Ngày 28/4, tại Hà Nội, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội tổ chức hội thảo khoa học quốc gia “Thế hệ nhà văn sau 1975”. Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện đã đến dự và phát biểu tại Hội thảo.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, PGS. TS. NGƯT Nguyễn Văn Cương, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, mấy năm gần đây, với nhu cầu nhìn nhận, đánh giá một cách toàn diện về văn học Việt Nam nửa sau thế kỷ XX, một số cơ quan nghiên cứu, quản lý văn hóa văn nghệ đã tiến hành nhiều hội thảo văn chương quy mô, sôi nổi, hiệu quả. Theo đó, những thành tựu, vị trí văn học thời kỳ trước năm 1975 dường như đã được xác thực với các kết luận nhận được đồng thuận cao: văn học chống Mỹ cứu nước, gắn với thế hệ nhà văn trưởng thành trong giai đoạn kháng chiến đầy cam go, thử thách.
Tuy nhiên, có một vấn đề mà các hội thảo chưa đặt ra thảo luận là: câu chuyện về các thế hệ nhà văn sau 1975, một thế hệ cầm bút, xuất hiện ngay sau thế hệ nhà văn thời chiến, một thế hệ mà nhiều người định danh là “thế hệ hậu chiến”. Sẽ không thể khách quan, hệ thống như lẽ ra cần thiết phải vậy nếu không để tâm nhìn lại diện mạo, tiếng nói của thế hệ nhà văn sau 1975, dù đây đó, khi bàn về văn học đổi mới từ 1986 đến nay, những nét sơ lược chân dung của họ cũng đã được phác thảo.
Trường Đại học Văn hóa Hà Nội tổ chức Hội thảo hôm nay nhằm hướng đến việc tiếp cận kỹ càng hơn các lớp sóng văn chương trong giai đoạn đất nước tiến hành đổi mới toàn diện. Mặc dù công cuộc đổi mới văn học được làm nên bởi nhiều nhà văn, kể cả thế hệ trước và sau 1975, nhưng lực lượng chính, đông đảo nhất và trực tiếp kiến tạo những giá trị mới, đặc biệt là hệ mỹ học mới, lại chủ yếu thuộc về những người xuất hiện, khẳng định tên tuổi sau 1975. Nếu xét về độ tuổi, phần lớn họ sinh vào những năm 1950, 1960. Nếu xét về thời điểm đăng đàn, họ có mặt ngay từ lúc tinh thần Đổi mới đang khởi dựng cho đến khi hình thành cao trào. Nếu nhìn vào quan điểm và cách thức thực hành văn chương, họ nỗ lực thoát khỏi nhưn khuôn thước của văn học thế hệ trước đó. Chọn vấn đề thế hệ nhà văn sau 1975 để diễn giải, vì thế, kéo theo những quan sát liên ngành, từ sử học, xã hội học, văn hóa học. Hội thảo đã nhận được hơn 80 tham luận gửi tới. Những vấn đề, hiện tượng, tác giả, tác phẩm, phong cách nghệ thuật của các thế hệ nhà văn sau 1975 đã được các tham luận tiếp cận, phân tích theo nhiều góc nhìn, phương phá khác nhau.
Phát biểu tại Hội thảo, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện khẳng định, thế hệ nhà văn sau năm 1975 chính là thế hệ sáng tác khi chiến tranh đã kết thúc, khi non sông đất nước đã thu về một mối. Có thể họ đã không sinh ra trong thời chiến nhưng họ đã cầm bút và trưởng thành trong thời bình. Thế hệ này đã tiếp nối xứng đáng lớp thế hệ cầm bút trưởng thành trong những năm tháng kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Dù chưa thể nhận dạng đầy đủ văn học thời kỳ đổi mới, nhưng có một điều chúng ta có thể khẳng định, thế hệ nhà văn xuất hiện trên văn đàn sau năm 1975 là lớp người có đóng góp hết sức to lớn cho sự nghiệp đổi mới của văn học nước nhà. Họ xuất hiện là để làm mới văn học, là đưa văn học sang giai đoạn mới, họ xuất hiện để giã từ những kinh nghiệm đã lỗi thời và tiếp thu tìm tòi những nguyên tắc nghệ thuật hiện đại, làm phong phú cho nền văn học. Công cuộc đổi mới văn học có sự tham gia của nhiều nhà văn thuộc thế hệ trước và sau 1975, nhưng lực lượng chính, đông đảo nhất và trực tiếp kiến tạo những giá trị mới chủ yếu thuộc về những người xuất hiện, khẳng định tên tuổi sau năm 1975.
Theo TS. Chu Văn Sơn (Trường Đại học Sư phạm Hà Nội), thế hệ nhà văn sau 1975 là những cây bút như: Nguyễn Huy Thiệp, Phạm Thị Hoài, Bảo Ninh, Nguyễn Quang Lập, Tạ Duy Anh, Hồ Anh Thái, Sương Nguyệt Minh; Nguyễn Lương Ngọc, Mai Văn Phấn, Nguyễn Bình Phương, Ngyễn Việt Chiến, Trần Hòa Bình, Nguyễn Thị Ánh Huỳnh; Trương Đăng Dung, Đỗ Lai Thúy, Huỳnh Như Phương, ật là Phạm Xuân Nguyên, Nguyễn Đăng Điệp, Phạm Xuân Nguyên, Nguyễn Đình Thành, Trương Hồng Quang, Trần Tiễn Cao Đăng, …. Công cuộc đổi mới văn học có sự tham gia của nhiều nhà văn thuộc thế hệ trước và sau 1975, nhưng lực lượng chính, đông đảo nhất và trực tiếp kiến tạo những giá trị mới chủ yếu thuộc về những người xuất hiện, khẳng định tên tuổi sau năm 1975.
TS Chu Văn Sơn khẳng định, thay vì ca ngợi hiện thực, thế hệ này tập trung tra vấn hiện thực. Do tinh thần tra vấn mà khuynh hướng sử thi nhạt dần, nhường chỗ cho khuynh hướng thế sự và đời tư, cảm hứng lãng mạn thoái vị nhường ngôi cho cảm hứng phản tư, đối thoại.
Theo GS.TS Trần Đình Sử, dù chưa thể nhận dạng đầy đủ văn học thời kì đổi mới, nhưng có một điều có thể chắc chắn, thế hệ nhà văn xuất hiện trên văn đàn sau năm 1975 là lớp người đóng góp lớn nhất cho sự nghiệp đổi mới văn học. Họ xuất hiện là để làm mới văn học, là đưa văn học sang giai đoạn mới. Họ không có gì để giữ gìn, trì kéo, không có gì để mất. Họ xuất hiện để giã từ những tín điều đã lỗi thời và tiếp thu tìm tòi những nguyên tắc nghệ thuật hiện đại, đi tìm những mĩ học mới và khác làm phong phú cho văn học dân tộc.
TS Đỗ Hải Ninh, Viện Văn học cho rằng thế hệ nhà văn sau 1975 là thế hệ nhà văn sinh vào quãng từ năm 1950 - 1960, sinh ra và lớn lên chủ yếu trong cuộc chiến tranh chống Mỹ, trưởng thành cùng với sự nếm trải những năm tháng hòa bình và hậu chiến nhưng chiếc áo nhà văn - cán bộ, nhà văn - chiến sĩ không mặc vừa với họ. Họ là những tác giả đi để trở về, soi ngắm và tự vấn, chính bối cảnh hậu chiến và đổi mới đã quy tụ họ về một không gian chung, nơi tập trung rõ nhất những mâu thuẫn xã hội, và nghịch lý của cuộc sống. Trong từng chặng đường, hành trình của văn học đã có những chuyển động qua sự tiếp nối các thế hệ nhà văn tạo nên dòng chảy chung để văn học Việt có thể vươn tới biển lớn hội nhập.
Dưới góc độ một nữ nhà văn, TS Thái Phan Vàng Anh cho rằng: Các nhà văn nữ đã cùng nhau làm nên một dòng văn học nữ giàu bản sắc, tiếp tục cất lên tiếng nói của nữ nhân Việt Nam. Tiếng nói nữ giới ấy không còn là những tiếng nói cá nhân, nhỏ lẻ như những thời kì, những giai đoạn văn học trước. Tiếng nói phụ nữ trong văn xuôi 30 năm đổi mới đã là tiếng nói chung của giới nữ. Nhờ sự tập hợp đông đảo ấy, các nhà văn nữ thế hệ sau 1975 đã không chỉ khẳng định ý thức giới tính mà còn tạo nên một diễn ngôn của giới mang đậm âm hưởng nữ quyền. Văn học nữ nhờ đó không còn là một bộ phận, một khu vực văn học “ngoại biên” của nền văn học chính thống. Văn học, văn xuôi nữ trở thành một bộ phận không thể chia cắt, tách rời của nền văn học đương đại. Diện mạo của văn học Việt Nam đương đại cũng sẽ khuyết thiếu, bất thành hình nếu không tính đến sự góp phần của văn xuôi nữ, đặc biệt là văn xuôi của các nữ nhà văn thế hệ sau 1975.
Cũng tại hội thảo, cuốn sách "Thế hệ nhà văn sau 1975: Diện mạo và thành tựu" cũng được giới thiệu với độc giả cả nước./.
Thu Hằng