Việc đóng cửa toàn bộ các lò phản ứng hạt nhân quá cũ, dự kiến diễn ra từ năm 2020 đến 2030, đang gây ra những lo ngại lớn về tình trạng an toàn và môi trường.
Đây là đánh giá của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) trong dự thảo báo cáo về "An toàn hạt nhân năm 2010."
Theo báo cáo trên, mặc dù có những lúc kế hoạch phát triển điện hạt nhân đã đi trước cả những quy định về khả năng cũng như hạ tầng an toàn hạt nhân, song khu vực hạt nhân toàn cầu vẫn duy trì được mức độ cao về hoạt động an toàn trong năm 2010.
Mặc dù vậy, cựu quan chức cấp cao của IAEA Olli Heinonen cho rằng sự cố nhà máy điện hạt nhân Fukushima số 1 sau thảm họa kép động đất và sóng thần xảy ra ngày 11/3 tại Nhật Bản là lời cảnh báo cho việc đánh giá lại và tăng cường vai trò của IAEA trong việc thúc đẩy an toàn hạt nhân.
Tổng Giám đốc IAEA Yukiya Amano khẳng định cần phải tăng cường các tiêu chuẩn an toàn quốc tế về hạt nhân, song ông nhấn mạnh IAEA không phải là "ủy ban giám sát hạt nhân" vì vậy an toàn là trách nhiệm chung của mỗi nước.
Các số liệu thống kê của IAEA tính đến năm 2010 cho thấy, trong số 441 lò phản ứng hạt nhân đang hoạt động trên thế giới, có khá nhiều lò phản ứng được xây dựng từ những năm 1970 và 1980 (trung bình khoảng 35 năm). Nhà máy điện hạt nhân Fukushima cũng được xây dựng từ những năm 1970. Vì vậy, việc các lò phản ứng hạt nhân ngừng hoạt động trong thời gian từ năm 2020-2030 có thể sẽ tạo ra những thách thức lớn về môi trường, an toàn, công nghệ và quản lý hạt nhân cho các nước đang sử dụng.
Ông Amano kêu gọi cần có cơ chế quốc gia và quốc tế trong việc hoạch định phát triển hạt nhân. Theo ông, việc cung cấp kinh phí đầy đủ và chiến lược lâu dài không chỉ cho đến lúc các lò phản ứng ngừng hoạt động mà còn phải tính đến cả việc quản lý phóng xạ và nhiên liệu đã sử dụng.
Ông Amano không thông báo chi tiết những lò phản ứng hạt nhân nào sẽ đóng cửa, song cho biết một số nước đã bắt đầu xem xét việc kéo dài thời gian hoạt động của các nhà máy điện hạt nhân hơn thời hạn như dự kiến.
Hiện Mỹ là nước sở hữu nhiều lò phản ứng hạt nhân nhất trên thế giới với 104 lò, tiếp theo là Pháp 54 lò và Nhật Bản là 54 lò.
Ngoài việc kêu gọi tăng cường và nâng cao hợp tác quốc tế về phát triển hạt nhân, báo cáo của IAEA đặc biệt nhấn mạnh đến các yếu tố an toàn trong bối cảnh nhiều nước trên thế giới hiện nay xem xét việc đưa ra các chương trình năng lượng hạt nhân nhằm đáp ứng nhu cầu năng lượng đang gia tăng mạnh trên toàn cầu và chống lại tác động của biến đổi khí hậu./.
(TTXVN)