Thứ Ba, 1/10/2024
Môi trường
Thứ Năm, 8/1/2009 16:1'(GMT+7)

Châu Á - Thái Bình Dương trước hậu quả của biến đổi khí hậu

Những người khách bộ hành trên con đường trắng xóa, hai bên là vô số xe cộ bị vùi trong tuyết ở Montreal, Canada. Bão trong 24 giờ qua khiến tuyết tại khu vực này có độ dày trung bình 40 cm. Ảnh: AP.

Những người khách bộ hành trên con đường trắng xóa, hai bên là vô số xe cộ bị vùi trong tuyết ở Montreal, Canada. Bão trong 24 giờ qua khiến tuyết tại khu vực này có độ dày trung bình 40 cm. Ảnh: AP.

Các nhà khí tượng học vốn dự báo về tình trạng khí hậu toàn cầu ấm lên hiện đang bị rối khi năm 2008 lại “mát hơn” năm trước, trái ngược với những dự đoán ảm đạm về sự tan chảy các tảng băng vĩnh cửu và thời tiết khắc nghiệt. Tuy nhiên, theo một cơ quan theo dõi thời tiết của Liên hợp quốc (LHQ), năm 2008 vẫn là năm thứ 10 “nóng nhất” trong vòng 150 năm qua và nhiệt độ cao hơn do biến đổi khí hậu có thể tác động tới cuộc sống của hàng triệu người ở khắp Đông Nam Á.

Những trận tuyết rơi qui mô lớn hiện bao trùm khắp nước Mỹ và Canađa - nghiêm trọng nhất trong 30 năm qua ở Las Vegas - đã bị những người hoài nghi thuyết khí hậu toàn cầu ấm lên viện dẫn để chứng minh cho trường hợp trái ngược. Một tờ báo Anh đăng dòng tít “Năm 2008 bác bỏ thuyết khí hậu toàn cầu ấm lên do con người dựng lên”. Theo bài báo này, “nhiệt độ trên toàn cầu đã giảm đến mức đủ để xoá bỏ mức tăng nhiệt độ trong thế kỷ 20”.

Nhận định trên không xuất phát từ số liệu của Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO). Theo WMO, nhiệt độ trung bình toàn cầu năm 2008 thấp hơn mấy năm đầu của thế kỷ 21 là do hiện tượng La Nina - làm mát nhiệt độ ở biển - trong nửa cuối năm 2007. Tuy nhiên, năm 2008 vẫn là năm thứ 10 nóng nhất trong vòng 150 năm qua. Tổng thư ký WMO Michel Jarrau khẳng định: “Xu hướng khí hậu trái đất ấm lên vẫn là xu hướng chủ đạo”.

Về viễn cảnh của cả năm 2009, các quan chức WMO nói rằng cần phải chờ đợi đến tháng 3/2009, khi tác động của các hiện tượng La Nina/El Nino bắt đầu xuất hiện.

Năm 2008 đã có một mùa bão có sức tàn phá khủng khiếp ở Đại Tây Dương và Caribê. Lần đầu tiên, 6 cơn bão nhiệt đới đã liên tiếp tràn vào Mỹ - trong đó có 3 cơn bão mạnh kỷ lục tràn vào Cuba. Trái lại, ở khu vực Thái Bình Dương , lần đầu tiên kể từ năm 2001, Nhật Bản lại không dông bão tàn phá nhờ nước biển mát hơn do tác động của hiện tượng La Nina trong năm 2007. Con số 22 cơn lốc nhiệt đới xảy ra ở Tây Bắc Thái Bình Dương cũng thấp hơn so với mức trung bình hàng năm là 27. Tuy nhiên, năm 2008 lại gây ra cơn bão Nargis tràn vào Mianma, làm gần 78.000 người thiệt mạng - mức tổn thất về người do bão cao nhất ở châu Á trong vòng 17 năm qua.

Theo Tổng thư ký WMO Jarraud, hạn hán vẫn có nhiều khả năng gia tăng ở các khu vực vốn ở trong tình trạng căng thẳng vì thiếu nước, trong đó phần lớn khu vực Trung Á, và lượng mưa lớn tại các vùng khí hậu ấm áp gây ra nguy cơ lũ lụt cao hơn.

Mặc dù các cơ quan khí tượng thuỷ văn tìm cách cải thiện khả năng dự báo và cảnh báo sớm, song Tổng thư ký Michel Jarrau nhất mạnh rằng điều cần làm là kết hợp dự báo với các chiến lược ngăn ngừa thảm họa. Các cơ quan cứu trợ cho rằng việc chính quyền Mianma không chịu phản ứng trước những cảnh báo mà chính quyền này đã nhận được và không áp dụng bất kỳ sự chuẩn bị đề phòng nào đối với cơn bão Nargis đã dẫn đến tổn thất to lớn về người và của.

Trong khi đó, các cộng đồng ở châu Á - Thái Bình Dương phải học cách đối phó với mực nước biển dâng cao mà các nhà khoa học đã quy kết là do tình trạng khí hậu ấm lên trên toàn cầu. Chuyên gia Baddour của WMO cho biết mỗi năm mực nước biển lại tăng thêm 3cm và lưu ý rằng việc mực nước biển tăng thêm vài cm cũng có thể gây ra sự tàn phá nặng nề.


  • TD. Nguồn TTXVN
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất