Chủ Nhật, 24/11/2024
Giới thiệu tác phẩm
Thứ Ba, 22/12/2009 19:45'(GMT+7)

Vì mùa xuân đất nước ta đi!

Mới đây, tại chương trình liên hoan “Những ngôi sao thế kỷ” của huyện Hoài Đức - Hà Nội, có một tiết mục tốp ca đã thu thút được sự chú ý đặc biết của khán giả, không phải vì tốp ca đó được dàn dựng công phu, cũng chẳng phải dàn diễn viên hát đặc sắc nổi trội, mà chính vì nội dung bài hát đã thu hút người nghe. Đó là tiết mục tự biên cuả đoàn CCB xã Minh Khai với bài hát “Vì mùa xuân đất nước ta đi’ của tác giả Đông Huyền.

Mới thoạt tiên nghe tốp ca đó cất lên những giai điệu đầu tiên, tôi đã như được tiếp thêm sức mạnh cuả đoàn quân hừng hực khí thế xông lên chiến đấu cho độc lập tự do cuả Tổ Quốc với 2 địa danh gắn với 2 chiến công oai hùng: Nà Ngần- Phai Khắt: “Từ trận Nà Ngần - Phai Khắt năm nao. Đoàn ta ra đi biết mấy tự hào. Quên thân mình vì dân vì nước, gian khó không làm ta lui bước”.

Lời ca vừa được cất lên, cả hội trường vỗ tay vang dậy theo nhịp hát của các CCB. Tôi như thấy trước mắt mình hiện lên những hình ảnh của Tô Vĩnh Diện, Phan Đình Giót, Bế Văn Đàn… trong kháng chiến chống Pháp; rồi những chiến sĩ Cảm tử cuả Trung đoàn Thủ đô “Cảm tử cho Tổ Quốc quyết sinh”… họ đều là nhữug anh hùng “quên thân mình vì dân vì nước”.

Tác giả đã điểm lại những chiến công vang dội cuả Quân đội nhân dân Việt Nam, mở màn cho một loạt những chiến công lớn sau này mà kết thúc là chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Những câu tiếp theo của bài hát vừa như một lời khẳng định, đồng thời nhắc nhở thế hệ sau không quên công lao cuả những anh hùng đã ngã xuống để dựng xây nên Tổ quốc Việt Nam đẹp tươi: “Vinh quang ngày hôm nay, không quên những người đã ngã xuống. Máu xương bao anh em đã dựng xây nên Tổ Quốc ta hôm nay”.

Bài hát viết theo thể loại hành khúc, có 1 đoạn đơn với 2 lời ca. Lời 1 điểm lại những chiến công cuả Quân đội ta và những câu cuối cuả lời 1 đã làm cầu nối liên kết liền mạch giữa lời 1 và lời 2. Đó là nhắc lại những truyền thống tốt đẹp của Quân đội ta: anh hùng, dũng cảm, không sợ hiểm nguy gian khó “gan không núng, chí không mòn”:

Bảo vệ biển trời sông núi quê hương, đoàn ta mang theo truyền thống quật cường. Nguyện một lòng cầm chắc tay súng, gian khó không làm ta nao núng”. Vẫn trên nền nhạc giản dị ở khúc mở đầu bài hát, tác giả đã đặt lời 2 như một lời thề son sắt nguyện vững tay súng trước mọi hiểm nguy gian khổ. Những lời thề này đã là lẽ sống của biết bao thế hệ những người chiến sĩ được nhân dân gọi bằng cái tên trìu mến: Anh bộ đội Cụ Hồ. Tác giả đã gián tiếp nhắc đến lời dạy của Bác Hồ: “Quân đội ta trung với Đảng, hiếu với dân, sẵn sàng chiến đấu hy sinh vì độc lập tự do cuả Tổ Quốc. Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng”

Đi lên nào anh em, giương cao lá cờ Quyết thắng. Nước non ta mãi mãi như mùa xuân đẹp mãi ngàn đơì”. Câu kết vừa như khẳng định, vừa như mong ước về một mùa xuân trường tồn cuả đất nước, dân tộc Vệt Nam. Từ nốt , tác giả đã nâng lên quãng 8 và kết ở nốt rế khiến người nghe như muốn bay lên cùng giai điệu cuả bài, lại khiến ta có cảm giác rất đỗi tự hào.

Bài hát có cấu trúc đơn giản, vuông vức, chỉ có 4 câu hát ở mỗi lời ca, cao độ trung bình (từ nốt thấp đến nốt rế là một quãng bình thường ai cũng có thế hát được), đôi chỗ có dấu luyến (phần đầu) và dấu nối làm giãn nhịp cuối câu tạo cho nguời nghe cảm giác đoàn quân đi lên, đội ngũ lớn mạnh và dài mãi theo thời gian. Ta liên tưởng đến câu thơ “Chào nhau không kịp nhớ mặt. Dô hò nón vẫy theo. Đội ngũ ta đi dài như tiếng hát” của Nguyễn Đình Thi trong bài Đất nước. Ta cũng như thấy được sự kế thừa mãi mãi tiếp nối truyền thống anh hùng “lớp cha trước, lớp con sau, đã thành đồng chí chung câu quân hành”.

Bài hát được kết thúc bằng câu “Ôi Tổ quốc ta Việt Nam” đã khiến tôi liên tưởng đến câu thơ cuả Tố Hữu :

Ôi !Tổ quốc giang sơn hùng vĩ
Đất anh hùng cuả thế kỷ 20
Hãy kiêu hãnh trên tuyến đầu chống Mỹ
Có miền Nam anh dũng tuyệt vời

“Máu xương bao thế hệ đã dựng xây nên Tổ quốc ta, ôi Việt Nam” là câu kết của bài, như khẳng định lại một chân lý: mỗi người Việt Nam chân chính đều luôn mang trong trái tim mình niềm tự hào về truyền thống yêu nước, anh hùng bất khuất, trong đó có những người con đã xả thân vì đất nước để “bảo vệ biển trời sông núi quê hương, để dựng xậy nên tổ quốc ta”, để mùa xuân đất Việt Nam mãi mãi trường tồn.

Tác giả Đông Huyền nguyên là một CCB pháo binh, đã từng tham gia kháng chiến chống Mỹ, phụ trách kỹ thuật của một trung đoàn pháo binh. Hiện nay anh đã nghỉ hưu nhưng vẫn hay viết văn làm thơ và viết nhạc. Baì hát chỉ là một sáng tác nghiệp dư nên khó tránh khỏi những điều chưa thật “chuẩn” trong khúc thức sáng tác, âm giai thể điệu. Nhưng tôi thấy bài hát này của anh đáng được trân trọng và cần phổ biến rộng rãi./.

Diễm Nguyệt


Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất