Thứ Sáu, 27/9/2024
Tin hoạt động
Thứ Ba, 6/3/2012 11:1'(GMT+7)

Về xứ Quảng đi hội Thu Bồn

Chuyện kể rằng, Bà vốn là công chúa vua Mây, khi bị giặc bao vây kinh thành, nhà vua và công chúa cưỡi ngựa chạy tránh nạn, Bà bị ngã ngựa chết, xác trôi về làng Thu Bồn, dân trong làng đem chôn. Năm đó, làng Thu Bồn có bệnh dịch đậu mùa, bà linh ứng cứu người thoát chết. Cũng có truyền thuyết cho rằng, bà là nữ tướng Chăm, có mái tóc dài rất đẹp, bị giặc bao vây, bà chiến đấu rất ngoan cường, khi ngã ngựa mái tóc bà vướng vào chân ngựa nên tử nạn, xác trôi về làng Thu Bồn. Năm đó, làng Thu Bồn hạn hán mất mùa, dân đói khổ cơ hàn, Bà linh ứng về giúp dân chống đói, mùa màng tốt tươi, dân làng no ấm. Cũng có truyền thuyết kể rằng bà là con nhà phú hộ trong làng lên 5 tuổi đã cứu dân độ thế…. Dù có nhiều truyền thuyết về Bà nhưng đều có chung một điểm Bà Thu Bồn là một cô gái đẹp có mái tóc dài óng ả như nước chảy dòng sông; Bà là hiện thân của lòng thương yêu đức độ, cứu dân độ thế. Dưới thời vua Minh Mạng (Triều Nguyễn) Bà được phong làm Bô Bô phu nhân thượng đẳng thần.

Năm nay, Lệ Bà được tổ chức trong 2 ngày với nhiều ghi thức trang nghiêm như rước nước thiêng, rước cộ, rước ngũ vị tiên nương (5 vị nữ tướng dưới quyền, theo hầu Bà Thu Bồn trong cuộc chinh chiến), lễ cầu quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa…. Lễ vật cúng bao giờ cũng có một con trâu và mâm xôi lớn, trâu tế sau khi bị giết, không xẻ thịt hay nấu chín mà để nguyên con, dùng huyết của nó bôi lên cúng. Ngoài ra, còn có nhiều hoạt động văn hóa văn nghệ như hô hát bài chòi, hát bộ, thi đua thuyền, thả hoa đăng … thu hút khá đông người dân tham gia.

Diễn tuồng trong lễ hội. Ảnh: VL


Theo ông Thái Văn Lịch, bô lão của làng thì có 4 nội dung không thể thiếu trong lễ hội đó là Đại tế cầu quốc thái dân an; Lễ rước nước tắm tượng Bà (nước phải được lấy đoạn giữa dòng sông trên thượng nguồn sông Thu Bồn mang về); lễ đua thuyền và hát tuồng. “Cầu quốc thái dân an phải đặt lên hàng đầu, rửa tượng là nghi lễ kế thừa của người Chăm, đua thuyền và hát tuồng là nét sinh hoạt không thể thiếu của cư dân vùng sông nước và người dân xứ Quảng” ông Lịch giải thích.

Tuy nhiên, điểm nhấn được cư dân và du khách quanh vùng mong đợi nhất là lễ rước sắc phong Bà (được Viện Văn hóa nghệ thuật khu vực miền Trung phục dựng lại năm 2010). Ngay từ sáng sớm đoàn rước sắc đã diễu hành trên đường làng đến nhà vị cao niên đức vọng nhất vùng để rước sắc phong. Đi đầu là 2 con lân mở đường, theo sau là đoàn người với cờ xí, chiêng trống trang nghiêm, thành kính. Cả một không gian thấm đẫm sắc màu huyền thoại trong tiếng chiêng trống âm vang một vùng.

Lễ hội Bà Thu Bồn không chỉ là hoạt động văn hóa tâm linh thể hiện tín ngưỡng thờ Mẹ xứ sở của người Chăm mà còn phản ánh rõ nét quá trình tiếp biến văn hóa giữa 2 dân tộc Việt – Chăm trong suốt tiến trình lịch sử. Lễ hội cũng là dịp để con cháu quanh vùng Thu Bồn khắp nơi tụ họp về bái vọng tổ tiên; gặp gỡ đầu năm để hiểu hơn về truyền thống văn hóa quê hương bổn xứ sau một năm bận rộn với cuộc mưu sinh, để rồi dù đi đâu, làm gì đến ngày 11.12 tháng 02 âm lịch lại nô nức tìm về dự hội./.

Vĩnh Lộc

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất