Thứ Bảy, 21/9/2024
Giới thiệu tác phẩm
Thứ Tư, 22/6/2011 15:51'(GMT+7)

Vấn đề dân tộc và quan hệ dân tộc ở Việt Nam hiện nay

Trong cuốn sách, theo PGS, TS. Lê Ngọc Thắng, vấn đề dân tộc phải được quan niệm dưới ba góc độ: Một là, các vấn đề thuộc về bản chất, nội hàm của các yếu tố cấu thành dân tộc, cấu thành vấn đề dân tộc trên thế giới và trong nước; các khối cộng đồng người; dân tộc và chủng tộc; yếu tố lịch sử, kinh tế, văn hóa, tâm lý, tập quán, địa vực cư trú…; Hai là, vấn đề dân tộc được hiểu là vấn đề nổi lên cần được giải quyết của các dân tộc trong thời đại tư bản và đế quốc chủ nghĩa với các vấn đề liên quan: sự giải phóng các dân tộc khỏi sự thống trị của ngoại xâm, quyền tự quyết của các dân tộc, sự đoàn kết giữa các dân tộc, sự bình đẳng giữa các dân tộc, vấn đề lợi ích dân tộc và lợi ích giai cấp, quan điểm của giai cấp cầm quyền về vấn đề dân tộc, chính sách đối với các dân tộc… Ba là, vấn đề thuộc về cộng đồng người và cộng đồng quốc gia khi đặt nó trong sự đối sánh với vấn đề giai cấp, vấn đề tôn giáo, vấn đề quan hệ phát triển gắn với lợi ích kinh tế, chủ quyền, văn hóa… trong thời đại ngày nay.

Đề cập vấn đề quan hệ dân tộc ở Việt Nam, PGS, TS. Lê Sỹ Giáo cho rằng: mối quan hệ dân tộc đã hình thành từ lâu đời và việc quản lý nhà nước các mối quan hệ dân tộc đã có lịch sử hàng nghìn năm. Sự phát triển của các mối quan hệ dân tộc có ảnh hưởng đặc biệt quan trọng đến quá trình đấu tranh dựng nước và giữ nước, quá trình đấu tranh giải phóng các dân tộc khỏi ách thống trị của chủ nghĩa thực dân cũ và mới, cũng như trong sự nghiệp xây dựng xã hội hiện đại.

Quan hệ dân tộc muôn thuở của nước ta là quan hệ đa số - thiểu số, quan hệ giữa người Kinh với các dân tộc anh em và các dân tộc anh em với nhau. Ngoài các mối quan hệ về mặt ngôn ngữ, văn hóa, nội dung của quan hệ dân tộc còn phải nhắc đến quan hệ dân tộc về mặt lãnh thổ. Quan hệ dân tộc trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước thực sự là những vấn đề có tính chiến lược của chính sách đại đoàn kết.

Theo các tác giả, nói vấn đề dân tộc không chỉ đề cập đến các vấn đề thuộc khái niệm dân tộc là đủ mà cần có nhãn quan xem xét vai trò và quan điểm của giai cấp cầm quyền nhìn nhận và giải quyết nội dung dân tộc như thế nào trên hai phương diện lý luận và thực tiễn. Khi đề cập vấn đề này, các tác giả của cuốn sách không chỉ dừng lại ở khái niệm, tình hình quan niệm về các vấn đề dẫn đến sự hình thành dân tộc mà còn chú ý đúng mức đến bối cảnh và tình hình xuất hiện vấn đề dân tộc và việc giải quyết vấn đề dân tộc về lý luận và thực tiễn như thế nào qua các thời kỳ lịch sử.

Việt Nam là một quốc gia đa dân tộc, gồm 54 dân tộc anh em, trong đó, người Kinh là dân tộc đa số. Các dân tộc thiểu số ở Việt Nam chủ yếu ống tại miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới là địa bàn quan trọng, có vị trí chiến lược trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh quốc phòng. Nhận thức rõ tầm quan trọng của vùng các dân tộc thiểu số, trong những năm qua, Đảng và Nhà nước đã ban hành và thực hiện nhiều chủ trương, chính sách phát triển kinh tế - xã hội. Nhờ đó, đời sống vật chất và tinh thần của các dân tộc ngày càng được nâng cao; văn hóa các dân tộc luôn được coi trọng, giữ gìn, bảo tồn và phát huy; mối quan hệ đoàn kết giữa các dân tộc ngày càng được tăng cường và củng cố…

Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân cả khách quan và chủ quan, đời sống của một bộ phận không nhỏ các dân tộc thiểu số sống ở miền núi, vùng sâu, vùng xa còn gặp rất nhiều khó khăn, thiếu thốn cả về đời sống vật chất và tinh thần. Tình trạng trên không những làm cho các dân tộc thiểu số khó vươn lên hòa nhập cùng với sự phát triển chung của cả nước mà còn tạo ra khoảng cách phát triển giữa các dân tộc, tiềm ẩn những yếu tố có thể gây mất ổn định chính trị - xã hội, nhất là khi bị các thế lực thù địch lợi dụng.

Với hơn 300 trang sách, nội dung cuốn sách là tài liệu tham khảo phục vụ cho công tác giảng dạy và học tập của học viên trong chương trình đào tạo cán bộ lãnh đạo quản lý của Đảng, chính quyền và các đoàn thể chính trị - xã hội và là tài liệu tham khảo bổ ích với bạn đọc, các nhà khoa học, nhất là các cơ quan chức năng, các nhà hoạch định và thực thi đường lối, chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước.

Phạm Ngọc Huệ

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất