Thứ Tư, 2/10/2024
Sức khỏe
Thứ Ba, 10/11/2009 20:44'(GMT+7)

Việc triển khai Luật Bảo Hiểm Y tế còn nhiều khó khăn phía trước

Người dân đi khám chữa bệnh tại Bệnh viện Saint Paul.

Người dân đi khám chữa bệnh tại Bệnh viện Saint Paul.

Các bên liên quan thiết thực nhất đến quy định này chính là bệnh viện, bệnh nhân và cơ quan Bảo hiểm xã hội. Tuy mỗi bên có những vướng mắc riêng trong việc thực hiện song đều cố gắng đảm bảo mục đích nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, giảm bớt phiền hà cho dân.

Bệnh viện - nơi bảo đảm tốt quyền lợi cho bệnh nhân

Theo bà Nguyễn Thị Hà Vân - phòng Kế hoạch chính sách Bệnh viện Saint Paul, để triển khai Luật Bảo hiểm Y tế mới, bệnh viện đã tiến hành tập huấn, nâng cao nghiệp vụ cho cán bộ nhân viên, các trưởng phó khoa bệnh viện về các quy định mới. Tất cả các ô cửa kính nơi nhân viên bệnh viện tiếp xúc với bệnh nhân đều có dán thông tin tuyên truyền về các quy định của luật. Tại các bàn thanh toán đầu phòng khám đều có giám định viên về BHYT ngồi cùng để giám định luôn các trường hợp được hay không được hưởng chế độ bảo hiểm. Nếu không có giám định viên về BHXH  ngồi cùng nhân viên bệnh viện  thì khi có vấn đề cần giám định hoặc có thể tư vấn bằng điện thoại. Bà Hà Vân cũng cho biết, hiện tại đa số bệnh nhân đều sử dụng thẻ BHYT cũ ( hết hạn vào ngày 30/12/2009) nên mọi quy định, thủ tục về BHYT vẫn không có gì thay đổi, ngoại trừ đối tượng là bệnh nhân nhi ( trẻ dưới 6 tuổi). Hiện có vướng mắc là khi bệnh nhân nhi trở thành đối tượng của chính sách BHYT, nhiều danh mục thuốc, vật tư tiêu hao đặc thù chưa có. Do đó hiện bệnh viện đang lập danh mục này để việc khám chữa bệnh đối với trẻ dưới 6 tuổi thật sự hiệu quả. Theo bà Hà Vân, quy định quá nhiều mức thanh toán như trong luật thực sự là vấn đề gây rắc rối song có lẽ sẽ nhanh chóng ổn định dần khi mọi việc đi vào quỹ đạo.

Đăng ký khám chữa bênh tại bệnh viện Bạch Mai.
Tại bệnh viện Bạch Mai, Tiến sĩ Viên Văn Đoan- Trưởng khoa khám bệnh cho biết,  việc triển khai Luật BHYT tại nhiều bệnh viện còn lúng túng, vì bản thân một số nhân viên y tế chưa hiểu rõ về luật, cơ sở hạ tầng, nhân viên còn thiếu, chưa đáp ứng hết số bệnh nhân quá tải... Tuy nhiên, từ 1/10 bệnh viện Bạch Mai gần như là bệnh viện duy nhất thực hiện được quy trình khám chữa bệnh 1 chiều 1 cửa khép kín, bớt khổ cho bệnh nhân cũng như nhân viên y tế. Bên cạnh đó, bệnh viện Bạch Mai cũng đã thực hiện tốt việc thông tin tuyên truyền, phát tờ rơi cho bệnh nhân với những quy định cụ thể, rõ ràng, dễ hiểu. Khẩu hiệu của bệnh viện Bạch Mai trong công tác triển khai Luật mới là “công bằng hơn, trách nhiệm hơn” và “mọi người có thẻ BHYT đều được khám chữa bệnh” tại đây.  Khoảng 5000 bệnh nhân mãn tính “gắn bó” với bệnh viện không cần phải qua phòng tiếp đón mà đến thẳng phòng khám của bác sĩ. Trong thời gian tới, bệnh viện sẽ tăng cường thêm phần mềm công nghệ thông tin để cải tiến quy trình, thủ tục khám chữa bệnh cho bệnh nhân.

Bệnh nhân - ít hiểu biết về luật mới

Tuy công tác tuyên truyền, phổ biến cho người dân về các quy định của Luật Bảo hiểm Y tế mới đã diễn ra thời gian qua song đa số người dân không biết đến hoặc có biết chỉ dừng lại ở mức độ “nghe nói” chứ chưa nắm rõ. Tại bệnh viên Saint Paul, ông Nguyễn Văn Dũng (Phúc Xá- Ba Đình- Hà Nội) nói, “thời gian đi khám chữa bệnh theo BHYT rất mất thời gian, chầu chực gần hết buổi sáng mới lấy được số khám, chiều phòng xét nghiệm không làm việc, thế là phải đợi đến sáng mai”. Khi được hỏi có biết gì về quy định đồng chỉ trả theo Luật BHYT mới không thì câu trả lời của đa số người đến đó khám là không.  Còn theo anh Ngô Thông Tin (Phú Xuyên- Hà Nội), “tôi chẳng biết gì về BHYT mới cả, đi khám thế này người ta bảo đưa nộp bao nhiêu thì tôi đưa chứ có biết gì đâu”. Lê thị Hằng - hướng dẫn viên của bệnh viện Bạch Mai cho biết, luật không quy định rõ ràng là chỉ áp dụng với thẻ mới, chưa áp dụng với thẻ cũ nên nhiều người dân không hiểu cứ hỏi vì sao không được hưởng. “Việc tính toán phí theo thẻ cũ, thẻ mới rất phức tạp mà bọn em không được đi học, chỉ được học lại từ người khác”.

Bảo hiểm xã hội: Cần cơ chế rõ ràng với bệnh nhân bị tai nạn giao thông

Ông Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Giám định Y tế -BHXH Việt Nam.
Trao đổi với phóng viên NDĐT, ông Nguyễn Minh Thảo- Trưởng ban Giám định y tế, Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam cho biết, sau khi triển khai thực hiện luật mới, tình trạng quá tải tại các bệnh viện nhi rất lớn ( đến 80% bệnh nhân đối tượng này tự lên bệnh viện tuyến trên khám). Trong khi đó, trước đây, đối tượng của BHXH chủ yếu là người lớn nên hiện chưa bổ dung kịp danh mục thuốc, vật phẩm y tế đặc thù cho trẻ nhỏ. Một vấn đề nữa đó là việc mổ tim trong thành phố. Nếu như trước kia, chỉ cần bệnh viện thỏa thuận với Sở Y tế về chi phí mổ là xong, nhưng nay phải áp dụng theo đúng quy định về chính sách viện phí của nhà nước nên mới đầu một số bệnh viện còn lúng túng. Hiện tại, cơ quan BHXH và các bênh viện đã thống nhất giải quyết vấn đề này.

Theo ông Thảo, trong thời gian tới, công tác tuyên truyền, khuyến khích đối tượng là học sinh, sinh viên, người nghèo, cận nghèo tham gia BHYT cũng sẽ được chú trọng, quy trình tiếp đón bệnh nhân BHYT cũng được chú ý hơn. Thống kê của BHXH Việt Nam cho thấy, trong năm 2008, số người tham gia BHYT chỉ chiếm 40% song số bệnh nhân có BHYT tham gia khám chữa bệnh tại các cơ sở y tế lên đến 70% tổng số bệnh nhân. Điều này cho thấy, người dân tin tưởng vào chính sách BHYT và con số này còn tăng cao khi điều kiện khám chữa bệnh theo quy định mới tiện lợi hơn. Ông Thảo nhận định, việc triển khai Luật mới sẽ khiến khối lượng công việc của các nhân viên BHXH các địa phương tăng lên vì có khoảng hơn 50 triệu thẻ BHYT phải thay lại toàn bộ và chuyển đến cho người sử dụng trước ngày 31-12-2009.  Hiện phôi thẻ,  việc làm thẻ mới cũng đã hoàn tất. Vấn đề đáng nói nữa là, theo luật, nơi đăng ký khám chữa bệnh ban đầu là ở tuyến quận, huyện nhưng thực tế có trên 40% bệnh nhân vẫn đăng ký khám chữa bệnh tại tuyến trung ương, dẫn đến tình trạng nơi quá tải, nơi “chờ” bệnh nhân đến. “Đây cũng là thách thức và cũng là cơ hội để hệ thống y tế cơ sở nâng cấp cơ sở vật chất, đầu tư trang thiết bị và năng lực chuyên môn phục vụ công tác khám chữa bệnh của mình”, ông Thảo nhấn mạnh.

Về vấn đề còn nhiều vướng mắc đó chính là việc chi trả BHYT cho những bệnh nhân bị tai nạn giao thông, BHXH cho rằng cần có quy định cụ thể hơn như hành vi nào được hưởng, hành vi vi phạm Luật GT nào không được hưởng khi bị gây tai nạn, thẩm quyền xác nhận hành vi nào là vi phạm hay không… để thực hiện việc chi trả đảm bảo tính công bằng, hợp lý. Vì vậy, cần có một cơ chế hoàn chỉnh bằng văn bản hoàn tất trước ngày 31/12/2009 để các ca bệnh vì tai nạn giao thông có thể thanh toán bằng BHYT diễn ra thuận tiện, không bị vướng mắc.

Theo quy trình này áp dụng cho luật BHYT mới

1. Bệnh nhân đúng tuyến: Thực hiện theo quy trình cũ, cuối ngày tổng kết đợt khám, bộ phận giám định BHYT in phơi thanh toán thu luôn tiền chênh lệch xét nghiệm + % tiền đợt khám bệnh nhân phải trả.

Trong phiếu chỉ định ghi rõ ‘thẻ BHYT đúng tuyến’ để phân biệt với BN có thẻ BHYT trái tuyến.

2. Bệnh nhân vượt tuyến (trái tuyến):

- Trong phiếu chỉ định cần ghi rõ là ‘thẻ BHYT vượt tuyến’.

- Bệnh nhân phải đi nộp tiền chênh lệc + % BN phải trả trước khi làm xét nghiệm.

- Bộ phận giám định hồ sơ cuối cùng thu tiền đồng chi trả của bệnh nhân đối với chi phí thuốc.

- Có báo cáo riêng của từng cá nhân giám định in phơi giám định BHYT và số tiền thu được theo 2 cột là tiền chênh lệch XN và tiền % bệnh nhân phải trả

-  Cuối ngày tổng kết báo cáo trên máy và nộp tiền cho phòng Tài chính kế toán.


(Theo: Hương Nguyên/ND)
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất