Thứ Sáu, 27/9/2024
Diễn đàn
Thứ Hai, 22/3/2010 20:30'(GMT+7)

Nên khen dân nhiều hơn

Đọc những con số này phát ra từ một cuộc tọa đàm mới đây, chợt nhớ đến câu ẩn dụ thời bao cấp: “Cuốc xẻng từ dưới phát lên, đường sữa từ trên phát xuống”, mà thấy chua xót.

Khen thưởng là cần thiết, nhưng phải khen đúng người và thưởng đúng việc thì mới thực sự có ý nghĩa và phát huy được tác dụng tích cực. Phàm đã là người có chức có quyền, giữ trọng trách quan trọng, thì có điều kiện phát huy vai trò và làm được nhiều việc cho dân, cho nước.

Đó là hướng nhìn tích cực. Song trên thực tế, còn rất nhiều trường hợp các cá nhân lãnh đạo ngồi một chỗ chỉ tay năm ngón, hoặc bất tài kém năng lực, trở thành vật cản đi lên của đơn vị. Thế nhưng, những vị ấy vẫn nghiễm nhiên trở thành những người có công đầu trong tập thể sau khi kết thúc một chiến dịch hay một đợt thi đua.

Còn có tình trạng tại nhiều cơ quan, tổ chức, đơn vị nhà nước cứ “đến hẹn lại lên” từng quý, từng sáu tháng hay kết thúc năm, các vị có chức có quyền ngồi lại nói là đánh giá bình bầu, nhưng thực chất lại công kênh, bầu chọn cho nhau. Khen thưởng không xác đáng xuất phát từ thực tế đánh giá không công bằng, thậm chí bè phái, dùng thủ đoạn tổng kết đánh giá, bầu chọn để triệt hạ nhau. Trong môi trường như thế, nhiệt huyết đóng góp của những người công nhân viên chức bình thường bị nguội lạnh dần, bào mòn các nỗ lực cống hiến trong xã hội.

Không hẳn là sai, nhưng tỉ lệ khen thưởng cán bộ lãnh đạo chiếm đến 90% thì không thể gọi là ổn và hợp lý được. Không lẽ CBCNV nói chung trong các cơ quan, đơn vị không có gì đóng góp đáng kể, hay mọi thứ đều do một tay các vị lãnh đạo cơ quan, đơn vị làm? Lại thêm một giác độ cần làm rõ: Lãnh đạo tập thể không khuấy động được mọi người tham gia các phong trào; không nuôi dưỡng, vun đắp được nhiều hạt giống có tinh thần xung phong và trách nhiệm cao trong đơn vị, thì lãnh đạo đó hoàn thành trách nhiệm được giao hay chưa mà được nhận bằng khen nhiều đến thế?

Một khi các phong trào trong quần chúng chưa được khuấy động sâu rộng, tạo nên đòn bẩy thúc đẩy xã hội, thì việc thực hiện vai trò, trách nhiệm của người cán bộ của dân-đặc biệt là người lãnh đạo, đứng đầu-cũng không thể nói là đã trọn vẹn.

Cán bộ là người phải biết lo trước nỗi lo của dân. Nếu những người lãnh đạo sống theo phương châm như thế, “đường sữa” sẽ được phân phát công bằng, thậm chí “từ dưới phát lên” nhằm kịp thời động viên người dân. Cán bộ lãnh đạo biết sống và làm việc như thế, sao người dân có thể quên!

(Theo Lao Động điện tử)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất