Thứ Sáu, 29/11/2024
Diễn đàn
Chủ Nhật, 14/3/2010 10:54'(GMT+7)

Mô hình Dân vận khóm, ấp, thôn, bản, tổ dân phố - sáng kiến phát huy mối liên hệ hữu cơ giữa Đảng - chính quyền và nhân dân

Đến nay, đã có 7 tỉnh đồng bằng sông Cửu Long và tỉnh Bắc Giang, Quận 10 Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện mô hình Dân vận khóm ấp, thôn, bản, tổ dân phố ở diện rộng. Cụ thể là: Bạc Liêu đã thành lập ở 518/518 ấp; Vĩnh Long 846/846 ấp; Tiền Giang 1.009/1.009 ấp; Thành phố Cần Thơ đang làm thí điểm và đã thành lập ở 145/614 ấp; Kiên Giang 232/914 ấp; có 2 huyện Châu Thành, U Minh Thượng đã thành lập ở 100% khóm ấp; Bắc Giang ở 2.455/2.455 thôn, bản có tổ Dân vận. Đến nay, có tỉnh đã thực hiện được 8 năm như Tiền Giang, 3 năm như Bạc liêu; 7 năm như Bắc Giang, 10 năm như Quận 10 của Thành phố Hồ Chí Minh. Nhìn chung ở những nơi đã thành lập, tổ, khối dân vận khóm ấp, thôn, bản đi vào hoạt động nền nếp và mang lại hiệu quả thiết thực.

Một là, tổ, khối dân vận khóm ấp, thôn bản, tổ dân phố là hình thức phối hợp phát huy sức mạnh tổng hợp của các tổ chức chính trị, lực lượng làm công tác dân vận ở khóm ấp, thôn bản.

Tên gọi có thể khác nhau nhưng bộ máy thường là: Bí thư chi bộ là tổ trưởng, khối trưởng; ấp trưởng hoặc trưởng ban Mặt trận là phó; trưởng các đoàn thể và tổ chức: Thanh niên, Phụ nữ, Nông dân, Cựu chiến binh, Quân sự, Công an ấp, thôn và một số cốt cán, ngưòi có uy tín là ủy viên. Bộ máy do thôn, ấp tự lập ra theo chỉ đạo, hướng dẫn của cấp trên. Sau khi thành lập hầu hết đã xây dựng quy chế làm việc, sinh hoạt định kỳ (có nơi 1 tháng; 2 tuần; có nơi 1 tuần sinh hoạt 1 lần, hoặc hội ý thường xuyên tùy theo yêu cầu công việc).

Chức năng chủ yếu là, nắm tình hình nhân dân, tham mưu thường xuyên cho chi bộ lãnh đạo, chỉ đạo công tác vận động quần chúng ở ấp, thôn bản, tổ dân phố; chịu sự lãnh đạo trực tiếp của chi bộ khóm, ấp và hướng dẫn của khối dân vận xã, phường, thị trấn.

Nhiệm vụ chủ yếu là, phối hợp thống nhất các lực lượng, dưới sự lãnh đạo của chi ủy, chi bộ làm công tác vận động quần chúng thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước; tổ chức vận động nhân dân tham gia các phong trào, các cuộc vận động ở cơ sở. Chủ động nắm tình hình, tâm tư nguyện vọng của nhân dân; tham gia hòa giải, giải quyết các mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân. Nhiệm vụ này cũng chính là các nhiệm vụ trọng tâm chủ yếu của chi bộ. Trước đây, để tiến hành thực hiện các nhiệm vụ trên, Bí thư chi bộ phân công cho các đảng viên, phổ biến cho Ban Mặt trận, các chi đoàn, chi hội thực hiện theo chức năng riêng của từng tổ chức. Song nay, với tư cách là tổ trưởng hay khối trưởng dân vận, đồng chí bí thư chi bộ đã trực tiếp nắm và điều hành lực lượng làm công tác dân vận, thực hiện nhiệm vụ của chi bộ một cách có hiệu quả cao.

Mặt khác, trong công tác vận động quần chúng theo chức năng riêng của Ban Mặt trận, các đoàn thể có sự phối hợp đồng bộ, giúp đỡ, hỗ trợ lẫn nhau như: chủ trương về tập hợp thanh niên ấp; bài trừ tệ nạn xấu trong thanh niên (của Chi đoàn Thanh niên); "Vận động nhân dân làm kinh tế hộ gia đình" (của Chi hội Nông dân); Cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư" (của Mặt trận), v.v.. Đặc biệt, đối với những việc chung như vận động nhân dân làm đường, kênh, mương, thực hiện các công trình, dự án của Nhà nước, giải tỏa đền bù; thực hiện Quy chế Dân chủ ở cơ sở, công tác tôn giáo, dân tộc, v.v..; nhất là trong hòa giải, giải quyết thắc mắc, khiếu tố, mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân đã tạo ra sức mạnh tổng hợp, thống nhất về chủ trương, giải pháp tuyên truyền vận động nhân dân, làm cho nhân dân yên tâm tin tưởng.

Hai là, có tổ, khối dân vận ở khóm ấp đã dễ dàng thực hiện được phương châm công tác dân vận đến từng nhà, từng người dân.

Trong bài báo "Dân vận" đăng trên báo "Sự thật", ngày 15-10-1949, Bác Hồ viết: "Dân vận là vận động tất cả các lực lượng của mỗi một người dân không để sót một người dân nào, góp thành lực lượng toàn dân, để thực hiện những công việc nên làm, những công việc Chính phủ và đoàn thể giao cho". Đây chính là quan điểm, mục tiêu, phương châm, phương pháp công tác dân vận của Đảng, tư tưởng của Bác Hồ, phải thường xuyên quán triệt thực hiện ở mọi thời kỳ của cách mạng, ở mọi lúc, mọi nơi.

Khóm ấp là địa bàn gần dân, sát dân nhất; là nơi hằng ngày diễn ra mọi sinh hoạt của cộng đồng dân cư có quan hệ huyết thống, dòng họ, quan hệ tình làng xóm, mang tính tự quản là chủ yếu; là nơi trực tiếp tập hợp, vận động quần chúng, thực thi mọi chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Là nơi dễ nắm bắt tâm tư, tình cảm, nguyện vọng, tâm trạng của nhân dân; đồng thời, cũng là nơi tổ chức các cuộc họp, sinh hoạt trực tiếp với nhân dân để thực hiện Quy chế Dân chủ ở cơ sở, thực hiện quyền làm chủ trực tiếp và rộng rãi của nhân dân, để nhân dân được bàn và quyết định các công việc của nội bộ cộng đồng dân cư, của xã, phường, thị trấn theo quy định của Pháp lệnh số 34 của ủy ban Thường vụ Quốc hội về "Thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn".

Từ đặc điểm, tính chất nói trên, công tác dân vận ở khóm, ấp, thôn bản, tổ dân phố có thể dễ dàng nắm bắt được tâm tư nguyện vọng của quần chúng để vận động đến từng nhà, từng người dân như lời dạy của Bác Hồ. Vì vậy, phải có hình thức, tổ chức, phối hợp làm công tác dân vận ở khóm, ấp, thôn bản, tổ dân phố để giúp chi bộ ấp trực tiếp chỉ đạo, nắm tình hình và thông qua tổ dân vận khóm, ấp để lãnh đạo, tổ chức, phát huy được các lực lượng làm công tác vận động quần chúng.

Ba là, tổ, khối dân vận khóm, ấp, thôn bản mới chỉ là sáng kiến của một số tỉnh, thành phố. Về thực chất, đây không phải là một tổ chức mới cồng kềnh, chồng chéo, tốn kém, mà thực tế hoạt động đã mang lại hiệu quả thiết thực đáp ứng yêu cầu tăng cường nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác dân vận của Đảng trong tình hình hiện nay. Ban Dân vận Trung ương đang nghiên cứu tổng kết, để chỉ đạo nhân rộng. Song, các tỉnh, thành ủy trong cả nước có thể học tập, rút kinh nghiệm ở những nơi đã làm để áp dụng phát triển ở địa phương mình.

Mặt khác, để tạo điều kiện cho các tổ, khối dân vận khóm, ấp, thôn bản, tổ dân phố hoạt động tốt, các địa phương cần căn cứ vào điều kiện cụ thể, bố trí ngân sách, hoặc lồng ghép với các chương trình, đề án, kinh phí của việc triển khai các nhiệm vụ, bố trí kinh phí cho hoạt động và một phần thù lao cho những người đi làm cụ thể./.

Nguyễn Duy Việt

Phó Trưởng Ban Dân vận Trung ương

(Theo TCCS điện tử)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất