Thứ Ba, 1/10/2024
Môi trường
Thứ Sáu, 2/1/2009 14:51'(GMT+7)

Năm 2008: Thức tỉnh sự quan tâm của toàn xã hội về môi trường

Diễn đàn Doanh  nghiệp Đông Á về bảo vệ môi trường

Diễn đàn Doanh nghiệp Đông Á về bảo vệ môi trường

Hậu quả khôn lường

Có lẽ chưa bao giờ, người Việt Nam lại quan tâm đến vấn đề môi trường như năm 2008. Thông tin về việc Việt Nam là 1 trong năm nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của hiện tượng biến đổi khí hậu liên tục được báo chí đăng tải. Theo đó, Biến đổikhí hậu, mà trước hết là sự nóng lên toàn cầu và mực nước biển dâng, là một trong những thách thức lớn nhất đối với nhân loại trong thế kỷ 21. Riêng ở Việt Nam, trong khoảng 50 năm qua, nhiệt độ trung bình năm đã tăng khoảng 0,7độ C, mực nước biển đã dâng khoảng 20cm. Hiện tượng El-Nino, La-Nina ngày càng tác động mạnh mẽ đến Việt Nam.

Biến đổi khí hậu thực sự đã làm cho các thiên tai, đặc biệt là bão, lũ, hạn hán ngày càng ác liệt. Theo tính toán, nhiệt độ trung bình ở Việt Nam có thể tăng lên 3 độ C và mực nước biển có thể dâng 1m vào năm 2100. Nếu vậy, khoảng 40 nghìn km đồng bằng ven biển Việt Nam sẽ bị ngập hàng năm.

Thực tế năm 2008 đã chứng minh, nước ta liên tục gặp những trận thiên tai nặng nề và hết sức bất thường. Một biểu hiện dị thường đầu tiên của năm 2008 về khí hậu là đợt không khí lạnh kỷ lục gây rét đậm, rét hại kéo dài suốt trong 38 ngày trong tháng 1 và tháng 2 năm 2008 gây thiệt hại lớn cho sản xuất nông nghiệp.

Trong khoảng thời gian từ tháng 8-9/2008, hiện tượng mưa lũ bất thường tại các tỉnh miền núi phía Bắc đã gây thiệt hại nặng nề về người và của. Theo thống kê được công bố, số người thiệt mạng do ảnh hưởng của riêng cơn bão số 4 tại các tỉnh: Lào Cai, Lai Châu, Điện Biên, Yên Bái, Thái Nguyên, Phú Thọ, Quảng Ninh, Hà Giang, Bắc Cạn, Tuyên Quang và Lạng Sơn là 130 người. Ngoài ra còn có 32 người khác vẫn mất tích và 90 người bị thương trong mưa bão. Về các thiệt hại kinh tế, mưa bão làm đổ sập và làm ngập 11,5 nghìn căn nhà, gây úng ngập cho 27,2 nghìn hécta lúa và hoa màu, làm sạt trôi và bồi lấp gần 2,3 triệu khối đất đá trên các công trình giao thông.


Ngoài ra, mưa bão còn làm chết gần 10,3 nghìn gia súc, 17,3 nghìn con gia cầm và ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường sống. Cùng với các thiệt hại khác về thuỷ sản, công trình thuỷ lợi và số các trường học bị đổ trôi, Ban chỉ đạo ước tính thiệt hại tại 11 tỉnh nói trên lên tới 1.870 tỉ đồng.

Đặc biệt, không riêng người Hà Nội mà người Việt Nam trên khắp đất nước và cả kiều bào ở nước ngoài cũng sẽ không bao giờ quên trận lụt lịch sử diễn ra hồi cuối tháng 10, đầu tháng 11 vừa qua tại Thủ đô. Tất cả những từ ngữ dùng để mô tả các cơn mưa lớn, dữ dội nhất đều được dùng để mô tả mưa ở Hà Nội trong đợt mưa này. Lượng mưa kỷ lục có nơi lên tới trên 600mm khiến Hà Nội ngập sâu trong biển nước. Đã có 18 người chết, trong đó đau lòng nhất là cái chết của 6 học sinh trong trận mưa kinh hoàng này.


Cũng trong năm 2008, những trận mưa lũ triền miên đã gây thiệt hại lớn về người và của tại các tỉnh khác như Ninh Bình, Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh…

Khai thác rừng đầu nguồn, khai thác khoáng sản không khoa học còn để lại một hậu quả khủng khiếp đe doạ tính mạng của nhiều người do tình trạng sạt lở đất tại các tỉnh miền núi. Đơn cử như ngày 5/10, tại thị xã Bắc Kạn (tỉnh Bắc Kạn) đã xảy ra hiện tượng sạt lở đất nghiêm trọng do mưa lũ lớn. Hàng chục nhà dân dọc đường Kon Tum, phường Đức Xuân, thị xã Bắc Kạn vừa bị vùi lấp do sạt lở đất, trong đó có 3 ngôi nhà cùng ở tổ 4 phường Đức Xuân bị vùi lấp hoàn toàn. Ngày 11/10, 6 người dân đi đãi vàng tại một khe suối khu vực rừng núi bãi Mùn (Quảng Nam) đã bị thiệt mạng do tình trạng lở đất vùi lấp. Vào 11h30 ngày 27/11, trên đường Trà Bồng - Tây Trà (Quảng Nam) bị sạt lở và đang được san ủi đất đá thì bất ngờ, một lượng đất đá lớn đã đổ ậpxuống. Tai nạn đã vùi lấp 3 giáo viên đang trên đường từ Tây Trà về Trà Bồng…

Con người – tác nhân chính huỷ hoại môi trường

Mưa, lụt diễn ra triền miên gây hậu quả nặng nề, thế nhưng, theo đánh giá, Việt Nam không phải là quốc gia giàu tài nguyên nước. Việc khai thác vô tội vạ, không khoa học nguồn tài nguyên đặc biệt quan trọng này khiến nguy cơ thiếu nước ỏ Việt Nam càng trở nên hiện hữu. “Cùng với quá trình gia tăng dân số, đô thị hóa, công nghiệp hóa, biến đổi khí hậu đã tác động mạnh mẽ đến tài nguyên nước quốc gia. Hiện tượng suy giảm, cạn kiệt và khan hiếm nguồn nước ở nhiều vùng, nhiều lưu vực sông ngày càng phổ biến. Thực tế cho thấy Việt Nam không còn được coi là phong phú về tài nguyên nước, nguy cơ khan hiếm, thiếu nước, căng thẳng về nước trong tương lai đã biểu hiện rõ ràng trên nhiều vùng, lưu vực sông, chất lượng nước trên nhiều dòng sông đã bị ô nhiễm nghiêm trọng, nhiều nơi có biểu hiện suy thoái, cạn kiệt” - Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã phát biểu như vậy tại một cuộc hội thảo về tài nguyên nước của Việt Nam. Dự báo, chỉ đến năm 2010 thôi, Việt Nam sẽ bị thiếu nước trầm trọng.

Không những khai thác nước ngầm một cách thiếu ý thức, con người còn huỷ hoại môi trường nước mặt với tốc độ và mức độ hết sức trầm trọng. Điển hình, và cũng là phát súng cảnh báo nghiêm trọng về vấn đề này là vụ việc các cơ quan chức năng phát hiện Vedan Việt Nam xả nước thải chưa qua xử lý ra môi trường trong suốt 14 năm qua với hậu quả là đã “giết chết” dòng sông Thị Vải. Tiếp sau đó, hàng loạt các doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất, các khu công nghiệp bị phát hiện và xử phạt về hành vi huỷ hoại môi trường.


Tình trạng khai thác trái phép, gây lãng phí tài nguyên khoáng sản diễn ra khá phổ biến trên một số lĩnh vực như sắt, titan, crômit, thiếc... Do đặt nặng mục tiêu tối đa hóa lợi nhuận, không ít doanh nghiệp đã vi phạm quy trình khai thác, cũng góp phần gây ô nhiễm môi trường không khí và môi trường nước.

Kết quả nghiên cứu mới đây của Viện Nghiên cứu Chiến lược - Chính sách công nghiệp về nhu cầu bảo vệ môi trường tại 18 ngành và lĩnh vực kinh tế cho thấy: các ngành sản xuất tác động lớn đến môi trường nước gồm rượu - bia - nước giải khát, thủy sản, giấy, dệt may... ảnh hưởng đến môi trường không khí như xây dựng, cơ khí, giao thông, điện và khai thác khoáng sản... thải ra nhiều chất thải rắn như y tế, đóng tàu, xi măng... nếu không được kiểm soát kỹ về công nghệ, vận hành trong quá trình sản xuất thì sẽ gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Riêng tại Hà Nội, 100% các hồ biến thành nơi xả nước không qua xử lý của các nhà hàng và khu dân cư.

Vào cuộc

Trước đây, khi nghe nói về biến đổi khí hậu, về sự nóng lên toàn cầu… người ta tưởng như đấy là chuyện ở đâu đó rất xa, hoặc rất lâu nữa mới có thể xảy ra. Tuy nhiên, trước những hậu quả “nhãn tiền” khủng khiếp diễn ra từ miền núi đến đồng bằng, từ nông thôn đến thành phố, người ta không thể tiếp tục thờ ơ, tiếp tục tảng lờ như không biết. Những phản ảnh của người dân về môi trường bắt đầu được chú ý hơn. Nhiều cuộc hội thảo, hội nghị liên tục được tổ chức thu hút sự quan tâm của các nhà hoạch định chính sách và các nhà khoa học cả trong và ngoài nước. Người ta nói nhiều đến biến đổi khí hậu, đến nước biển dâng, đến ô nhiễm không khí, nước và đất, đến công nghệ thân thiện môi trường… Một triển lãm về các sản phẩm thân thiện môi trường lớn nhất từ trước đến nay đang được chuẩn bị ráo riết để có thể tổ chức vào tháng 3/2009, với sự tham gia của nhiều doanh nghiệp trong nước và quốc tế.


Năm 2008, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ và đã được Thủ tướng phê duyệt Chương trình Mục tiêu quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu với kinh phí dự tính là gần 2 nghìn tỷ đồng. Tháng 10/2008, Hội nghị Bộ trưởng Môi trường Đông Á lần thứ nhất được tổ chức tại Việt Nam chứng tỏ sự quan tâm sâu sắc của lãnh đạo Đảng, nhà nước đến công tác bảo vệ môi trường.

Vụ Vedan Việt Nam huỷ hoại môi trường và những bất cập trong công tác quản lý đã khiến không những các cơ quan chức năng tích cực vào cuộc mà cả các nhà làm luật cũng phải lên tiếng.

Năm 2008, ngành Tài nguyên và Môi trường đã tiến hành 234 cuộc kiểm tra, phát hiện 1.1275 đơn vị vi phạm các quy định của pháp luật về tài nguyên và môi trường, xử phạt hành chính với số tiền hơn 8,5 tỷ đồng, truy thu kinh tế số tiền vi phạm (trốn nộp phí bảo vệ môi trường) với số tiền hơn 127 tỷ đồng, đồng thời buộc các doanh nghiệp vi phạm phải chấp hành đúng quy định, phải khắc phục hậu quả do hành vi vi phạm gây ra. Cũng trong năm 2008, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã cấp 150 bằng khen của Bộ trưởng cho các doanh nghiệp và tổ chức về công tác bảo vệ môi trường.

Đặc biệt, chưa bao giờ nền báo chí nước nhà lên tiếng mạnh mẽ đến như vậy về vấn đề môi trường. Các bài viết về môi trường không còn khô khan, mà trở nên nóng bỏng trên mặt các báo, cả giấy lẫn điện tử. Diễn đàn của hội nhà báo môi trường hoạt động rất sôi nổi với những thông tin về môi trường không chỉ trên cả nước mà cả ở nước ngoài. Lần đầu tiên, một nhà báo Việt Nam đã đoạt giải báo chí môi trường toàn cầu. Đó là anh Hoàng Quốc Dũng - phóng viên báo Tiền Phong, đồng thời là phó chủ tịch thường trực kiêm tổng thư ký Diễn đàn nhà báo môi trường Việt Nam (VFEJ) - đã vinh dự được nhận giải thưởng dành cho khu vực châu Á với loạt bài điều tra về đường dây buôn lậu động vật hoang dã xuyên biên giới lớn nhất tại Việt Nam từ trước tới nay.

Một số chiến lược và kế hoạch chủ yếu của ngành Tài nguyên và môi trường năm 2009:

Năm 2009 được Bộ Tài nguyên và Môi trường đánh giá là năm hết sức quan trọng trong công tác bảo vệ môi trường. Để làm tốt việc này, một trong các mục tiêu mà Bộ đặt ra là phải tiếp tục xây dựng, hoàn thiện và đẩy mạnh thực hiện chính sách, pháp luật, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch về tài nguyên và môi trường.

Cụ thể: Nghiên cứu xây dựng, hoàn thiện để sớm trình Chính phủ 06 dự án luật, trong đó có Luật Bảo vệ tài nguyên và môi trường và Luật Tài nguyên nước; tiếp tục nghiên cứu, xây dựng, trình Chính phủ phê duyệt và tổ chức thực hiện tốt một số chiến lược và kế hoạch, trong đó có Chiến lược phát triển bền vững ngành tài nguyên và môi trường; Chiến lược quốc gia về quản lý tổng hợp dải ven bờ; Chiến lược phát triển bền vững biển Việt Nam; chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu; Chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020; chiến lược quốc gia về tài nguyên nước đến năm 2020…


Tuệ Khanh (VnMedia.vn)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất