Thứ Tư, 9/10/2024
Thế giới
Thứ Bảy, 24/12/2011 10:3'(GMT+7)

“Vị lãnh tụ kính yêu” của nhân dân Triều Tiên

Nhà lãnh đạo Kim Châng In trong chuyến thăm một cánh đồng lúa mì ở Triều Tiên năm 2004. (Ảnh: KCNA).

Nhà lãnh đạo Kim Châng In trong chuyến thăm một cánh đồng lúa mì ở Triều Tiên năm 2004. (Ảnh: KCNA).

Từ nhỏ, Kim Châng In đã sớm bộc lộ tư chất của một nhà lãnh đạo tương lai. Ngay từ những năm học Trường Tiểu học số 4, tinh thần cách mạng đã thôi thúc ông tham gia nhiều hoạt động chính trị. Là thành viên tích cực trong Liên minh Tuổi trẻ và Liên đoàn Thanh niên dân chủ, ông đã tham gia hoạt động của các nhóm nghiên cứu học thuyết chính trị Mác-xít và văn học. Sau này, ông theo học Đại học mang tên cha mình - Kim Nhật Thành. Đây có thể coi là “cái nôi” đã nuôi dưỡng người chiến sĩ cách mạng, người chiến sĩ Cộng sản Kim Châng In. Tại trường, ông có nhiều cơ hội tiếp xúc và học hỏi những thành tựu vĩ đại của những người Cộng sản. Cũng tại đây, ông đã thấm nhuần lý luận cách mạng của cha mình.

Nhà lãnh đạo Kim Châng In lên kế nhiệm cha, Chủ tịch Kim Nhật Thành, vị lãnh tụ vĩ đại của nhân dân Triều Tiên, vào năm 1994, khi 52 tuổi. Nhưng thực chất, sự nghiệp chính trị của nhà lãnh đạo Kim Châng In đã bắt đầu từ khá sớm và ngay từ đầu đã tích cực học tập phong cách lãnh đạo từ người cha. Sau khi tốt nghiệp đại học, ông gia nhập Đảng Lao động Triều Tiên (năm 1964) và bắt đầu theo cha trong các chuyến đi thực tế, chỉ đạo tại chỗ ở các nhà máy, nông trang, các công trường xây dựng trên cả nước. Ông Kim Châng In đã chịu ảnh hưởng phong cách lãnh đạo sát sao này từ cha mình sau khi đã trở thành Chủ tịch Triều Tiên. Có lẽ những hoạt động được biết đến nhiều nhất của nhà lãnh đạo Kim Châng In là những chuyến đi thăm các nhà máy, cơ sở sản xuất, cánh đồng lúa mì… ở các địa phương. Nhà lãnh đạo này liên tục có các chuyến thị sát và chỉ đạo trực tiếp như vậy vì mục tiêu xây dựng một đất nước Triều Tiên phát triển phồn vinh.

Nhân dân Triều Tiên kính trọng gọi Chủ tịch Kim Nhật Thành là “Vị lãnh tụ vĩ đại”, gọi nhà lãnh đạo Kim Châng In là “Vị lãnh tụ kính yêu” khi ông còn chưa lên kế nhiệm cha. Ông lần lượt được bổ nhiệm vào các vị trí quan trọng trong bộ máy chính trị ở Triều Tiên và sớm được ca ngợi là "vị lãnh tụ thông minh" hoặc "người thừa kế vĩ đại của chính nghĩa cách mạng”.

Sự ra đi của nhà lãnh đạo Kim Châng In được mô tả là một cú sốc đối với nhiều người dân Triều Tiên đã dành tình cảm đặc biệt cho ông. Họ đã rất vui mừng khi được nhìn thấy nhà lãnh đạo của mình hồi phục trở lại sau cơn đột quỵ nguy hiểm năm 2008. Và giờ đây khi ông đã vĩnh viễn ra đi, họ đổ ra các đường phố ở Bình Nhưỡng để khóc thương nhà lãnh đạo đáng kính của mình.

Kế tục sự nghiệp của cha ở giai đoạn đất nước phải đối mặt với nhiều khó khăn, nhất là sau khi Liên Xô, vốn là đối tác thương mại chủ chốt của Triều Tiên, bị tan rã. Thương mại đình đốn, Triều Tiên bị thiếu nhiên liệu để duy trì hoạt động của các cơ sở sản xuất và công sở. Trong khi đó, thiên tai lũ lụt hoành hành, nạn đói xuất hiện do mùa màng bị tàn phá… Khó khăn càng chất chồng khi Triều Tiên bị bao vây cấm vận kinh tế và rơi vào tình thế không thể tự cung tự cấp lương thực. Nhưng sau đó, dưới sự lãnh đạo kiên định và bản lĩnh của ông, đất nước Triều Tiên đã từng bước vượt qua khủng hoảng cùng với sự trợ giúp của quốc tế là những nỗ lực phi thường trong nước với nguyên tắc dựa vào nội lực là chính.

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Châng In đã tạo được dấu ấn của một nhà lãnh đạo có tư duy đổi mới trong phát triển kinh tế. Ông đã thể hiện mối quan tâm lớn tới cải tổ nền kinh tế trong những lần tới thăm Trung Quốc, khi đặc biệt chú ý tới cách Trung Quốc đưa ra nguyên tắc xã hội chủ nghĩa áp dụng vào nền kinh tế thị trường. Sau chuyến thăm Trung Quốc vào năm 2000 và 2001, đất nước Triều Tiên đã bắt đầu thử nghiệm phương thức này nhưng chỉ trong một quy mô nhỏ hẹp. Đầu năm 2011, Triều Tiên đã thành lập “Tổng cục phát triển kinh tế quốc gia” và định ra “Chiến lược 10 năm phát triển kinh tế đất nước”. Năm ngoái, Hội nghị đại biểu toàn quốc của Đảng Lao động Triều Tiên lần đầu tiên đã đề ra bốn phương châm lớn, trong đó bao gồm tiến hành “mở cửa với thế giới bên ngoài”. Dư luận các nước cho rằng, đây là “Hội nghị đổi mới”, “Hội nghị bước ngoặt” trong lịch sử phát triển kinh tế của Triều Tiên.

Một trong những dấu ấn lãnh đạo vẫn được nhắc tới của Chủ tịch Kim Châng In chính là những nỗ lực hòa giải hai miền Triều Tiên. Năm 2000, ông đã có cuộc gặp lịch sử với Tổng thống Hàn Quốc lúc bấy giờ là ông Kim Tê Chung, mở ra những tiền đề quan trọng cho nỗ lực đưa hai miền Triều Tiên xích lại gần nhau. Sau cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều lần đầu tiên kể từ sau chiến tranh Triều Tiên năm 1953 chia cắt hai miền này, hai bên đã đồng ý mở lại các văn phòng liên lạc biên giới ở làng đình chiến Panmunjom ở khu vực biên giới liên Triều. Và lần đầu tiên các gia đình bị ly tán vì chiến tranh của hai miền được đoàn tụ, hội ngộ trong một sự kiện đầy xúc động tổ chức sau cuộc gặp thượng đỉnh trên.

Và cũng không thể không nhắc tới một nhà lãnh đạo Kim Châng In vững vàng trước sức ép và bao vây cấm vận kinh tế của phương Tây nhằm buộc Triều Tiên phải từ bỏ chương trình hạt nhân bị tình nghi của mình. Triều Tiên dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Kim Châng In vẫn tiếp nối thực thi chính sách ưu tiên phát triển quân đội và tiềm lực quốc phòng nhằm tự vệ trước các mối đe dọa từ bên ngoài. Nhà lãnh đạo Triều Tiên không che giấu ý định phát triển vũ khí hạt nhân với những tuyên bố thực hiện các vụ thử tên lửa hay vụ nổ hạt nhân gây chấn động.

Đáng chú ý, bên trong nhà lãnh đạo cứng rắn và kiên định này là một tâm hồn giàu chất nghệ thuật. Những người đã từng gặp ông đều có chung nhận xét, ông là một chính khách thông minh, hài hước, giản dị, gần gũi và rất yêu nghệ thuật. Nhà lãnh đạo Kim Châng In từng tiết lộ, nếu không trở thành người đứng đầu đất nước thì rất có thể ông đã là một diễn viên điện ảnh, một nhà phê bình hoặc sản xuất phim. Ông có cả một thư viện băng video với hơn 20 ngàn cuốn băng, đĩa phim giải trí. Ông còn từng viết phê bình phim và là tác giả hơn 10 đầu sách điện ảnh, trong đó có cuốn được in tới gần 100 ngàn bản./.

(Theo: QĐND)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất