- Xin ông cho biết về hiện trạng tác phẩm văn học Việt Nam được dịch sang tiếng Nga hiện nay ra sao?
- Văn học Việt Nam được khá nhiều bạn đọc nước Nga biết đến, nhưng chủ yếu vẫn là độc giả thế hệ trước. Nhưng đầu những năm 90 của thế kỷ trước, mối quan hệ giữa hai nước Việt-Nga trải qua giai đoạn suy yếu và điều ấy thể hiện cả trong công tác dịch thuật văn học Việt.
Thật may mắn, năm 2012, chương trình quảng bá văn học Nga-Việt ở hai nước do cựu Tổng thống Nga Mép-vê-đép (hiện là Thủ tướng Nga) đề xướng được đưa vào thực hiện. Các tác phẩm được Nhà xuất bản (NXB) Lokid Premium ở Mát-xcơ-va chịu trách nhiệm xuất bản và Ngân hàng Ngoại thương Nga chịu trách nhiệm bảo đảm tài chính. NXB Nga làm việc trên cơ sở liên hệ mật thiết với Quỹ hỗ trợ quảng bá văn học Việt Nam và Nga mới được thành lập ở Việt Nam. Cho đến năm 2016, có 6 cuốn sách của các tác giả Việt được đưa vào kế hoạch xuất bản bằng tiếng Nga. Cuốn đầu tiên được in vào ngay cuối năm 2012 là tiểu thuyết “Hồn bướm mơ tiên” của nhà văn Khái Hưng do dịch giả I-nê-xa Di-mô-ni-na chuyển ngữ. Ngoài ra, còn có hai tiểu thuyết của nhà văn Ma Văn Kháng và Nguyễn Xuân Khánh, các tuyển tập truyện ngắn và thơ của các tác giả đương đại Việt Nam được sáng tác trong vòng 20 năm trở lại đây. Được biết, hiện đang tổ chức dịch tác phẩm truyện thơ kinh điển của nền văn học Việt Nam là “Truyện Kiều” của Đại thi hào Nguyễn Du sang tiếng Nga do dịch giả A-na-tô-li Sô-cô-lốp thực hiện.
- Văn học Việt Nam đang trở lại với bạn đọc Nga, nhưng liệu độc giả Nga có còn quan tâm đến văn học Việt Nam như trước đây, thưa ông?
- Câu trả lời là có, không chút nghi ngờ. Trước hết, sự quan tâm ấy đến từ những người đang nghiên cứu Việt Nam và say mê đất nước các bạn. Đương nhiên, họ là những độc giả chính của những truyện ngắn, tiểu thuyết và thơ Việt Nam được chuyển ngữ ra tiếng Nga. Một nhóm bạn đọc lớn thứ hai hẳn sẽ được hình thành từ những du khách Nga đã từng đến hoặc chuẩn bị đến Việt Nam. Lượng khách Nga ở Việt Nam mỗi năm đều tăng lên. Nhiều du khách Nga mỗi khi chuẩn bị đến một đất nước nào đó đều tìm hiểu về lịch sử, tìm đọc văn học nước đó. Có thể ước đoán rằng, đông đảo người đọc Nga sẽ không bỏ qua bản dịch tác phẩm Việt Nam thú vị. Đó là cơ hội để văn học Việt Nam xuất hiện trở lại nước Nga.
- Vậy để quảng bá văn học Việt Nam ở Nga lâu dài, mang lại hiệu quả cao, theo ông, đâu là công việc căn bản cần thực hiện?
- Điều đầu tiên, tôi muốn lưu ý là cho dù thế nào đi chăng nữa thì nước Nga vẫn là một đất nước ham đọc sách. Vì thế, tôi cho rằng, cần phải xây dựng kế hoạch thu hút, lôi cuốn sự quan tâm đến văn học Việt Nam bằng các chiến dịch quảng bá và hoạt động truyền thông. Sự thành công của văn học Việt Nam ở Nga có thể được bảo đảm nhờ mối quan tâm ngày càng tăng của người Nga đối với châu Á. Mối quan tâm này đã tồn tại từ lâu. Nhưng bây giờ, một phần có liên quan đến bối cảnh chính trị của nước Nga mà chúng ta đều biết, mối quan tâm này sẽ gia tăng.
Các cơ quan chức năng Việt Nam nên tham khảo cách quảng bá văn hóa, văn học rất bài bản của Nhật Bản ở Nga. Ngay từ năm 1972, Quỹ Nhật Bản ở Nga được thành lập. Quỹ này tích cực giới thiệu văn hóa Nhật Bản tại Nga. Ở nước chúng tôi, văn hóa Nhật đã trở nên rất được ưa chuộng, như xu hướng thời thượng. Trong làn sóng ấy thì mối quan tâm đối với nền văn học Nhật cũng tăng lên. Nếu chỉ nói đến một phương diện văn chương thôi thì ở Nga, sách của các tác giả Nhật Bản đã phá vỡ mọi kỷ lục xuất bản. Người Nga say mê đọc Y-u-ki-ô Mi-shi-ma, Ha-ru-ki Mu-ra-ka-mi... Từ đầu thế kỷ XXI đến nay, ở Nga, có khoảng vài trăm tác phẩm dịch của các tác giả Nhật Bản được ấn hành.
Từ câu chuyện của Nhật Bản, có thể thấy, việc quảng bá văn hóa, văn học Việt Nam ở Nga chỉ có thể đạt hiệu quả nếu các bạn tích cực vào cuộc, bao gồm từ Đại sứ quán, các nhà văn và nghiên cứu văn học, cho đến các tổ chức xã hội, doanh nghiệp...
- Ông có thể chia sẻ đôi điều về công việc dịch thuật và quảng bá văn học Việt Nam của cá nhân ông?
- Bản thân tôi rất yêu mến Việt Nam và mong sao tình yêu này, hay chí ít là sự quan tâm đến Việt Nam của tôi được những người Nga cùng chia sẻ. Tôi sẵn sàng gắng sức để làm điều đó. Hiện nay, tôi đang thực hiện việc dịch một tập truyện ngắn Việt Nam sau năm 1975, dưới sự khuyến khích và hỗ trợ của dịch giả Nguyễn Thị Kim Hiền-Đại diện chính thức tại Liên bang Nga của Quỹ hỗ trợ quảng bá văn học Việt Nam và Nga. Hy vọng rằng, năm nay-Năm Văn học ở nước Nga sẽ là bước ngoặt đối với việc phát triển văn học Việt Nam ở Nga, với sự xuất hiện của tuyển tập thơ Việt và tập truyện ngắn các tác giả Việt Nam đương đại.
- Xin cảm ơn nhà báo, dịch giả I-go Bri-tốp về cuộc trò chuyện này!
Theo QĐND