Thứ Bảy, 21/9/2024
Văn hóa
Thứ Ba, 25/4/2017 20:51'(GMT+7)

Văn hóa – Văn nghệ ở cơ sở góp phần bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc ở Huyện Điện Biên

Các hoạt động VHVN, trò chơi dân gian truyền thống các dân tộc vào dịp lễ Tết (Ảnh: Khánh Toàn)

Các hoạt động VHVN, trò chơi dân gian truyền thống các dân tộc vào dịp lễ Tết (Ảnh: Khánh Toàn)

Huyện Điện Biên là huyện miền núi, biên giới, địa bàn rộng, kinh tế phát triển chưa bền vững, huyện có 25 đơn vị hành chính cấp xã (trong đó có 12 xã biên giới tiếp giáp với nước bạn Lào, 15 xã đặc biệt khó khăn). Dân số trên 115,000 người với 8 dân tộc anh em cùng sinh sống (dân tộc Thái 52,89%, Kinh 27,03%, Mông 9,96%, Khơ Mú 5,58%, Lào 2,84%, còn lại là các dân tộc khác). Đời sống sinh hoạt, hưởng thụ văn hóa tinh thần và sản xuất của một bộ phận người dân, nhất là đồng bào các dân tộc thiểu số (DTTS) vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới còn gặp rất nhiều khó khăn; nhận thức của một số cấp ủy Đảng về VHVN còn rất hạn chế. Bên cạnh đó, một số lễ hội, phong tục, văn hóa truyền thống của các dân tộc có xu hướng bị mai một. Năng lực tham mưu và tổ chức thực hiện của một số cán bộ văn hóa cơ sở còn hạn chế, chưa kịp thời. Nguồn lực đầu tư cho hoạt động văn hóa thông tin, thể thao, xây dựng các thiết chế Văn hóa, thể thao còn hạn chế nên chưa đáp ứng kịp với yêu cầu phong trào văn hóa hiện nay ở cơ sở trên địa bàn của huyện.

 
 Phong trào rèn luyện sức khỏe "Thi chạy Olimpic" được người dân các thôn, bản nhiệt tình hưởng ứng tham gia (Ảnh: Khánh Toàn)
Song, được sự quan tâm của Đảng bộ huyện, nhất là sự vào cuộc quyết tâm của Phòng văn hóa thông tin huyện Điện Biên, phong trào VHVN quần chúng ở cơ sở trên địa bàn huyện đã có những bước phát triển mạnh mẽ. Các hoạt động VHVN được đổi mới về nội dung, phong phú hình thức thể hiện, phù hợp với điều kiện ở mỗi địa phương đã tạo không khí vui tươi, phấn khởi, cổ vũ động viên nhân dân đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, góp phần phát triển kinh tế-xã hội, giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân giai đoạn 2010-2015 là 3,84%/năm, toàn huyện có 271/465 thôn, bản được công nhận thôn, bản văn hóa, 155/164  cơ quan, đơn vị văn hóa, 17.800 gia đình được công nhận gia đình Văn hóa đạt 64,9%. Hiện nay, trên địa bàn huyện có 406 đội VNQC thường xuyên hoạt động tuyên truyền và giao lưu văn nghệ, phục vụ các các sự kiện, các ngày kỷ niệm, phục vụ lễ, tết của các dân tộc trong huyện, các điểm sáng vùng biên giới, Ngày đại đoàn kết các dân tộc... Qua các phong trào hoạt động VHVN ở cơ sở, nhiều nghệ nhân, hạt nhân văn nghệ tham gia các kỳ hội diễn nghệ thuật quần chúng của huyện, tỉnh đã giành nhiều giải thưởng được Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tặng giấy khen.

 

Bên cạnh các hoạt động biểu diễn văn nghệ, huyện Điện Biên còn duy trì tốt hoạt động của Đội Thông tin lưu động và Đội chiếu bóng vùng cao và đã tổ chức 310 buổi lưu diễn về cơ sở các xã đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa, biên giới nhân dịp mừng Đảng, mừng Xuân Đinh Dậu 2017. Duy trì Ngày hội văn hóa, Thể thao và Du lịch các dân tộc huyện lần thứ V đã có 28 đoàn, trên 500 diễn viên thu hút đông đảo nhân dân 25 xã trong huyện và huyện bạn tham gia, có thêm 2 di sản văn hóa phi vật thể được công nhận cấp Quốc gia (Nghệ thuật xoè Thái và Lễ hội thành Bản Phủ), công tác bảo tồn và phát huy Di sản văn hóa trong cộng đồng nhân dân, các hoạt động văn hóa thể thao được coi trọng, từng bước đáp ứng yêu cầu hưởng thụ văn hóa tinh thần của nhân dân các dân tộc trong huyện. Đến nay, toàn huyện đã có 87 Nhà Văn hóa - Trung tâm học tập cộng đồng, 9/25 xã có Nhà Văn hóa; 77/465 thôn, bản có nhà Văn hóa, một số thôn, bản đã được gắn biển tên theo quy định, có 6/25 xã đạt tiêu chí số 16 về văn hóa.
 
 Tiết mục múa Ô của dân tộc Mông tại giao lưu văn hóa dân tộc Mông huyện Điện Biên lần thứ II (Ảnh: Khánh Toàn)

Các hoạt động VHVN quần chúng, đã góp phần có hiệu quả khôi phục, bảo tồn một số lễ hội truyền thống dân tộc như: Lễ Xên bản dân tộc Thái các xã: Thanh Chăn, Thanh Xương, Thanh Nưa, Mường Phăng; Lễ Xên Mường của dân tộc Thái Đen, xã Thanh Nưa; Lễ Cầu mưa dân tộc Khơ Mú, xã Mường Phăng, Pá Khoang; Lễ Tra hạt dân tộc Khơ Mú, xã Thanh Xương; Lễ cầu mưa dân tộc Lào, xã Núa Ngam; Lễ Căm Bản Lào xã Núa Ngam… ; phối hợp với Sở VHTT&DL và Đài tuyền hình Trung ương bảo tồn lễ Kin Pang, xã Hua Thanh. Hầu hết các lễ hội được tổ chức đúng quy định; các nghi thức trong lễ hội diễn ra trang trọng, tiết kiệm, phù hợp với thuần phong mỹ tục địa phương. Nhiều lễ hội đã khôi phục được các trò chơi dân gian đặc sắc: kéo co, tung  còn, bắn nỏ,  biểu diễn nghệ thuật, hoạt động văn nghệ quần chúng: múa xòe... tạo không khí lễ hội vui tươi, lành mạnh, thu hút đông đảo quần chúng nhân dân tham gia.

Có thể nói, công tác VHVN ở huyện Điện Biên, đã góp phần tích cực bài trừ các tệ nạn xã hội, xóa bỏ dần hủ tục lạc hậu, giữ gìn, và phát huy giá trị truyền thống tốt đẹp của từng vùng, miền, từng dân tộc. Phong trào VHVN quần chúng ở cơ sở huyện Điện Biên lực lượng sáng tác và biểu diễn chủ yếu là những người không chuyên, nên mỗi chương trình, tiết mục văn nghệ luôn hồn nhiên, trong sáng và đậm tính chân thực cuộc sống. Một số địa phương còn thiếu thốn phương tiện, cơ sở vật chất hoặc khó khăn về điều kiện hoạt động thì người dân trên địa bàn huyện vẫn luôn biết cách sáng tạo ra những sản phẩm VHVN quần chúng, thỏa mãn niềm say mê ca hát đáp ứng nhu cầu hưởng thụ của cộng đồng dân cư. Vì vậy, VHVN quần chúng ở cơ sở đã đáp ứng một phần không nhỏ nhu cầu hưởng thụ văn hóa tinh thần của người dân và trở thành “món ăn” không thể thiếu trong đời sống văn hóa tinh thần ở cơ sở.

Đồng chí: Phạm Minh Châu, huyện ủy viên, Trưởng Phòng văn hóa, thông tin huyện Điện Biên cho biết: Cứ vào dịp lễ, tết, là các xã, bản trong huyện đều tổ chức hoạt động VHVN, trò chơi dân gian truyền thống các dân tộc, mạng lại những niềm vui, phấn khởi cho bà con. Hằng năm Phòng văn hóa, thông tin đã chủ động xây dựng kế hoạch chỉ đạo, tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác VHVN ở các xã, các hạt nhân văn nghệ ở thôn, bản và trong các cơ quan, đơn vị; khuyến khích các đội văn nghệ, các câu lạc bộ tổ chức hoạt động giao lưu, biểu diễn văn nghệ phục vụ nhân dân, nhất là đồng bào các dân tộc thiểu số vùng sâu, vùng xa, biên giới. Thông qua các cuộc thi, hội diễn văn nghệ quần chúng ở cơ sở... để lựa chọn những tiết mục hay, đặc sắc và phát hiện tài năng văn nghệ để bồi dưỡng, bổ sung cho đội văn nghệ của huyện.

Thời gian tới, huyện Điện Biên sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác xã hội hóa phong trào VHVN quần chúng, huy động mọi nguồn lực đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ cho các hoạt động VHVN ở cơ sở. Hướng dẫn, khuyến khích người dân tham gia sáng tạo, bảo tồn, truyền dạy và phát huy các giá trị bản sắc văn hóa truyền thống của 8 dân tộc anh em. Đồng thời, tăng cường đầu tư kinh phí hoạt động cho phát triển sự nghiệp văn hóa nghệ thuật quần chúng ở cơ sở, coi đây là một trong những giải pháp quan trọng, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương./.

Nguyễn Khánh Toàn
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất