Thứ Ba, 24/9/2024
Diễn đàn
Thứ Bảy, 2/4/2011 16:47'(GMT+7)

Hà Nội- thành phố công cộng hay của tập đoàn?

Chợ Hàng Da ngày nay

Chợ Hàng Da ngày nay

 Chợ Cửa Nam chỉ còn cái tên

Giữa tháng 3/2011, hội thảo "Chợ dân sinh trong thành phố của các tập đoàn" đã diễn ra tại Hà Nội. Cái tên của hội thảo đã gợi ra những suy nghĩ thú vị. Thứ nhất, những người tổ chức hội thảo đã ngầm so sánh - với chút lo ngại - giữa Hà Nội và những thành phố của các tập đoàn, gây áp lực lớn với sự xuất hiện ngày càng nhiều, chiếm lĩnh các vị trí quan trọng của các siêu thị, chuỗi siêu thị, các trung tâm thương mại với những thương hiệu lớn, thuộc sở hữu nước ngoài hoặc sao chép của nước ngoài. Thứ hai, cụm từ "chợ dân sinh" gợi cảm giác rất rõ rệt, rằng chợ là thuộc về người dân, từ những người dân nghèo nhất.

Quả nhiên, tham luận trung tâm của hội thảo do TS.KTS Stephanie Geertman (Chuyên gia tư vấn, chương trình thành phố sống tốt của tổ chức HealthBridge) trình bày đã tỏ rõ lo âu với sự biến mất hoặc bị thu hẹp của nhiều ngôi chợ truyền thống, những ngôi chợ gắn liền với lịch sử, văn hóa Hà Nội. Các chợ dân sinh cũng hoàn toàn bị loại ra khỏi các bản quy hoạch của các khu đô thị mới, thay vào đó là các siêu thị và đại siêu thị.

Tuy tham luận chỉ phân tích câu chuyện rất cụ thể của 2 ngôi chợ tại vị trí rất trung tâm: Chợ Hàng Da và chợ Cửa Nam, nhưng là 2 ví dụ... buồn:

Chợ Cửa Nam chỉ còn lại cái tên, bởi sau khi khai trương vào năm 2009, Ngân hàng Vietinbank đã thuê lại toàn bộ tòa nhà, biến một không gian công cộng thành không gian riêng.

Chợ Hàng Da trở thành Chợ - Trung tâm thương mại Hàng Da, với vốn đầu tư 220 tỷ đồng, hoàn thành ngay trước Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội (là một trong những công trình kỷ niệm), nhưng trong đó chợ chỉ còn ẩn dưới tầng hầm cùng với bãi đỗ xe. Còn phần nổi là trung tâm thương mại dành cho những người có tiền, đơn vị độc quyền khai thác cho thuê là Công ty tư vấn bất động sản quốc tế CBRE.

Khẳng định chợ dân sinh là vô cùng quan trọng đối với các thành phố có điều kiện sống tốt, nhiều thành phố ở các nước phát triển đang phải tốn kém nhiều tiền của để khôi phục chợ dân sinh, bà Stephanie mong Việt Nam nói chung, Hà Nội nói riêng sẽ không lặp lại sai lầm khi xóa bỏ những ngôi chợ đậm chất văn hóa.

Thay thế chợ để đóng góp cho mỹ quan đô thị?

Từ những nghiên cứu và hoạch định chính sách liên quan đến chợ ở châu Âu và châu Á, tham luận của bà cũng đã đưa ra những lý do rất cụ thể về những ưu điểm không thể chối cãi của chợ dân sinh, cũng là những lý do mà các KTS Việt Nam và chuyên gia nước ngoài đã nhắc đến trong loạt bài viết trên Tuần Việt Nam.

Chợ là nơi tạo ra và duy trì các mối quan hệ xã hội, để người dân có được sự thoải mái - cân bằng về tinh thần. Là nơi cung cấp nhiều lựa chọn thực phẩm với nhiều mức giá cho những người thu nhập thấp và trung bình. Chợ dân sinh cũng hỗ trợ kinh tế địa phương, cũng như duy trì mối quan hệ giữa thành thị và nông thôn, giữa nội thành và ngoại thành. Bởi những hàng hóa được bán tại các chợ truyền thống, chủ yếu đến từ các vùng xung quanh Hà Nội, và xung quanh mỗi ngôi chợ sẽ là những "phố chợ", nơi các cửa hàng hoạt động rất hiệu quả, góp phần nâng cao đời sống cho cư dân địa phương.

Chợ là nơi tạo ra và duy trì các mối quan hệ xã hội, để người dân có được sự thoải mái - cân bằng về tinh thần. Là nơi cung cấp nhiều lựa chọn thực phẩm với nhiều mức giá cho những người thu nhập thấp và trung bình. Chợ dân sinh cũng hỗ trợ kinh tế địa phương, cũng như duy trì mối quan hệ giữa thành thị và nông thôn, giữa nội thành và ngoại thành. Bởi những hàng hóa được bán tại các chợ truyền thống, chủ yếu đến từ các vùng xung quanh Hà Nội, và xung quanh mỗi ngôi chợ sẽ là những "phố chợ", nơi các cửa hàng hoạt động rất hiệu quả, góp phần nâng cao đời sống cho cư dân địa phương.

Một yếu tố rất quan trọng khiến chợ "hơn điểm" là sự lưu giữ và thực hành văn hóa địa phương, tạo ra bản sắc của cộng đồng, của thành phố, như nhiều chuyên gia nước ngoài đã "trìu mến" gọi Hà Nội là thành phố công cộng

Đặc biệt, bà Stephanie hoài nghi với lập luận rằng chợ truyền thống và những người bán hàng ở chợ là những nơi cung cấp thực phẩm không an toàn (so với siêu thị). Bởi theo bà, "siêu thị lại là nơi cung cấp rất nhiều thực phẩm có chứa nhiều loại hóa chất khác nhau hoặc được chế biến qua rất nhiều công đoạn, có ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe của người dân". Câu hỏi của bà Stephanie là nên chăng phải nhìn nhận theo cách khác, giữ lại chợ dân sinh và cải thiện những điều kiện chưa tốt của nó?

Tham luận của bà Stephanie kết lại với thông điệp rất rõ ràng: Người dân, Chính quyền Hà Nội hãy cùng hành động để giữ lại chợ dân sinh, bảo vệ chợ dân sinh khỏi sự xâm nhập của những chuỗi siêu thị toàn cầu, để Hà Nội không thật sự biến thành "thành phố của các tập đoàn".

Điều đáng nói là sau tham luận rất tâm huyết của bà Stephanie Geertman, một người nước ngoài có nhiều trăn trở với chợ dân sinh Việt Nam, đại diện của các cơ quan nghiên cứu phía Việt Nam như Trường ĐH Nông nghiệp, Viện Kiến trúc quy hoạch lại thể hiện nhiều quan điểm... không thật đồng tình với nghiên cứu của bà.

Người thì cho rằng bà mới chỉ nghiên cứu 2 chợ thôi, trong khi Hà Nội giữ rất nhiều chợ dân sinh, "chỉ một vài chợ ở vị trí đắc địa, nơi đất có giá trị cao mới được thay thế, để đóng góp cho mỹ quan của đô thị" (TS.KTS Lê Thị Bích Thuận, Viện Kiến trúc - quy hoạch), người cho rằng ví dụ ở châu Âu, châu Mỹ không tương đồng về kinh tế, văn hóa... dù cho chúng ta một tầm nhìn xa hơn về lợi ích, thể hiện tính nhân văn (PGS.TS Ngô Thị Thuận, trường ĐH Nông nghiệp)

Người thì đưa ra những lập luận "quen thuộc" như vấn đề an toàn thực phẩm (dù do nhiều nguyên nhân, kể cả nguyên nhân từ phía quản lý, kiểm tra giám sát của chính quyền chưa hiệu quả), rồi không gian chợ chật hẹp, bẩn thỉu không phù hợp với thành phố hiện đại, để khẳng định chuyển đổi, nâng cấp, đóng cửa một số chợ là cần thiết, quan trọng là phải theo lộ trình, phù hợp với quy hoạch...

Việt Nam đã có thành phố công cộng

Cuộc hội thảo trở thành cơ hội để những luồng ý kiến khác nhau được lắng nghe, với những kinh nghiệm từ Đài Loan, Trung Quốc. Có người bảo phải xóa ngay chợ cóc, chợ tạm để bảo vệ mỹ quan đô thị, thì có người lập tức khẳng định điều quan trọng là phải tạo không gian cho chợ tạm, những tuyến đường cho người bán hàng rong. Chủ tịch Hội phụ nữ chợ Hàng Da thì chỉ mong đến ngày chợ cóc, chợ tạm ở gần Chợ - trung tâm thương mại Hàng Da được giải tỏa để tiểu thương trong chợ có thể buôn bán được.

Vừa có người bảo đề nghị TS Stephanie tiếp tục nghiên cứu nhiều chợ ở Hà Nội và cả nước, thì có bạn trẻ thẳng thắn "đây là cách tiếp cận quy hoạch từ góc độ xã hội mà chúng ta thường lãng quên, và trách nhiệm là của chúng ta". TS Lương Hồng Quang (Viện Văn hóa nghệ thuật) lại có đề nghị rất nhân văn, rằng nếu xóa bỏ chợ dân sinh thì hãy thay vào đó một khu phức hợp văn hóa - xã hội với công viên - khu vui chơi cho trẻ con.

GS-TS Michael Douglass (TT Nghiên cứu Toàn Cầu Hóa, ĐH Hawaii) trở lại với những ý tưởng đã truyền cảm hứng cho nhiều người, khi khẳng định con người phải là trung tâm của thành phố, người dân phải được tham gia vào những quyết định quản lý. "Theo kết quả khảo sát gần đây. Hà Nội muốn có không gian mở cho chợ, nhưng người Hà Nội lại sợ rằng phần lớn chợ sẽ trở thành trung tâm thương mại. Tại sao mong muốn của người dân lại khác với thực tế do chính quyền, những nhà quy hoạch đưa ra?", GS Douglass đặt câu hỏi.

"Bạn đã thấy khủng hoảng tài chính ở Mỹ, chính phủ phải chi rất nhiều tiền cho ngân hàng, vì nó quá lớn để có thể đổ vỡ. Còn nếu có việc gì xảy ra với bạn, chỉ có người hàng xóm, những người nông dân cứu bạn mà thôi", GS thẳng thắn chia sẻ.

Nhắc lại việc thành phố của các tập đoàn sẽ hoàn toàn do các tập đoàn điều khiển, mọi cửa hàng lớn, siêu thị lớn, nhà hàng lớn đều thuộc các thương hiệu toàn cầu- "Cái gì cũng lớn nhưng sẽ ngày càng ít không gian công cộng, ít cửa hàng của người địa phương... Sẽ rất nhiều trung tâm thương mại, nhiều chung cư cao cấp nhưng lại bị bỏ hoang. Việt Nam đã có thành phố công cộng, nếu các bạn phá nó đi thì sẽ không thể có lại nó, kể cả có là nước Mỹ của tôi", GS Michael Douglass cảnh báo.

Theo Khánh Linh (VietNamNet)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất