Thứ Sáu, 20/9/2024
Tuyên truyền
Chủ Nhật, 13/12/2009 16:52'(GMT+7)

Vai trò của Nhà nước trong nền kinh tế thị trường nhìn từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu

Trong buổi thảo luận sáng nay (13/12), các đại biểu Việt Nam - Trung Quốc trình bày 6 tham luận, đề cập đến các nhóm vấn đề: Tác động của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu đến đầu tư trực tiếp ở Việt Nam và các giải pháp ứng phó; Vai trò và đóng góp của Trung Quốc trong việc ứng phó với cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu; Ảnh hưởng của khủng hoảng tài chính, suy giảm kinh tế toàn cầu đến lao động, việc làm và đời sống người dân nông thôn ở Việt Nam; Vai trò của nhà nước trong kinh tế thị trường nhìn từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu; Ưu thế chế độ của Trung Quốc nhìn từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu; Thực tiễn ứng phó khủng hoảng tài chính toàn cầu thể hiện ưu thế to lớn của kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa.


Trong bài tham luận nhan đề “Vai trò của nhà nước trong kinh tế thị trường nhìn từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu”, Giáo sư - Tiến sĩ Vũ Văn Hiền - Uỷ viên Trung ương Đảng, Tổng Giám đốc Đài TNVN, thành viên Hội đồng lý luận Trung ương - đã phân tích một cách biện chứng, sâu sắc nguyên nhân và cội nguồn dẫn tới cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu hiện nay. Theo đó, cuộc khủng hoảng lần này bắt nguồn từ một điều cốt lõi nhất, quan trọng nhất – đó chính là việc nhận thức và thực hiện sai lệch vai trò của nhà nước trong nền kinh tế thị trường.

GS .TS Vũ Văn Hiền tại Hội thảo lý luận ĐCS Việt Nam và ĐCS Trung Quốc

Giáo sư - Tiến sĩ Vũ Văn Hiền khẳng định, cuộc khủng hoảng lần này rõ ràng bắt nguồn trực tiếp từ việc Chính phủ Mỹ và các chính phủ khác ở các nước phát triển đã xử lý sai lầm quan hệ giữa nhà nước và thị trường, trao quá nhiều quyền cho cơ chế thị trường tự do, buông lỏng sự quản lý và giám sát điều hành của nhà nước. Ngay sau khi cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu nổ ra, hầu như tất cả chính phủ các nước và các tổ chức quốc tế đã nhanh chóng vào cuộc, tìm mọi giải pháp có thể để khắc phục hậu quả. Tuy nhiên, thực tế cho thấy: Các nền kinh tế càng nhiều nhân tố nhà nước thì càng ít chịu thiệt hại, ngược lại các nền kinh tế càng ít nhân tố nhà nước thì tổn hại càng nặng nề. Chẳng hạn, Hoa Kỳ là nước thực hiện cơ chế thị trường tự do sâu rộng nhất, Nhà nước quản lý ít nhất, thì bị tác động mạnh nhất và nền kinh tế lún sâu nhất trong bãi lầy khủng hoảng (tăng trưởng kinh tế trong năm 2009 dự báo là -0,7%). Ngược lại, Trung Quốc có nền kinh tế được điều hành quản lý chặt chẽ và hiệu quả nên bị ảnh hưởng ít nhất (dự báo tăng trưởng kinh tế trong năm 2009 đạt khoảng 8,5%).

Sau khi phân tích, đánh giá tình hình ứng phó với cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu của nhiều nước trên thế giới, kết hợp với thực tiễn Việt Nam, Giáo sư - Tiến sĩ Vũ Văn Hiền cho rằng, thông qua cuộc khủng hoảng toàn cầu lần này, chúng ta có thể rút ra những bài học bổ ích. Một là, cần nhận thức và giải quyết đúng đắn mối quan hệ giữa nhà nước và kinh tế thị trường; Hai là, mô hình kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là một tất yếu khách quan, có tính ưu việt nhưng cần được không ngừng hoàn thiện. Ba là, cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu không chỉ đưa tới hậu quả nghiêm trọng và thách thức to lớn, mà còn tạo ra cơ hội mới cho mỗi nền kinh tế. Đặc biệt, cần nhân cơ hội này cấu trúc lại nền kinh tế, cân bằng giữa nội lực và ngoại lực, phải coi nội lực là nhân tố quyết định.

Phần cuối bài tham luận, Giáo sư-Tiến sĩ Vũ Văn Hiền khẳng định: “Bài học lớn nhất rút ra từ việc ứng phó với cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu lần này là sự tự tin. Qua cơn khủng hoảng, chúng ta càng thấy học thuyết kinh tế mác-xít cắt nghĩa quá trình sản xuất, phân phối lưu thông và những mâu thuẫn, bế tắc vô phương cứu chữa của nền kinh tế tư bản chủ nghĩa là học thuyết khoa học đến nay vẫn còn nguyên ý nghĩa thời đại. Từ những thành công của công cuộc cải cách, mở cửa và phát triển của kinh tế Trung Quốc cũng như những thành tựu của hơn 20 năm đối mới kinh tế của Việt Nam, chúng ta càng tự tin hơn với việc xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, một nền kinh tế trong đó vai trò của Nhà nước trong việc vận hành, điều tiết kinh tế ngày càng được thực hiện một cách khoa học, hợp lý; trong đó thị trường được phát triển tự nhiên theo quy luật kinh tế và có sự định hướng bảo đảm cho sự ổn định, bền vững, hài hòa. Đó là mô hình phát triển kinh tế đúng đắn dựa trên cơ sở lý luận khoa học và đã được thực tiễn kiểm nghiệm.”

Bài tham luận của Giáo sư - Tiến sĩ Vũ Văn Hiền đã nhận được sự tán đồng của nhiều học giả Việt Nam và Trung Quốc. Ông Trương Vũ, Bí thư Đảng ủy Học viện kinh tế, Đại học nhân dân Trung Quốc, cho rằng, thực tế đã chứng minh, kinh tế thị trường càng phát triển, càng cần có sự điều tiết vĩ mô của nhà nước, cũng như sự giám sát, quản lý hiệu quả của nhà nước với thị trường. Sự điều tiết thị trường đơn thuần luôn tồn tại những khiếm khuyết không thể khắc phục được.

Liên hệ đến tình hình Trung Quốc, ông Trương Vũ nhấn mạnh: “Phát triển kinh tế thị trường trong điều kiện xã hội chủ nghĩa là một trong những kinh nghiệm cơ bản để Trung Quốc thực hiện cải cách mở cửa thành công, là một trong những bảo bối quan trọng giúp Trung Quốc đạt được kỳ tích về kinh tế. Thực tiễn đối phó với cuộc khủng hoảng lần này càng thêm chứng tỏ ưu thế lớn mạnh của nền kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa.”

Ngày mai (14/12), Hội thảo lý luận lần thứ 5 giữa Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Cộng sản Trung Quốc sẽ bế mạc sau 3 ngày làm việc./.

(Theo: VOV)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất