Thứ Ba, 19/11/2024
Xã hội
Thứ Ba, 20/8/2013 15:36'(GMT+7)

Vận động lao động Việt Nam ở Hàn về nước đúng hạn

Buổi gặp mặt có sự tham dự của đông đảo của lao động Việt ở thành phố Cheonan. (Ảnh: Việt Cường/Vietnam+)

Buổi gặp mặt có sự tham dự của đông đảo của lao động Việt ở thành phố Cheonan. (Ảnh: Việt Cường/Vietnam+)

Chiều 18/8, Đại sứ quán Việt Nam tại Hàn Quốc phối hợp Trung tâm hỗ trợ lao động nước ngoài thành phố Cheonan (Hàn Quốc) đã tổ chức ngày hội gặp mặt người lao động Việt Nam lần thứ hai ở khu vực Cheonan và các vùng lân cận.

Tham dự buổi gặp mặt có Đại sứ Việt Nam tại Hàn Quốc Trần Trọng Toàn, đại diện lãnh đạo Trung tâm hỗ trợ lao động nước ngoài thành phố Cheonan, một số nghị sĩ quốc hội Hàn Quốc, đại diện HRD, Ban quản lý lao động Việt Nam tại Hàn Quốc và đông đảo người lao động Việt Nam ở khu vực Cheonan và vùng lân cận.

Ông Lương Đức Long, Phó Giám đốc Trung tâm Lao động ngoài nước đã tham dự và có buổi nói chuyện thân mật với người lao động Việt Nam.

Trong bài phát biểu chào mừng, Đại sứ Trần Trọng Toàn nhấn mạnh “Đây là một dịp quý báu để người lao động Việt Nam tại Hàn Quốc gặp gỡ, giao lưu, chia sẻ tình cảm đồng hương, trao đổi kinh nghiệm sống và làm việc, đồng thời được nghe phổ biến những chính sách và quy định liên quan trong lĩnh vực hợp tác lao động giữa Việt Nam và Hàn Quốc.”

Theo Đại sứ, trong những năm qua, Hàn Quốc đã tiếp nhận hàng vạn lao động Việt Nam làm việc trong các ngành nghề khác nhau, đóng góp cho sự phát triển kinh tế của Hàn Quốc, đồng thời tăng thêm thu nhập cho người lao động Việt Nam, góp phần cải thiện đời sống gia đình. Đây là sự hợp tác cùng có lợi cho cả hai bên.

Người lao động Việt Nam nhìn chung được đánh gía tốt về năng lực, tay nghề, sự sáng ý và cần cù chăm chỉ, được nhiều chủ sử dụng Hàn Quốc đánh giá tốt. Lao động Việt Nam xây dựng được quan hệ thân thiện với người dân Hàn Quốc, góp phần tăng cường quan hệ hợp tác hữu nghị giữa nhân dân hai nước.

Số liệu thống kê mới nhất cho thấy từ 8/2004 đến nay, đã có khoảng trên 72.000 lao động Việt Nam sang làm việc tại Hàn Quốc theo chương trình EPS. Chương trình này đáp ứng lợi ích của cả hai phía Việt Nam và Hàn Quốc.

Với mức thu nhập bình quân từ 900 đến 1200 USD/tháng, hàng năm những người lao động này chuyển về nước cho gia đình ước tính trên 700 triệu USD, góp phần thiết thực xóa đói giảm nghèo cho bản thân và gia đình người lao động.

Tuy nhiên, từ đầu năm 2011 trở lại đây, tình trạng người lao động không về nước sau khi hết hạn hợp đồng lao động, mà ở lại làm việc và cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc đã phát sinh. Việc người lao động hết hạn hợp đồng không về nước là vi phạm pháp luật của Hàn Quốc, đồng thời vi phạm quy định của pháp luật Việt Nam về xuất khẩu lao động.

Tình trạng này làm ảnh hưởng xấu đến hình ảnh lao động Việt Nam tại Hàn Quốc và hậu quả là Bộ Lao động và Việc làm Hàn Quốc chưa ký gia hạn Bản ghi nhớ (MoU) về việc đưa lao động Việt Nam sang làm việc tại Hàn Quốc theo chương trình EPS, đã hết hiệu lực từ ngày 29/8/2012.

Thời gian vừa qua, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Việt Nam đã chỉ đạo các đơn vị chức năng thực hiện nhiều giải pháp ở cả trong nước và tại Hàn Quốc để giải quyết vấn đề này như phối hợp với chính quyền địa phương các cấp tổ chức tuyên truyền, vận động các gia đình động viên người lao động về nước đúng thời hạn; áp dụng hạn chế tuyển chọn lao động của một số xã, phường có nhiều người lao động cư trú bất hợp pháp; tăng cường giáo dục ý thức chấp hành pháp luật cho người lao động trước khi xuất cảnh, thay đổi cách thức tuyển chọn người lao động; phối hợp với Ban Quản lý lao động Việt Nam tại Hàn Quốc và các cơ quan chức năng của Hàn Quốc tổ chức nhiều buổi tư vấn tuyên truyền tại Hàn Quốc để vận động người lao động về nước đúng thời hạn sau khi hết hạn hợp đồng lao động.

Tuy nhiên, trong năm 2012 và 6 tháng đầu năm 2013, tỷ lệ người lao động Việt Nam hết hạn hợp đồng lao động không về nước tuy có giảm nhưng vẫn ở mức cao, cao hơn tỷ lệ chung của lao động nước ngoài thuộc 15 nước làm việc tại Hàn Quốc (mức 20%).

Thay mặt Trung tâm Lao động ngoài nước, ông Nguyễn Đức Long đã chia sẻ về tình hình lao động Việt Nam tại Hàn Quốc, những vấn đề phát sinh trong thời gian gần đây, các chính sách của Chính phủ Hàn Quốc và Việt Nam nhằm khuyến khích người lao động Việt Nam hết hạn hợp đồng lao động tại Hàn Quốc về nước đúng thời hạn.

Thực tế cho thấy, nếu về nước đúng thời hạn, người lao động Việt Nam sẽ được hưởng những ưu đãi mà Chính phủ Hàn Quốc đã và đang áp dụng. Kỳ kiểm tra tiếng Hàn đặc biệt CBT lần thứ 8 sẽ diễn ra từ ngày 26/8 tới đây đã có 1.047 người đăng ký.

Tính đến thời điểm hiện tại, đã có gần 2000 người lao động Việt Nam được chủ sử dụng Hàn Quốc lựa chọn và có khoảng 1.500 người đã xuất cảnh, trở lại Hàn Quốc làm việc.

Bên cạnh đó, những người lao động mẫu mực (phía Hàn Quốc gọi là lao động trung thành), trong suốt thời gian 4 năm 10 tháng hoặc 6 năm làm việc hợp pháp liên tục cho một chủ sử dụng, không chuyển xưởng lần nào, về nước đúng hạn sau 3 tháng được làm thủ tục trở lại Hàn Quốc mà không phải dự kiểm tra tiếng Hàn.

Đã có khoảng 1.300 lao động Việt Nam thuộc diện này xuất cảnh, trở lại Hàn Quốc làm việc.

Ông Lương Đức Long cũng khẳng định rằng tất cả các thủ tục liên quan đều được thực hiện trực tiếp tại Trung tâm Lao động ngoài nước, tạo điều kiện hết sức thuận tiện cho người lao động chứ không thông qua các Sở Lao động địa phương như trước đây.

Dự kiến, trong 6 tháng cuối năm 2013 sẽ có khoảng 4.900 lao động Việt Nam hết hạn hợp đồng.

Buổi gặp mặt thêm phần sôi động với các tiết mục biểu diễn của ca sĩ Dương Hoàng Yến cùng các nghệ sĩ Hàn Quốc. Bên cạnh đó, người lao động còn có cơ hội nhận được 4 vé máy bay khứ hồi của Hãng Hàng không quốc gia Việt Nam tại Hàn Quốc và nhiều phần quà rất có ý nghĩa của các nhà tài trợ Hàn Quốc thông qua chương trình bốc thăm trúng thưởng./.

Anh Nguyên-Việt Cường/Seoul (Vietnam+)
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất