Thứ Ba, 1/10/2024
Môi trường
Thứ Ba, 13/1/2009 16:25'(GMT+7)

Vệ sinh môi trường nông thôn: Khoảng cách giữa mục tiêu và thực tế

Ô nhiễm môi trường là nguyên nhân gây ra bệnh tật

Ô nhiễm môi trường là nguyên nhân gây ra bệnh tật

Vệ sinh môi trường và nước sạch không chỉ là những yếu tố cơ bản của cuộc sống mà còn là điều kiện tiên quyết để giảm tử vong bà mẹ và trẻ em, phòng chống bệnh tật, giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em và đạt được mục tiêu phổ cập tiểu học. Vì vậy Chương trình mục tiêu quốc gia về nước sạch vệ sinh môi trường nông thôn của Thủ tướng Chính phủ đưa ra các mục tiêu đến năm 2010: 85% dân số nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; 70% số hộ gia đình ở nông thôn có nhà tiêu hợp vệ sinh; 70% số hộ nông dân chăn nuôi có chuồng trại hợp vệ sinh; Tất cả các nhà trẻ, trường học, trạm xá, chợ, trụ sở xã và các công trình công cộng khác ở nông thôn có đủ nước sạch và nhà tiêu hợp vệ sinh và giảm thiểu ô nhiễm môi trường ở các làng nghề, đặc biệt là các làng nghề chế biến lương thực, thực phẩm và “đến năm 2015 giảm một nửa tỷ lệ người dân chưa được tiếp cận bền vững tới nước uống an toàn và vệ sinh môi trường cơ bản” (Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ Việt Nam đã phê chuẩn tại Hội nghị Thượng đỉnh Thiên niên kỷ Liên hợp quốc tháng 9/2000).

Trong những năm qua, nước ta đã có rất nhiều nỗ lực triển khai các hoạt động cải thiện các điều kiện vệ sinh môi trường, tuyên truyền giáo dục người dân thay đổi hành vi vệ sinh cá nhân phòng chống bệnh dịch nâng cao sức khoẻ. Tuy nhiên, những tiến bộ đạt được vẫn còn rất xa so với mục tiêu quốc gia. Theo điều tra của Cục y tế Dự phòng và Môi trường (Bộ Y tế), chỉ có 18% hộ gia đình ở nông thôn Việt Nam có nhà tiêu đạt tiêu chuẩn do Bộ Y tế ban hành. Nghĩa là còn hơn 80% người dân nông thôn nước ta (hay khoảng 50 triệu người) chưa được sử dụng nhà tiêu đủ tiêu chuẩn hợp vệ sinh. Điều này cho thấy hầu hết chất thải của con người chưa được xử lý đúng cách ở khu vực nông thôn gây ô nhiễm đáng kể nguồn đất, nước, thực phẩm và môi trường xung quanh. Mới chỉ có 12% người dân nông thôn có hành vi rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn và 16% rửa tay bằng xà phòng sau khi đi vệ sinh. Khoảng 12% các trường học ở nông thôn có nhà tiêu hợp vệ sinh. Như vậy sẽ có khoảng 18 triệu trẻ em nông thôn không được sử dụng nhà tiêu đạt tiêu chuẩn vệ sinh. Các em đang phải đối mặt với nhiều nguy cơ về sức khoẻ do vệ sinh môi trường và vệ sinh cá nhân kém. Điều này đã tác động xấu đến sự phát triển của trẻ.

Mỗi một đồng chúng ta bỏ ra cho việc cải thiện vệ sinh môi trường và vệ sinh cá nhân, chúng ta sẽ tiết kiệm được từ 3 đến 32 đồng cho chi phí y tế, giáo dục và phát triển kinh tế xã hội. Đầu tư vào vệ sinh môi trường và vệ sinh cá nhân là đầu tư vào nguồn nhân lực quan trọng nhất của đất nước, đầu tư vào con người.

Như vậy, vấn đề vệ sinh môi trường không còn là việc của riêng ai. Chỉ còn 2 năm nữa chúng ta phải đạt tới mục tiêu của Chương trình quốc gia về Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn, trong khi thực tế còn rất nhiều thách thức phải vượt qua để đảm bảo một môi trường vệ sinh phù hợp cho mỗi cá nhân như: ô nhiễm môi trường ngày càng nghiêm trọng, tỷ lệ người dân được sử dụng nguồn nước và nhà tiêu hợp vệ sinh còn rất thấp, điều kiện kinh tế ở nhiều vùng còn rất khó khăn, phong tục tập quán lạc hậu, thói quen mất vệ sinh của người dân còn khá phổ biến...

Để nhanh chóng khắc phục khó khăn, tồn tại, giảm khoảng cách giữa thực tế và mục tiêu mà Chính phủ đề ra, nhằm giữ vững cam kết về vệ sinh môi trường nông thôn, rất cần sự quan tâm đầu tư của Nhà nước về nhân lực và nguồn lực cho vấn đề này (mục tiêu về vệ sinh môi trường chỉ có thể đạt được với những cam kết mạnh mẽ và nguồn lực đầy đủ); sự phối kết hợp chặt chẽ của các ban, ngành đoàn thể từ trung ương đến địa phương và sự tham gia tích cực của người dân trong việc cải thiện các điều kiện vệ sinh môi trường kết hợp với vệ sinh cá nhân. Chính quyền địa phương các cấp và người dân cần tham gia nhiều hơn nữa để đảm bảo việc cung cấp các dịch vụ một cách bền vững. Điều này đòi hỏi phải có sự lồng ghép các vấn đề vệ sinh môi trường vào kế hoạch phát triển kinh tế xã hội của địa phương. Nâng cao hiểu biết cho người dân để họ có khả năng tự lựa chọn các phương thức để bảo vệ sức khoẻ cho mình. Đẩy mạnh hợp tác với khu vực tư nhân để huy động khả năng chuyên môn và nguồn lực như khuyến khích khu vực tư nhân cung cấp các giải pháp vệ sinh môi trường chi phí thấp cho các hộ gia đình nông thôn, cung cấp hỗ trợ kỹ thuật và tiếp thị để thúc đẩy hành vi vệ sinh cá nhân như rửa tay bằng xà phòng...

Phương Hà (SK&ĐS)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất