Thứ Sáu, 27/9/2024
Nghiên cứu trao đổi
Thứ Bảy, 8/5/2010 21:59'(GMT+7)

Văn nghệ quần chúng

Một tiết mục văn nghệ quần chúng (Ảnh: AT).

Một tiết mục văn nghệ quần chúng (Ảnh: AT).

Ca hát là nhu cầu tự nhiên cuả con người, nó đóng vai trò quan trọng trong đời sống tinh thần, tạo nên sự gắn kết thân thiện giữa các thành viên trong cộng đồng dân cư. Từ lâu, chúng ta vẫn thấy những chương trình chính quy xuất hiện với tên gọi: Khắp nơi ca hát, Khắp nơi đàn và hát dân ca, Làng vui chơi - làng ca hát… được các đài truyền hình, đài phát thanh tổ chức quy mô, chu đáo và rất vui vẻ. Nhiều ca sĩ cũng đã trưởng thành từ phong trào văn nghệ quần chúng và thành danh trên sự nghiệp ca hát. Xã hội cũng đã có rất nhiều những hình thức "chắp cánh ươm mầm" cho những tài năng như các Cấu lạc bộ, nhà văn hoá. Chính vì có phong trào văn nghệ quần chúng này mà các giá trị di sản phi vật thể của chúng ta như ca trù, hát qua họ vẫn được các nghệ nhân dân gian lưu truyền đến các đời sau, được bảo tồn và gìn giữ như một báu vật muôn đời.

Trước kia, phong trào văn nghệ quần chúng thường được tổ chức ở các làng quê vào các dịp lễ tết, rằm Trung thu. Nhạc cụ có khi đơn giản chỉ là chiếc đàn ghi-ta, cây sáo, trống phách tự tạo nhưng đã đem đến sự sảng khoái và niềm vui cho người nông dân sau những ngày lao động vất vả, mệt nhọc. Trang phục để biểu diễn cũng rất đơn giản. Tôi nhớ khi còn ở tuổi thiếu niên, được các anh chị phụ trách chọn vào đội văn nghệ thiếu nhi của thôn, chúng tôi tập hát, tập múa rất say sưa, nghiêm túc. Khi lên biểu diễn: “váy” được khâu lại từ những chiếc khăn vuông, bộ áo dài phải mượn thêm quần trắng của một y tá, “phấn” hóa trang được dùng từ phấn rôm, “chì kẻ mắt” được lấy từ… nhọ nồi của những chiếc chảo… ấy vậy mà vẫn vui như tết. Người đến xem và cổ vũ rất đông, liên tục có những tràng pháo tay ròn rã động viên, khen ngợi, tuy nhiên ở những năm tháng đó, khán giả - nhất là ở vùng nông thôn - vẫn chưa có thói quen tặng hoa cho "diễn viên" trong những chương trình văn nghệ quần chúng như thế.

Gần đây, cuộc sống vật chất đã ngày một cao, đời sống tinh thần ngày càng phong phú. Ngoài những phòng hát karaoke hiện đại dành cho tập thể, các phòng hát gia đình cũng được nhân lên về số lượng và chất lượng. Sau những ngày làm việc vất vả, ngươì ta lại hát cho nhau nghe và tôn vinh “những giọng ca vàng” cấp… xóm!

Đặc biệt, năm 2010 nhiều làng quê trên cả nước đều tổ chức mở hội, trong những buổi tối của lễ hội thường không thể thiếu được những chương trình văn nghệ “cây nhà lá vườn”. Những buổi giao lưu như thế đã thu hút đông đảo “diễn viên” và khán giả, cổ động viên tham gia. Các chương trình ở xóm làng như thế thường là rất phong phú: từ múa, hát, kịch, chèo, tuồng, cải lương, nhạc nhẹ, độc tấu, ngâm thơ... 

Đối với các ban ngành, đoàn thể, cơ quan, địa phương cấp khu vực, cấp huyện... cũng nhân các ngày kỷ niệm, sự kiện của ngành, địa phương mình hoặc của đất nước mà thường xuyên tổ chức các hội diễn, liên hoan và có quy mô lớn, được chuẩn bị và dàn dựng khá công phu.. vì thế, những hội diễn, liên hoan ấy thường là có chất lượng rất tốt, hơn hẳn các buổi văn nghệ chỉ mang “cây nhà lá vườn”... Khán giả được tiếp cận và thưởng thức những tiết mục, chương trình biểu diễn mang tính chuyên nghiệp khá cao... Tuy nhiên, qua thực tế các hội thi, hội diễn văn nghệ quần chúng ở một vài nơi, cũng có đôi điều cần bàn thêm và rút kinh nghiệm.

Việc chọn bài hát: Hầu hết các “ca sĩ” nghiệp dư chỉ chú ý đến việc chọn bài hát đang ăn khách, “mốt” mà ít chú ý xem bài hát đó có phù hợp với chất giọng của mình hay không. Có những người hát giọng rất thấp, khê, nhưng lại theo “mốt” chọn bài “Tình ta biển bạc đồng xanh” của nhạc sĩ Hoàng Sông Hương mà cặp song ca Tân Nhàn - Tuấn Anh đã biểu diễn rất thành công. Kết quả là không lên được cao, bài hát bị “gãy” giữa chừng, hát mà như giận nhau do không dám giao lưu tình cảm khiến tiết mục trở nên rã rời, khô cứng. Bài hát “Bài ca thống nhất” cuả Võ Văn Di là một bài hay, rất phù hợp với chủ đề mừng ngày 30/4, được rất nhiều người chọn để hát trong khi đó họ không ý thức được rằng bài hát này phải cần một chất giọng rất cao, trong trẻo mới hát được, nếu không sẽ rất dễ “cháy” do không lên được cao. Ấy là chưa kể đến những bài hát đã được các ca sĩ biểu diễn như là khuôn mẫu khó vượt qua, vậy mà vẫn cứ chọn để rồi lên hát không theo được nhạc, dở khóc dở cười. Một số người bắt chước các ca sĩ đang ăn khách để trình bày theo phong cách dập khuôn, nhưng bắt chước một cách máy móc gây phản cảm cho người xem. Mặt khác, các hội diễn quá lạm dụng chủ đề 1000 năm Thăng Long nên có những bài hát như "Hà Nội linh thiêng hào hoa", "Dòng máu Lạc Hồng", "Hãy đến với con người Việt Nam tôi", "Rạng rỡ Việt Nam"… đã được hát đi hát lại trùng nhau tới 4,5 lần trong cùng một đêm diễn. Với tần số nhiều, lại chất lượng hát không hay (nếu không muốn nói là dở) khiến người nghe bị “khổ tai”.

Về trang phục: Ngày nay nhờ có cơ chế thị trường, các của hàng cho thuê quần áo biểu diễn mọc lên như nấm để phục vụ các công chúng có nhu cầu. Quần áo cho thuê đẹp, sẵn, nhiều kiểu dáng phong phú. Nhưng do không có con mắt nghệ thuật, nhiều người đã thuê chọn không phù hợp với tiết mục biểu diễn. Có “đạo diễn” chọn trang phục váy Tây Nguyên nhưng lại cho diễn viên cầm … ô của người Thái Tây Bắc. Có tiết mục chọn trang phục dân tộc Tày mà không cho diễn viên cầm đàn tính, lại đi… khoác gùi của dân tộc Ê Đê. Nhiều tiết mục quần áo không đi đôi với “phụ kiện” khác. Ví dụ tiết mục "Mái đình làng biển" sáng tác của Nguyễn Cường - tiết mục được giải của một ngành lớn chọn tham gia dự thi trong một Hội diễn mới đây, được đầu tư dàn dựng, phụ hoạ rất công phu và đẹp mắt, nhưng thật tiếc khi diễn viên hát chính mặc áo the khăn xếp mà chân đi… giày Tây đen, mũi nhọn hoắt, trông thật phản cảm.

Phần giới thiệu bài hát: Hầu hết các tiết mục biểu diễn đều không giới thiệu đầy đủ tên người soạn nhạc và viết lời cho bài hát. Thông thường các nhạc sĩ đều viết cả phần nhạc và lời, cũng có khi phần lời lại là người khác viết, nhưng người giới thiệu chỉ giới thiệu nhạc sĩ viết nhạc (và “gán” luôn là nhạc và lời của nhạc sĩ A) mà quên mất người viết lời bài hát. Có những bài hát không biết tên tác giả, đã "lắp bừa" một tên lạ hoắc vào. Có một tiết mục hát rất hay - bài hát “Hà Nội một trái tim hồng” do nhạc sĩ Nguyễn Đức Toàn sáng tác, nhưng người giới thiệu không rõ, đã “phang” vào là nhạc và lời Nhã Phương (?) (Chắc là tìm trên mạng internet thấy bài này do ca sĩ Nhã Phương biểu diễn nên nhầm lẫn). Bài hát "Người Hà Nội" cuả Nguyễn Đình Thi đã rất nổi tiếng, vậy mà trong một hội diễn cuả một đơn vị bộ đội đã được giới thiệu là cuả Văn Cao. Có nơi giới thiệu bài hát “Bông hoa mừng cô” của Trần thị Duyên là bài “Mùng tám tháng ba”.( ?) Thật ngậm ngùi! Các cụ ta đã nói “biết thì thưa thốt…” nếu không rõ, chưa chắc chắn thì tốt nhất hãy để trống, tuy có khiếm nhã nhưng còn hơn râu ông nọ cắm cằm bà kia như vậy.

Phần dàn dựng: Phải nói các hội diễn những năm gần đây, do có sự tham khảo trên các phương tiện thông tin đại chúng mà các tiết mục đã có những lối dàn dựng công phu hoành tráng hơn. Nhưng vẫn cần có đôi điều cần bàn. Dàn dựng vẫn theo kiểu tự phát, mạnh ai nấy làm. Múa phụ hoạ cho có, để vui mắt và khỏi trống sân khấu chứ thực chất “đạo diễn” chưa nắm được với từng bài phải làm như thế nào cho phù hợp nội dung, nghệ thuật. Đạo cụ thì dùng bừa bãi cho vui mắt (nón, khăn, quạt, hoa sen… ) không cần biết đến tiết mục ấy ra sao. Bài "Trống cơm" là dân ca "xịn 100%" vậy mà có “đạo diễn” đã cho các vũ công nhí mặc “comple” khoác trống cơm ra múa phụ hoạ cho 2 diễn viên mặc váy cô Tấm. Các tiết mục thường qúa thiên về phu hoạ mà ít trau chuốt về giọng hát dẫn đến tiết mục dàn dựng rất mất công mà hiệu quả không cao. Phong cách biểu diễn lai-căng, có những bài phong cách dân gian thì lại hát theo lối híp hốp “nhảy tưng tưng” trên sân khấu. Ví dụ bài "Những cô gái trên quê hương quan họ" cuả Phó Đức Phương cần hát theo phong cách dân gian thì có lại có rất nhiều "ư hự", tiếng nấc và diễn viên thì cứ "nhảy tưng tưng" trên sân khấu, gào thét rất bốc lửa. Hay bài "Bông hoa mừng cô" cuả Trần Thị Duyên được viết theo nhịp 3/8 thì các cô giáo mầm non lại hướng dẫn các cháu hát theo nhịp 2/4.v.v...

Phần ánh sáng, khói lửa là cần thiết đối với một hội diễn, nhưng khói lửa là để phụ hoạ cho những bài cần khói lửa, ví dụ như khi hát về đề tài chiến tranh. Nhưng có những nơi lại cứ để khói lửa tự nhiên đến nỗi hát dân ca cũng cho khói lửa, màn múa thiếu nhi cũng cho khói lửa, làm mờ cả mắt người xem, không cần thiết.

Nhạc đệm: Phần lớn các hội diễn chỉ có một cây đàn oóc-gan cho tất cả các loại hình tiết mục, từ nhạc đỏ, nhạc nhẹ đến dân ca. Một số đơn vị cẩn thận hơn đã thu sẵn nhạc vào đĩa CD để mở ra hát theo nền nhạc ấy, nhưng khi thu ở nhà thì trôi chảy, đến khi biểu diễn thì đĩa vấp, hát nửa chừng thì bị trục trặc, không ăn khớp... Có những tiết mục được dàn dựng công phu nhưng hát đến 3-4 lần mà cứ đến đoạn ấy là vấp, đành phải… để lại đến cuối buổi diễn lại, gây mất hứng thú của diễn viên và khiến người xem khó chịu.

Ngoài ra còn có những sơ xuất không đáng có ở nhiều Hội diễn văn nghệ quần chúng cần khắc phục, như nhầm lẫn khi gọi tên loại hình tiết mục, người dẫn chương trình cứ tưởng rằng một tiết mục có đông người hát hơn thì được gọi là hợp xướng nên đã gọi tốp ca là hợp xướng mà không hiểu một dàn hợp xướng phải có quy mô ra sao, dàn dựng bè bối thế nào; khán giả là người thân, người nhà được cử đi và "phân công" tặng hoa diễn viên, nhiều khi không cần biết lên sân khấu để tặng hoa vào thời điểm nào là thích hợp, cứ ào lên như thể "tặng cho xong", gây mất tập trung cho người biểu diễn cũng như ban giám khảo hoặc khán giả, nhiều khi gây "nhốn nháo" cả một khu vực sân khấu.v.v... Điều đáng nói là tất cả những “hạt sạn” mà người viết nhặt ra ở trên đều từ những hội diễn văn nghệ quần chúng có quy mô tương đối của một ngành, một cấp chứ không phải là của một làng quê “cây nhà lá vườn”.

Vẫn biết văn nghệ quần chúng là cuộc vui cho nhiều đối tượng không chuyên trong một tổ chức, một ngành, một cộng đồng dân cư. Nhưng giá như buổi văn nghệ, hội diễn, liên hoan đó được duyệt công phu, được chuẩn bị kỹ càng hơn thì chắc không có nhiều "hạn sạn" trong một bát cơm ngon như vậy, và ấn tượng để lại trong lòng công chúng sẽ càng sâu sắc về các diễn viên không chuyên thân yêu cuả họ. Văn nghệ quần chúng là một hình thức sinh hoạt văn hóa tinh thần không mang tính chuyên nghiệp, nhưng “không chuyên” ở đây là không chuyên về chất giọng, về quy mô, về dàn dựng và về cách thức tổ chức. Không thể vì chất “quần chúng, không chuyên” ấy mà làm mất đi những điều tốt đẹp mà đáng lẽ ra buổi liên hoan, hội diễn ấy sẽ thu được nhiều hơn. Để văn nghệ quần chúng thu hút số lượng đông đảo diễn viên không chuyên và khán giả thì nhiều nơi làm đựơc, nhưng làm sao cho văn nghệ quần chúng thực sự là niềm vui, sảng khoái của cả người biểu diễn lẫn người xem thì không phải nơi nào cũng làm tốt./.

Diễm Nguyệt

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất