống và sinh hoạt... Phân tích ở mức cộng đồng cho thấy, mối liên hệ giữa tình trạng SDD của trẻ có liên quan đến nguồn nước ăn uống, sinh hoạt, nhà tiêu hợp vệ sinh. Tỷ lệ SDD thể thấp còi, thể nhẹ cân thấp hơn so với nhóm sử dụng nguồn nước ăn uống, sinh hoạt, nhà tiêu không hợp vệ sinh.

Cục trưởng Quản lý Môi trường Y tế PGS, TS Nguyễn Huy Nga, cho biết: Nếu chúng ta giải quyết tốt vấn đề cung cấp nước sạch, vệ sinh môi trường ở thành thị, cũng như ở các vùng nông thôn thì sẽ hạn chế được tình trạng ô nhiễm môi trường, giảm tỷ lệ mắc và dẫn tới thanh toán một số bệnh đang tồn tại nhiều năm như tiêu chảy, thương hàn, lỵ, nhiễm ký sinh trùng... chúng ta hoàn toàn có thể giảm được tỷ lệ SDD trẻ em. Giảm từ 0 đến 23% số trẻ SDD thể nhẹ cân và từ 0 đến 33% số trẻ SDD thể thấp còi ở trẻ dưới năm tuổi với điều kiện tất cả các hộ gia đình sử dụng nguồn nước hợp vệ sinh. Giảm từ 1 đến 10% số trẻ SDD thể nhẹ cân và từ 4 đến 16% số trẻ SDD thể thấp còi ở trẻ dưới năm tuổi với điều kiện tất cả các hộ gia đình sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh... Số liệu thống kê cho thấy, hiện nay cả nước mới có 50% hộ gia đình có nhà tiêu hợp vệ sinh, cũng như còn 44% hộ gia đình ở các vùng nông thôn sử dụng nguồn nước truyền thống từ giếng đào. Ðáng chú ý còn đến 12% hộ gia đình sử dụng nguồn nước bề mặt không bảo đảm vệ sinh trong ăn uống sinh hoạt hằng ngày...

Ðể từng bước cải thiện môi trường nguồn nước ăn uống, sinh hoạt, nhà tiêu hợp vệ sinh nhằm nâng cao sức khỏe cộng đồng, cũng như góp phần giảm tỷ lệ SDD trẻ em dưới năm tuổi ở nước ta, trong Chương trình mục tiêu quốc gia về nước sạch và vệ sinh môi trường giai đoạn ba cần tập trung vào lĩnh vực vệ sinh môi trường, vệ sinh cá nhân, cũng như ưu tiên cho các vùng sâu, vùng xa có tỷ lệ bao phủ nhà tiêu và chuồng trại hợp vệ sinh thấp. Có chính sách hỗ trợ, khuyến khích trong việc hình thành một thị trường trang thiết bị, vật liệu xây dựng phục vụ xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh cho phù hợp từng vùng, miền, điều kiện kinh tế của người dân, nhất là đối với vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số.

Tăng cường việc lồng ghép, phối hợp các hoạt động cải thiện vệ sinh môi trường, vệ sinh cá nhân vào các chương trình phòng, chống SDD, cũng như đối với các chương trình khác đang triển khai trên địa bàn. Tư vấn giúp người dân lựa chọn các loại nhà tiêu phù hợp điều kiện của từng địa phương, điều kiện kinh tế của các hộ gia đình, nhất là việc hướng dẫn để họ xây dựng, sử dụng nhà tiêu bảo đảm các tiêu chuẩn vệ sinh theo hướng dẫn của các cơ quan chuyên môn. Ðẩy mạnh công tác truyền thông giáo dục về vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường, vệ sinh nguồn nước, nhất là đối với các bà mẹ, người chăm sóc trẻ biết và thường xuyên thực hiện các hành vi vệ sinh môi trường, vệ sinh cá nhân và vệ sinh cho trẻ.

Theo Nhân dân

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất