Chủ Nhật, 22/9/2024
Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng
Thứ Tư, 13/11/2013 22:19'(GMT+7)

Văn bút quốc tế đã đi ngược lại tôn chỉ, mục đích

Nhà thơ Hữu Thỉnh tặng hoa và bằng khen cho các tác giải đoạt giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam

Nhà thơ Hữu Thỉnh tặng hoa và bằng khen cho các tác giải đoạt giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam

Vừa qua, Ðại hội quốc tế lần thứ 79 của Văn bút quốc tế tổ chức ở Reykjavik (Iceland) đã thông qua nghị quyết bày tỏ "quan ngại" về tình trạng tự do ngôn luận tại các quốc gia như Belarus, Trung Quốc, Cuba, Hungary, Ai Cập, Eritrea, Mỹ Latinh, Mexico, Nga, Tây Ban Nha, Syria, Thổ Nhĩ Kỳ, Việt Nam... Ðây không phải là lần đầu  tổ chức nhân danh văn chương này đã đưa ra ý kiến có mục đích xuyên tạc tình hình nhân quyền tại Việt Nam...

Văn bút quốc tế (International PEN, trong đó PEN là chữ viết tắt các mẫu tự đầu tiên của các từ Poets - nhà thơ, Essayists - nhà viết tiểu luận, Novelists - nhà tiểu thuyết) thành lập năm 1921 tại Luân Ðôn (Anh), với mục đích ban đầu là "thúc đẩy tình hữu nghị, hợp tác trí tuệ và sự hiểu biết" giữa các nhà văn trên khắp thế giới; tăng cường vai trò của văn học đối với sự phát triển của văn hóa; đồng thời bảo vệ văn học chống lại các mối đe dọa của thế giới hiện đại. Nhưng dần dà, ý tưởng tích cực ban đầu của những người sáng lập như George Bernard Shaw, Herbert George Wells,... từng bước bị biến dạng khi Văn bút quốc tế tự xem mình như là tổ chức "bảo vệ nhân quyền", rồi tự nhận là đại diện cho các nhà văn "bị sách nhiễu, bị cầm tù hoặc bị bức tử vì quan điểm của mình!". Nói Văn bút quốc tế bị biến dạng, vì các năm qua, tổ chức này thường được chú ý vì các lý do ngoài văn chương hơn là chính văn chương.

Trong khi giải thưởng hằng năm do Văn bút quốc tế tổ chức ít được chú ý trong sinh hoạt văn chương thế giới, thì các loại tuyên bố, thư từ của tổ chức này gửi chính phủ các nước lại rùm beng hơn nhiều. Theo dõi hoạt động của Văn bút quốc tế, nhiều người dễ lầm tưởng đây là một tổ chức nhân danh nhân quyền chứ không phải là tổ chức của những người cầm bút hoạt động văn chương. Hầu như không hề ngó ngàng đến vai trò cầu nối giữa những người hoạt động văn chương trên thế giới, khuyến khích sự giao lưu, trao đổi kinh nghiệm và khẳng định vai trò của văn chương trong tiến trình phát triển nhân loại; thay vào đó, tổ chức này chỉ chăm chăm nghe ngóng loại thông tin liên quan các vụ bắt giữ, xét xử những người được gọi là "nhà văn, nhà thơ, nhà báo hay blogger" vì bày tỏ quan điểm đi ngược với yêu cầu chính đáng của xã hội, kích động dân chúng chống đối chính quyền ở nước nào đó. Dường như với Văn bút quốc tế, bất kỳ cá nhân nào có viết lách gì đó đều có thể gọi là nhà văn, nhà báo, vì trên thực tế nhiều người mà tổ chức này đứng ra bảo vệ lại chưa bao giờ viết văn hay viết báo? Vậy mà Văn bút quốc tế lại vẽ ra các thông cáo báo chí, trịnh trọng hơn là công bố báo cáo, nghị quyết lên án và yêu cầu chính quyền nước này, nước khác phải thả ngay lập tức, vô điều kiện đối tượng bị bắt giữ, xét xử vì đã vi phạm pháp luật. Không chỉ cố tình đánh tráo khái niệm để biến người phạm pháp thành đối tượng cần được bảo vệ, họ còn hành xử theo phương thức duy nhất là chỉ tiếp nhận thông tin một chiều, vốn bị bóp méo từ các tổ chức, cá nhân vốn có quan điểm thù địch với chính quyền một nước nào đó, mà không hề quan tâm đến thông tin chính thống, khách quan khác.

Ðối với Việt Nam, Văn bút quốc tế thường xuyên đăng tải bài viết, công bố báo cáo, nghị quyết xuyên tạc tình hình nhân quyền và đưa ra những đòi hỏi phi lý, trắng trợn, trong đó có một số thư gửi lãnh đạo Ðảng và Nhà nước. Gần đây nhất ngày 24-6-2013, Văn bút quốc tế gửi thư tới Chủ tịch nước Trương Tấn Sang "yêu cầu" thả ngay lập tức, vô điều kiện  Nguyễn Văn Hải (người bị Tòa án nhân dân TP Hồ Chí Minh tuyên án 12 năm tù giam, 5 năm quản chế vì tội tuyên truyền chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam). Quan tâm tới nhân quyền, nhưng tổ chức này lại bỏ qua các thành tựu của Việt Nam trong việc thực thi dân chủ, bảo đảm các quyền dân sự, chính trị, kinh tế, xã hội,... cho người dân. Với định kiến cố hữu và thái độ thiên lệch, Văn bút quốc tế nhiều lần vu cáo Việt Nam vi phạm dân chủ, nhân quyền, "đàn áp, sách nhiễu" các nhà văn, nhà báo, blogger và đằng sau các cáo buộc này không khó để nhận ra dấu vết của "văn bút Việt Nam hải ngoại" - một trong số hơn 140 trung tâm của Văn bút quốc tế trên thế giới. Cụ thể hơn, "văn bút Việt Nam hải ngoại" là nguồn cung cấp thông tin chủ yếu và đóng vai trò chủ chốt chấp bút cho các báo cáo, nghị quyết của Văn bút quốc tế đối với Việt Nam. Cần khẳng định rằng, "văn bút Việt Nam hải ngoại" là một nhóm ô hợp gồm một số kẻ chống Ðảng và Nhà nước Việt Nam. Tham gia "tổ chức" lưu vong này, hầu hết là các "cây bút" đã ít nhiều có hoạt động văn chương dưới chế độ Sài Gòn trước năm 1975 như Ðặng Văn Nhâm, Nguyễn Ngọc Ngạn, Võ Văn Ái, Nguyễn Hữu Nghĩa, Nguyễn Bửu Thoại, Song Thao,... Và đứng sau "chống lưng", tài trợ cho "văn bút Việt Nam hải ngoại" là các phe nhóm chống cộng như tổ chức khủng bố "Việt Tân", cái gọi là "Chính phủ Việt Nam tự do",... với âm mưu biến "văn bút Việt Nam hải ngoại" thành diễn đàn ngôn luận, thành lực lượng chống phá để thực hiện âm mưu lật đổ chính quyền, xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Ðảng Cộng sản Việt Nam.

Nghị quyết về Việt Nam được thông qua tại Ðại hội Văn bút quốc tế lần thứ 79 vừa qua được "trung tâm văn bút Thụy Sĩ Pháp thoại" cấu kết với "văn bút Việt Nam hải ngoại", "văn bút Thụy Sỹ Ðức thoại", "văn bút Thụy Sỹ Ý thoại" soạn thảo, đệ trình. Ðiều đáng nói là qua cái gọi "nghị quyết", với các từ ngữ như "hành hạ, ngược đãi, điều luật mơ hồ, ngăn cấm người dân tự do bàn luận, trao đổi quan điểm",... tổ chức nhân danh văn chương này không chỉ trơ tráo xuyên tạc tình hình nhân quyền ở Việt Nam, mà còn lặp lại nguyên văn luận điệu các thế lực thù địch và một số tổ chức, cá nhân thiếu thiện chí với Việt Nam vẫn truyền bá trên internet! Không chỉ có thế, khi thông qua cái gọi là "nghị quyết", Văn bút quốc tế còn tỏ ra không biết ngượng khi ca ngợi "thành tích" của một số người đã hoặc đang là phạm nhân, bị kết án vì có hành vi vi phạm Ðiều 88, Ðiều 79, Ðiều 258 Bộ luật Hình sự của nước CHXHCN Việt Nam. Trớ trêu hơn, những người Văn bút quốc tế gọi là "nhà văn, nhà báo, blogger dũng cảm đấu tranh cho dân chủ nhân quyền" lại không hề có một tác phẩm văn chương hay tác phẩm báo chí đã được xuất bản, mà sản phẩm của họ chỉ là mấy bài viết "lá cải" và tài liệu cóp nhặt, với mục đích duy nhất là xuyên tạc vấn đề nhân quyền ở Việt Nam, tuyên truyền chống đối Ðảng và Nhà nước Việt Nam, rồi kích động hận thù, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Ðó là lý do duy nhất để họ bị bắt giữ, xét xử và phải nhận án tù vì đã vi phạm pháp luật Việt Nam.

Từ bản chất của vấn đề cần khẳng định, với cái gọi là "nghị quyết" vừa được thông qua, một lần nữa Văn bút quốc tế lại tiếp tay cho những kẻ chống cộng trong "văn bút Việt Nam hải ngoại" thực hiện mưu đồ chính trị đen tối của họ. Với "nghị quyết" này, chỉ có thể đặt ra hai câu hỏi: Phải chăng những người ở Văn bút quốc tế đã điều hành tổ chức của họ bằng thái độ vô trách nhiệm cho nên đã không tìm hiểu thông tin về Việt Nam nói chung và hoạt động văn học, báo chí ở Việt Nam nói riêng để có ý kiến đúng mực? Phải chăng Văn bút quốc tế đang tạo cơ hội cho những kẻ cơ hội vu cáo Việt Nam? Dù câu trả lời là thế nào thì Văn bút quốc tế không thể chối bỏ sự thật là họ đã đi ngược lại với tôn chỉ mục đích của tổ chức, bởi Hiến chương của Văn bút quốc tế khẳng định hoạt động của tổ chức này không phục vụ và bị tác động bởi mưu đồ chính trị; kiên quyết chống lại việc "xuyên tạc, cố ý lừa dối, bóp méo các sự kiện cho những mục đích chính trị và cá nhân"; cam kết thúc đẩy hiểu biết và tôn trọng lẫn nhau giữa các dân tộc, loại bỏ những hận thù chủng tộc, giai cấp, hận thù quốc gia và đấu tranh cho lý tưởng một nhân loại sống trong hòa bình trên thế giới.

Ở Việt Nam hiện nay có hơn 900 nhà văn, nhà thơ và hơn 19.000 nhà báo, đó là những người hoạt động nghệ thuật, báo chí chân chính tập hợp trong Hội Nhà văn Việt Nam, Hội Nhà báo Việt Nam. Tên tuổi của nhiều nhà văn, nhà báo đã in dấu ấn trong đời sống tinh thần của rất nhiều thế hệ người đọc Việt Nam. Với tư cách là nhà văn, nhà báo, quyền và lợi ích của họ được xã hội khẳng định, bảo vệ; tác phẩm của họ được xã hội ghi nhận, qua đó đóng góp vào sự phát triển của văn chương và báo chí, hướng con người tới chân - thiện - mỹ, đồng thời đưa ra ý kiến phản biện để cùng toàn dân xây dựng xã hội dân chủ, công bằng, văn minh. Họ mới chính là đại diện đích thực, đúng nghĩa của văn chương và báo chí ở Việt Nam. Nếu Văn bút quốc tế thật sự quan tâm, có thiện chí với văn chương và báo chí Việt Nam, hãy tìm hiểu qua các nhà văn, nhà báo đang đại diện cho nền văn chương, báo chí của 90 triệu người Việt Nam chứ không phải là một tổ chức mạo danh, tập hợp vài chục cây bút lưu vong ở nước ngoài vô danh trên văn đàn, báo chí Việt Nam. Và nếu nghiêm túc tìm hiểu, chắc chắn Văn bút quốc tế sẽ nhận được những thông tin hoàn toàn trái ngược với những gì mà nhiều năm qua "văn bút Việt Nam hải ngoại" đã cố tình đầu độc họ.

LAM SƠN/ Nguồn: Nhân Dân
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất