Chủ Nhật, 24/11/2024
Đời sống
Thứ Sáu, 15/1/2016 10:51'(GMT+7)

Vào AEC: Năng suất thấp, lao động Việt yếu thế

Việc dạy nghề cho lao động cần được đổi mới để có thể cạnh tranh với lao động trình độ cao trong khu vực (Ảnh minh họa)

Việc dạy nghề cho lao động cần được đổi mới để có thể cạnh tranh với lao động trình độ cao trong khu vực (Ảnh minh họa)

Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) chính thức hình thành từ cuối năm 2015. Theo đánh giá, Việt Nam đang ở trong giai đoạn cơ cấu dân số vàng và đây là thời điểm tốt nhất để nguồn nhân lực Việt Nam tham gia vào thị trường lao động AEC.

PGS.TS. Nguyễn Thường Lạng (Đại học Kinh tế Quốc dân) cho rằng, với việc thành lập AEC, việc di chuyển tự do lao động có kỹ năng giữa 10 quốc gia thành viên ASEAN sẽ trở nên dễ dàng.  Người lao động di chuyển giữa các quốc gia, bên cạnh việc mang theo kiến thức, kỹ năng, sức lực để sáng tạo giá trị còn mang theo cả phong tục, tập quán, lối sống và chắc chắn đây phải là thị trường của những người có chứng chỉ nghề nghiệp hoặc bằng cấp được các nước ASEAN công nhận. Mức độ lành nghề, tính chuyên nghiệp sẽ được đặt lên hàng đầu và đây được xem là một trong những rào cản kỹ thuật lớn nhất đối với thị trường lao động ASEAN.

Lao động Việt vẫn bị đánh giá thấp?

Theo đánh giá của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), AEC giúp thị trường lao động trong ASEAN sôi động hơn, thúc đẩy tạo việc làm cho từng quốc gia thành viên. Các mô phỏng cho thấy, AEC sẽ đẩy mạnh các xu hướng chuyển đổi cơ cấu hiện tại. Tỷ trọng việc làm của ngành công nghiệp sẽ tăng lên tới 23,5% tổng việc làm vào năm 2025. Dịch vụ sẽ trở thành khu vực tạo việc làm chủ lực trong nền kinh tế, chiếm 41,3% tổng việc làm của cả nước.

ILO dự báo, khi tham gia AEC, số việc làm của Việt Nam sẽ tăng lên 14,5% vào năm 2025; tổng việc làm sẽ tăng với tỷ lệ thô là 10,5%. Tuy nhiên, khoảng 2/3 số việc làm tăng thêm này là việc làm dễ bị tổn thương. Điều đó cho thấy chất lượng việc làm còn ở mức thấp, mặc dù hội nhập AEC có thể mang lại những lợi ích chung cho Việt Nam.

ILO cũng đánh giá, do trình độ phát triển không đồng đều, nên hiện nay, lao động có tay nghề và kỹ năng cao trong khối ASEAN chủ yếu di chuyển vào thị trường Singapore, Malaysia và Thái Lan. Còn lại, hầu hết các lao động di chuyển trong phạm vi ASEAN là lao động trình độ kỹ năng thấp hoặc không có kỹ năng.

Kết quả khảo sát các chủ sử dụng lao động tại 10 quốc gia ASEAN do ILO thực hiện cho thấy, doanh nghiệp trong khối ASEAN hiện đang rất lo ngại về tình hình thiếu hụt lực lượng lao động có tay nghề và kỹ năng trước sự ra đời của AEC; gần 50% chủ sử dụng lao động cho biết, người lao động tốt nghiệp phổ thông không có được kỹ năng họ cần; cử nhân tốt nghiệp đại học có được những kỹ năng có ích nhưng cũng chưa đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp (cả về số lượng và chất lượng)...

Bên cạnh đó, điều đáng lo ngại là năng suất lao động của Việt Nam còn thấp. Theo đánh giá của ILO, năng suất lao động của Việt Nam thấp hơn 15 lần so với Singapore, bằng 1/5 năng suất lao động của Thái Lan và Malaysia. Đó là chưa đề cập đến so sánh với năng suất lao động của Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, Ấn Độ, Newzealand mà những đối tác này đã có các hiệp định quan trọng với ASEAN và khả năng mở rộng thị trường lao động sang các nước này là không tránh khỏi.

Đây là yếu tố làm giảm khả năng hấp dẫn lao động Việt Nam trước các nhà tuyển dụng nước ngoài, thậm chí là khía cạnh để các nhà tuyển dụng tăng tính khắt khe trong yêu cầu đối với lao động Việt Nam.

Người lao động, doanh nghiệp cần trang bị gì?

Theo khảo sát của công ty tuyển dụng trực tuyến VietnamWorks dựa trên ý kiến của 2.500 người lao động thuộc các cấp bậc và quy mô công ty khác nhau tại Việt Nam, kết quả cho thấy hầu hết người lao động Việt Nam xem AEC là một “cơ hội tốt cho sự nghiệp của mình”.

Theo VietnamWorks, hơn 90% người lao động được khảo sát cho biết việc Việt Nam gia nhập AEC là điều hoàn toàn có lợi cho người lao động tại Việt Nam. Họ kỳ vọng sẽ học hỏi được nhiều từ các chuyên gia nước ngoài đến Việt Nam; đồng thời, văn hóa làm việc quốc tế sẽ thay đổi văn hóa làm việc nội địa theo hướng tốt hơn.  

Cũng theo khảo sát này, trong số những người cho rằng việc gia nhập AEC không có lợi, có đến 84% nghĩ rằng bất lợi lớn nhất là “nhiều đối thủ cạnh tranh hơn trên thị trường lao động Việt Nam và họ đều thông thạo tiếng Anh”. Bất lợi được nhiều người tán thành thứ hai là “vì có nhiều lựa chọn ứng viên hơn, nhà tuyển dụng và doanh nghiệp có thể giảm mặt bằng lương bổng”.

Kết quả này cho thấy một nhóm người lao động Việt Nam đang thiếu tự tin về khả năng ngoại ngữ, cũng như khả năng đàm phán công bằng về lương bổng với nhà tuyển dụng. Sự thiếu tự tin này càng thể hiện rõ khi có đến 67% trong nhóm này cho rằng người lao động Việt Nam không đủ sức cạnh tranh với nhân lực nước ngoài một khi Việt Nam gia nhập AEC.

Cũng theo VietnamWorks, 3 kỹ năng quan trọng nhất mà người lao động Việt Nam cần trang bị và phát triển để sẵn sàng cho AEC đó là ngoại ngữ (89% số người khảo sát đánh giá là quan trọng nhất); kỹ năng giao tiếp và kỹ năng xây dựng lãnh đạo/quản lý. Nhận định này rất đúng đắn khi có đến 41% vị trí đăng tuyển trên VietnamWorks trong năm vừa qua ưu tiên cho các hồ sơ được viết bằng tiếng Anh.

Để cạnh tranh với lao động trình độ cao của các nước ASEAN, PGS.TS. Nguyễn Thường Lạng cũng đề xuất: Doanh nghiệp cần tích cực, chủ động nghiên cứu thị trường ASEAN, trong đó có thị trường lao động để có thể hiểu rõ hơn các tiêu chuẩn nghề nghiệp nhằm có kế hoạch thích nghi. Tổ chức các khóa đào tạo kỹ năng, tay nghề, rèn luyện thể lực, cường độ và năng suất lao động nhằm rèn luyện các loại kỹ năng cần thiết và cập nhật thông tin để thích nghi với thị trường các nước ASEAN.

Đồng thời, xây dựng kế hoạch đưa lao động Việt Nam tham gia vào các dự án đầu tư, dịch vụ hoặc hoạt động thương mại để nâng cao kiến thức, tích lũy kinh nghiệm, rèn luyện kỹ năng chuyên nghiệp cao nhằm đáp ứng tốt nhất yêu cầu của thị trường ASEAN.

Bên cạnh đó, cần hình thành hệ thống công ty đào tạo lao động có kỹ năng cao thuộc các loại ngành nghề được ASEAN công bố; kết hợp với các cơ sở đào tạo, cơ quan cấp chứng chỉ hành nghề nhằm tạo môi trường tốt nhất cho lao động Việt Nam tham gia thị trường lao động trong AEC. Ngoài ra, cần mạnh dạn kết nối với các cơ sở đào tạo có uy tín trong ASEAN để học hỏi kinh nghiệm cũng như để thích nghi chủ động trong AEC./.

Theo VOVnews




Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất